Ngày 11/4, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết ở mức 24.923 VND/USD, giảm mạnh 41 đồng so với phiên trước. Với biên độ 5%, các ngân hàng thương mại có thể giao dịch trong khoảng 23.677 - 26.169 VND/USD. Tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá tham khảo cũng được điều chỉnh giảm 41 đồng hai chiều, hiện ở mức giảm 23.727 - 26.119 VND/USD.
Tỷ giá USD bán ra tuột khỏi mốc 26.000 đồng
Tại các ngân hàng thương mại, nhiều đơn vị cũng điều chỉnh giảm sâu. Đơn cử, Vietcombank niêm yết tỷ giá USD ở mức 25.530 - 25.920 VND/USD (mua vào - bán ra), giảm 50 đồng hai chiều so với phiên trước. Sacombank cũng điều chỉnh giảm mạnh tỷ giá USD 60 đồng, xuống 25.550 - 25.910 VND/USD (mua vào - bán ra).
Tỷ giá trung tâm giảm mạnh sau chuỗi 6 phiên miệt mài tăng Về diễn biến trong tuần qua (7 - 11/4), tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng mạnh ba phiên giữa tuần tổng cộng 78 đồng và đạt đỉnh 24.964 VND/USD ngày 10/4, song giảm mạnh 41 đồng phiên cuối tuần. Đây cũng là phiên giảm mạnh sau chuỗi 6 phiên tỷ giá trung tâm miệt mài tăng liên tiếp. Tính chung, tỷ giá trung tâm tăng 37 đồng tuần qua. |
Trên thị trường tự do, đồng USD được giao dịch ở mức 26.020 - 26.120 VND/USD, giảm sâu 140 đồng cả hai chiều.
Tính chung tuần qua (7 - 11/4), tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD giảm khoảng 40 đồng chiều bán ra giúp giải toả căng thẳng, trái ngược với mức tăng sốc 200 đồng sau khi Tổng thống Trump công bố bảng thuế quan đối ứng ngày 2/4 khiến thị trường chao đảo.
Tỷ giá trên thị trường tự do tuần qua biến động mạnh hơn so với ngân hàng thương mại khi chiều bán ra vẫn tăng 84 đồng, cao hơn mức tăng tuần trước (76 đồng).
![]() |
Tỷ giá USD các ngân hàng bán ra giảm khoảng 40 đồng, trái ngược với mức tăng sốc 200 đồng tuần trước. Ảnh tư liệu. |
Trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY, đo lường giá trị của đồng USD so với rổ 6 loại tiền tệ chính trên thế giới, bất ngờ “bổ nhào” giảm sâu mất mốc 100 điểm, hiện còn 99,19 điểm, giảm 1,67%.
Ban đầu, giới quan sát kỳ vọng các mức thuế mới sẽ hỗ trợ đồng bạc xanh, tuy nhiên thực tế đồng USD giảm gần 10% kể từ khi ông Trump nhậm chức và giảm 4,8% chỉ trong tuần qua. Điều này có thể cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang phản ứng với chính sách bảo hộ của ông Trump bằng cách rút khỏi tài sản Mỹ, từ đó tạo thêm áp lực giảm giá lên đồng USD. Bên cạnh đó, lo ngại gia tăng về nguy cơ suy thoái kinh tế cũng đang đè nặng lên USD.
Rủi ro thuế quan phủ bóng
Dù tỷ giá hạ nhiệt song vẫn neo ở mức cao, phản ánh áp lực còn dai dẳng từ thị trường quốc tế và tâm lý lo ngại trong nước. Theo báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I/2025 của Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore), với mức thuế đối ứng cao, doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với rủi ro sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, khi người tiêu dùng Mỹ phản ứng với giá cả tăng bằng cách hủy hoặc trì hoãn đơn hàng, hoặc thậm chí chuyển sang lựa chọn hàng nội địa khi chênh lệch giá thu hẹp.
Trong kịch bản hiện tại, nhóm chuyên gia từ Ngân hàng UOB giả định xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ giảm 20% trong năm 2025 (sau khi đã tăng 20% trong năm 2024). Đồng thời, nếu xuất khẩu sang các thị trường khác giữ nguyên, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm khoảng 6% trong năm 2025, trái ngược với mức tăng 13% của năm 2024.
![]() |
Thị trường tiền tệ tuần 7 - 11/4: Áp lực tỷ giá tạm lắng nhưng rủi ro vẫn chưa nguôi. Ảnh tư liệu. |
"Với các giả định này, đồng thời tính đến tác động lan tỏa lên sản xuất và dòng vốn FDI, mô hình dự báo của chúng tôi cho thấy GDP Việt Nam sẽ giảm 1 điểm phần trăm so với dự báo cơ sở ban đầu" - Ngân hàng UOB dự báo.
Theo đó, Ngân hàng UOB dự báo tăng trưởng GDP quý II và quý III/2025 lần lượt ở mức 6,1% và 5,8%. Trong bối cảnh này, FDI giải ngân và FDI đăng ký có thể sẽ giảm về mức khoảng 20 tỷ USD trong năm nay.
Dự báo biến động tỷ giá các quý cuối năm "Khi bất ổn gia tăng, áp lực lên tỷ giá VND sẽ tiếp tục leo thang. Chúng tôi duy trì quan điểm đồng VND sẽ tiếp tục yếu đi, với dự báo cập nhật về tỷ giá USD/VND như sau: 26.500 trong quý II/2025, 27.200 trong quý III/2025, 26.800 trong quý IV/2025, 26.500 trong quý I/2026" - ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB Singapore nhận định. |
Báo cáo từ Ngân hàng UOB cũng lập luận rằng, các đồng tiền châu Á sẽ bước vào giai đoạn suy yếu tiếp theo, sau khi chính quyền Trump áp đặt hàng loạt thuế quan trừng phạt đối với các nền kinh tế châu Á. Khối lượng xuất khẩu gần như chắc chắn sẽ sụt giảm, làm suy yếu triển vọng tăng trưởng và đồng tiền của các nền kinh tế trong khu vực.
Tại Việt Nam, tỷ giá VND giảm xuống mức thấp kỷ lục mới, khoảng 25.800 VND/USD, ngay sau khi Mỹ công bố thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam.
Cũng theo ông Trần Ngọc Báu - Chuyên gia kinh tế tài chính, Tổng Giám đốc WiGroup cho biết, tính đến ngày 8/4, đồng VND mất giá khoảng 2,2% so với USD, trong khi chỉ số USD Index giảm 5,8%. Điều này cho thấy VND không chỉ yếu đi so với USD mà còn giảm giá mạnh hơn so với nhiều đồng tiền khác, tương đương mức mất giá gần 10%. Diễn biến này làm gia tăng nguy cơ lạm phát trong thời gian tới, nhất là khi giá nhập khẩu nguyên vật liệu tăng theo. Đáng chú ý, tỷ giá bán USD của nhiều ngân hàng thương mại đã vượt mức trần do NHNN quy định trong ngày 8/4.
“Nếu NHNN không nới biên độ hoặc nâng tỷ giá trung tâm lên thì có khả năng phải dần dần bán USD ra để giảm áp lực tỷ giá trong khi dự trữ ngoại hối không còn nhiều. Áp lực đến đâu còn phụ thuộc vào câu chuyện về thuế quan và phản ứng của Fed trước bối cảnh hiện tại của Mỹ” - ông Báu nhìn nhận./.
Bơm ròng gần 24 nghìn tỷ đồng, lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ Hiện NHNN vẫn đang đẩy mạnh việc cung ứng thanh khoản cho thị trường thông qua kênh thị trường mở (OMO). Theo đó, ở kênh cầm cố, phiên ngày 11/4, có 18.939,2 tỷ đồng trúng thầu, gồm 8.323,29 tỷ đồng ở kỳ hạn 7 ngày; 9.586,64 tỷ đồng ở kỳ hạn 14 ngày và 1.029,27 tỷ đồng ở kỳ hạn 35 ngày; lãi suất đều ở mức 4%; có 9.041,47 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN. Như vậy, NHNN bơm ròng 9.897,73 tỷ đồng từ thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở phiên hôm nay. Có 119.805,52tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố; không có tín phiếu lưu hành trên thị trường. Tính chung tuần qua (7 - 11/4), ở kênh cầm cố, có 74.054,02 tỷ đồng trúng thầu; trong đó, có 2.481,4 tỷ đồng trúng thầu kỳ hạn 91 ngày. Khối lượng các khoản vay cầm cố đáo hạn là 50.133,77 tỷ đồng. Tính chung tuần qua, lượng tiền bơm thêm vào hệ thống là 23.920,25 tỷ đồng, cao hơn mức bơm ròng tuần trước đó (14.237,55 tỷ đồng). Trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng, ngày 9/4, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm nhẹ so với phiên trước đó nhưng tăng so với cuối tuần trước ở hầu hết các kỳ hạn. Theo đó, kỳ hạn qua đêm tăng 22 điểm cơ bản lên 4,21%; 1 tuần 4,39% (tăng 31 điểm cơ bản); 2 tuần 4,41% (tăng 1 điểm cơ bản); 1 tháng 4,45% (tăng 36 điểm cơ bản)./. |