Thị trường tiếp tục “đánh võng”, thanh khoản phục hồi
Những nỗ lực đảo chiều tiếp tục gặp trở ngại trong phiên sáng nay, nhưng giao dịch không còn uể oải như hôm qua. Dòng tiền bắt đầu phản ứng nhạy hơn ở các nhịp giảm giúp nâng đỡ giá và chỉ số, bất chấp loạt trụ vốn hóa hàng đầu vẫn còn đỏ.
VN-Index kết phiên sáng giảm rất nhẹ 0,7 điểm nhưng vẫn có thể coi là một kết quả tốt. Dao động trong phiên cho thấy áp lực bán vẫn đang xuất hiện theo từng đợt và tạo sức ép lên giá, nhưng không thể đẩy biên độ gia tăng rộng như hôm qua. VN-Index tăng đạt đỉnh lúc 9h35 tăng gần 5,6 điểm và trượt giảm chạm đáy lúc 10h40, giảm xấp xỉ 3 điểm. Biên độ dao động đã hẹp lại đáng kể so với phiên trước.
Quan điểm cắt lỗ vẫn đang đè nặng lên thị trường, khối lượng bán xuất hiện khi giá phục hồi. Có thể thấy rõ điều này ở sự thay đổi trong độ rộng chỉ số. Lúc VN-Index tăng đạt đỉnh có 190 mã tăng/72 mã giảm nhưng tại đáy chỉ còn 106 mã tăng/215 mã giảm. Kết phiên sáng sàn HoSE có 128 mã tăng/198 mã giảm. Độ rộng co giãn theo nhịp dao động intraday ở chỉ số phản ánh hoạt động chốt lời hay bắt đáy đều xuất hiện ở diện rộng và ít có tác động từ các trụ.
Dù vậy nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất vẫn là nguyên nhân khiến VN-Index không phục hồi rõ ràng để hỗ trợ tâm lý. Trong 10 mã vốn hóa hàng đầu thì có 6 mã giảm và 2 mã tăng, với 5 cổ phiếu lớn nhất đều đỏ là VCB giảm 0,54%, BID giảm 0,41%, FPT giảm 0,37%, CTG giảm 0,42% và VHM giảm 0,97%. Hai cổ phiếu xanh là TCB tăng 1,04% và HPG tăng 0,38%.
Điểm tích cực là nhóm blue-chips tầm trung trong rổ VN30 vẫn đang duy trì được giá khá tốt. VN30-Index kết phiên sáng đã xanh nhẹ 0,06% (+0,83 điểm) với 12 mã tăng/14 mã giảm. HDB xuất sắc nhất tăng 2,23% và TCB tăg 1,04%, VNM tăng 1,04%, còn lại là các mã ít ảnh hưởng như TPB, POW, PLX, VIB, MSN do mức tăng quá nhẹ. Việc VN30-Index giảm trọng số vốn hóa của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trong VN-Index cho thấy sức ảnh hưởng của nhóm trụ lên chỉ số chính là khá nặng nề. Nếu các trụ đẩy VN-Index mạnh hơn thì tâm lý giao dịch sẽ cởi mở hơn đáng kể.
Thanh khoản phục hồi rõ nét sáng nay cũng là điểm nhấn tích cực. Mặc dù biên độ điều chỉnh sâu nhất của phiên không nhiều, nhưng dòng tiền đã tham gia bắt đáy nhanh hơn hôm qua. Tổng giao dịch khớp lệnh sàn HoSE đã tăng tới gần 71% so với sáng hôm qua, đạt hơn 7.375 tỷ đồng. Tính chung cả HNX, thanh khoản 2 sàn tăng 74%, đạt 8.161 tỷ đồng.
Sự gia tăng thanh khoản này hết hợp với biên độ dao động chiều giảm khá hẹp là một tín hiệu của dòng tiền vào nâng đỡ. Hiện trong 198 cổ phiếu đang đỏ trong VN-Index thì chỉ 54 mã giảm hơn 1%, đại đa số không có thanh khoản. 13 mã trong nhóm này đạt giao dịch từ 10 tỷ đồng trở lên và tổng cả nhóm chiếm 13,1% giá trị khớp lệnh sàn HoSE. 5 cổ phiếu thanh khoản cao nhất nhóm này là HCM với 261 tỷ đồng, giá giảm 1,93%; DIG với 116,4 tỷ, giá giảm 1,84%; ORS với 105,5 tỷ, giá giảm 2,01%; DXG với 90,6 tỷ, giá giảm 1,32% và FTS với 66,8 tỷ, giá giảm 1,77%.
Tuy vậy nhìn từ góc độ hiệu ứng bắt đáy, toàn sàn HoSE cũng mới có khoảng 19,3% số cổ phiếu đạt biên độ phục hồi hơn 1% so với giá thấp nhất. Đây vẫn là tỷ trọng thấp, nhất là khi đại đa số chỉ phục hồi dưới 0,5%. Như vậy hiệu ứng bắt đáy mới chặn đà giảm chứ chưa đẩy giá hồi tích cực hơn. Điều này cũng không mấy bất ngờ vì nhà đầu tư cầm tiền vẫn đang thực hiện chiến lược chờ mua thụ động. Giá giảm không nhiều do bên bán cũng không còn chấp nhận giá quá thấp. Nếu phiên chiều biên độ dao động tăng lên, thanh khoản có thể còn tăng tốt hơn nữa.
Ở chiều tăng, nhóm cổ phiếu chứng khoán bùng nổ hôm qua đã chững lại, số mã đỏ trong nhóm này đã gấp nhiều lần số xanh, một số mã quay đầu giảm khá mạnh như MBS, BMS, WSS, ORS, HCM đã mất xấp xỉ 2% trở lên. Ngoài ra những cổ phiếu còn tăng nổi bật trong nhóm ngược dòng cũng không mang tính đại diện. LPB, TCB, HDB không đại diện được cho nhóm ngân hàng; các mã lẻ khác như BAF, PVT, CII, HAH cũng chỉ là cung cầu riêng biệt.
Xem thêm tại vneconomy.vn