Những tưởng phiên giao dịch bùng nổ ngày 5/12 sẽ “hâm nóng” thị trường, nhưng trạng thái “ru ngủ” đã nhanh chóng trở lại với những phiên giao dịch giằng co nhẹ với lực cầu tham gia khá yếu. Thậm chí, đến phiên 13/12, thanh khoản đã rơi xuống mức thấp nhất của hơn nửa tháng, với tổng giá trị giao dịch riêng trên sàn HOSE chưa tới 11.500 tỷ đồng.
Bên cạnh dòng tiền kém sôi động, nhóm cổ phiếu bluechip cũng như các nhóm ngành trụ cột cũng khá yếu, đã khiến thị trường giao dịch ảm đạm, không có nổi một nhịp hồi phục. Chỉ số VN-Index duy trì đà giảm nhẹ trong suốt cả phiên giao dịch với sắc đỏ chiếm áp đảo trên bảng điện tử.
Mặc dù hầu hết các công ty chứng khoán đều đang kỳ vọng thị trường đang giao dịch tích lũy để đi lên, hướng về vùng giá 1.280 – 1.300 điểm, nhưng trong bối cảnh dòng tiền tham gia ngày càng suy yếu thì niềm tin này khá mong manh.
Chốt phiên, sàn HOSE có 105 mã tăng và 280 mã giảm, VN-Index giảm 4,78 điểm (-0,38%), xuống 1.262,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 478,8 triệu đơn vị, giá trị 11.417,4 tỷ đồng, giảm 13,6% về khối lượng và 15,4% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 83,6 triệu đơn vị, giá trị 1.961,8 tỷ đồng.
Nhóm VN30 không có nhiều chuyển biến, đóng cửa giảm gần 4 điểm với 22 mã giảm và chỉ 8 mã tăng. Trong đó, MWG tăng tốt nhất là 1,7%, còn lại VIB, BVH, STB, TCB, BCM, VRE, CTG chỉ tăng nhẹ. Ngược lại, PLX, MSN, HPG, SHB, GVR là các mã giảm sâu nhất với mức điều chỉnh đều trong khoảng 1-2%, còn lại các cổ phiếu khác chỉ giảm nhẹ.
Toàn thị trường có 3 mã có thanh khoản trên chục triệu đơn vị và đều thuộc nhóm bluechip, trong đó HPG dẫn đầu với 17,27 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 1,1%; TCB và SSI khớp lệnh quanh mức 11 triệu đơn vị, lần lượt đóng cửa tăng 0,4% và giảm 0,8%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đáng chú ý là VCA. Sau chuỗi 11 phiên tăng trần liên tiếp đưa thị giá cổ phiếu lên gấp 3 lần, trong phiên hôm nay, dù mở cửa vẫn giữ sắc tím nhưng áp lực bán tháo đã diễn ra và VCA đóng cửa tại mức giá sàn. Kết phiên, VCA giảm 6,8% xuống mức 16.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh cao hơn 11 phiên vừa qua, đạt 0,34 triệu đơn vị và dư bán sàn 73.600 đơn vị.
Trong khi đó, “tân binh” RYG đã giảm nhiệt sau phiên tăng vọt ngày chào sàn 12/12. Đóng cửa phiên 13/12, cổ phiếu RYG chỉ tăng nhẹ 1,2% lên mức 17.000 đồng/CP và thanh khoản chỉ đạt gần 0,2 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, diễn biến điều chỉnh giảm diễn ra trên hầu hết các nhóm ngành, trong đó ở nhóm ngân hàng, một số mã ngược dòng thành công nhưng mức tăng chỉ trên dưới 0,5% như TCB, CTG, STB, LPB, VIB; trong khi ở nhóm chứng khoán kém khả quan hơn khi chỉ có duy nhất BSI tăng chưa tới 0,5%.
Còn thép là nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất trong bộ 3 trụ cột bank – chứng – thép, với HPG và HSG đều giảm hơn 1%, còn NKG giảm hơn 2%...
Ngược lại, nhóm cổ phiếu bảo hiểm là một trong số ít giữ được sắc xanh nhạt, dù cổ phiếu BVH hạ độ cao khi chỉ còn tăng 0,6%; các mã khác như MIG tăng 1,2%, ABI tăng 2%, BIC, PVI và BMI cùng tăng hơn 0,7%...
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index duy trì đà giảm điểm trước áp lực bán trên diện rộng và gánh nặng từ nhóm cổ phiếu HNX30.
Đóng cửa, sàn HNX có 60 mã tăng và 95 mã giảm, HNX-Index giảm 0,98 điểm (-0,43%), xuống 227điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 39,4 triệu đơn vị, giá trị 651,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,85 triệu đơn vị, giá trị 72,5 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 kết phiên giảm gần 4,5 điểm khi chỉ còn duy nhất LHC giữ được sắc xanh nhưng chỉ tăng 0,1%; trong khi có tới 24 mã giảm. Cổ phiếu L14 giảm sâu nhất là 6,3%, tiếp theo là PLC giảm 2,3%, TNG giảm 1,6%...
Cặp đôi chứng khoán là MBS và SHS có thanh khoản sôi động nhất thị trường với 3,68 triệu đơn vị và 3,54 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng đóng cửa không nằm ngoài xu hướng chung của ngành, tương ứng giảm 1% và 1,5%.
Các mã khác trong rổ HNX30 như CEO, PVS, TNG đều giảm trên dưới 1% với thanh khoản một vài triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường duy trì đà giảm nhẹ trong suốt cả phiên chiều sau diễn biến giằng co ở phiên sáng.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,14 điểm (-0,15%), xuống 92,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 41,95 triệu đơn vị, giá trị 516 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,74 triệu đơn vị, giá trị 425,1 tỷ đồng.
Điểm sáng trên thị trường nói chung và UPCoM nói riêng vẫn là cổ phiếu BSR. Việc doanh nghiệp được HOSE chấp thuận niêm yết đã giúp cổ phiếu này nóng hơn. Đóng cửa, BSR tăng 4,7% lên mức 22.500 đồng/CP, với thanh khoản vượt trội, đạt 11,4 triệu đơn vị, gấp 2,5 lần so với cổ phiếu đứng thứ 2 về thanh khoản trên UPCoM là HNG khớp 4,5 triệu đơn vị.
Trong top cổ phiếu giao dịch sôi động có 2 mã nhỏ là PVL và AAH đều khớp hơn 1 triệu đơn vị, đóng cửa cùng tăng gần 3%.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm nhẹ, trong đó VN30F2412 giảm 4,5 điểm, tương đương -0,3% xuống 1.335 điểm, khớp lệnh hơn 193.170 đơn vị, khối lượng mở hơn 53.290 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ áp đảo, tuy nhiên, CTCB2403 có thanh khoản cao nhất là 4,61 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 8,1% lên 800 đồng/cq.
Tiếp theo là cặp đôi CVIB2305 và CMWWG2405 đều khớp 2,25 triệu đơn vị, lần lượt đóng cửa tăng 2,9% lên 350 đồng/cq và tăng 13,8% lên 1.400 đồng/cq.