Thị trường tiếp tục giảm sâu, vẫn có những mã leo lên đỉnh cao mới

Một nhịp nghỉ là điều hết sức cần thiết của thị trường sau đợt tăng khá nóng từ đầu năm đến nay, với mức tăng vào khoảng 12%, bằng mức giá mục tiêu mà một số tổ chức đưa ra cho cả năm 2024. Tuy nhiên, đà giảm khá sâu và việc VN-Index xuyên thủng đường MA10, tương ứng mốc 1.250 điểm, khiến thị trường trở nên rủi ro hơn và hầu hết giới phân tích đều đánh giá xu hướng điều chỉnh sẽ chưa dừng lại.

Dù vậy, tâm lý kỳ vọng của nhà đầu tư đã giúp thị trường sớm hồi phục trong phiên sáng 11/3. Nhưng tất cả các dấu hiệu đều cho thấy đây là nhịp hồi kỹ thuật và kém bền vững, bởi áp lực bán vẫn khá thường trực khiến sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo trên bảng điện tử và chỉ số VN-Index chỉ tăng nhẹ nhờ vào lực đỡ của một số mã lớn. Ngoài ra, thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh, cho thấy thị trường chưa đủ hấp dẫn để dòng tiền mới nhập cuộc.

Bước sang phiên giao dịch chiều, VN-Index chỉ nỗ lực đi ngang trên mốc tham chiếu sau khoảng hơn 30 phút và bắt đầu phát đi những tín hiệu kém lạc quan. Nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu dần mất kiên nhẫn bởi nhịp hồi phục khá yếu của phiên sáng, đã quay ra đẩy bán, khiến sắc đỏ lan rộng thị trường.

Chỉ số VN-Index tiếp tục chứng kiến thêm phiên giảm khá mạnh khi để mất gần 12 điểm, lùi về mốc 1.235 điểm với số mã giảm gấp gần 4 lần số mã tăng. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng là gánh nặng chính của thị trường.

Nếu theo thống kê mới đây, trong tổng số các cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử thì dòng bank đã có đóng góp lớn. Bên cạnh nhiều mã tăng mạnh đã đóng góp lớn cho thị trường, 3 cổ phiếu ngân hàng là VCB, BID và MBB đều đã chứng kiến màn phi nước đại để xác lập mức giá cao kỷ lục mới trong thời gian gần đây. Do đó, quá trình đảo chiều điều chỉnh giảm của dòng bank là điều hết sức bình thường.

Trong phiên hôm nay, các cổ phiếu ngân hàng là gánh nặng chính của thị trường. Toàn ngành chỉ có EIB, EVF và HDB may mắn tăng nhẹ, cùng “tân bình” NAB giữ giá tham chiếu, còn lại đều giảm trên 1-2%.

Riêng cổ phiếu VCB đã lấy đi gần 1,4 điểm của chỉ số chung và là mã tác động mạnh nhất tới thị trường; tiếp theo là VPB, BID và MBB cùng lấy đi hơn 0,8 điểm của chỉ số chung. Ngoài ra, trong top 10 mã tác động lớn nhất tới thị trường còn có TCB khi lấy đi hơn 0,5 điểm của chỉ số chung.

Trong khi đó, cặp đôi MBB và SHB vẫn có thanh khoản sôi động nhất ngành khi khớp tương ứng 34,91 triệu đơn vị và hơn 30 triệu đơn vị, lần lượt đóng cửa giảm 2,8% và 2,6%.

Nhóm chứng khoán đã đảo chiều giảm sau nỗ lực bật hồi của phiên sáng. Trong đó, VIX và VND có thanh khoản tốt nhất nhóm, đạt hơn 32-34 triệu đơn vị, đóng cửa tương ứng giảm 0,3% và 2,6%.

Tuy nhiên, cặp đôi CTS và FTS chưa có dấu hiệu giảm nhiệt khi tiếp tục ngược dòng thị trường chung và nhóm chứng khoán nói riêng để duy trì đà khởi sắc và xác lập mức giá cao kỷ lục mới. Trong đó, FTS tăng 2,7% lên mức giá 60.900 đồng/CP và CTS tăng 1,37% lên mức 37.000 đồng/CP.

Các nhóm cổ phiếu khác như bất động sản, thép, bảo hiểm, bán lẻ, sản phẩm cao su, tiện tích… cũng đều đóng cửa trong xu hướng giảm.

Toàn thị trường chỉ còn 5 nhóm ngành giữ được sắc xanh, trong đó sản xuất phụ trợ tăng 1,55%, còn lại đều chỉ tăng nhẹ trên dưới 0,5%. Nhóm cổ phiếu chế biến thủy sản và công nghệ - thông tin cũng hạ nhiệt dù vẫn giữ được sắc xanh, nhờ sự đóng góp của các mã trong ngành như IDI, FMC, DAT, CMX, ANV, ASM; hay CTR tăng kịch trần…

Xét về vốn hóa, nhóm VN30 giảm sâu hơn thị trường chung khi đóng cửa mất hơn 15 điểm, trong đó chỉ còn 3 mã may mắn giữ được sắc xanh là GVR tăng 1,9%, HDB và VNM đều tăng 0,4%, cùng cặp đôi lớn FPT và VHM giữ giá tham chiếu; còn lại có tới 25 mã giảm với 9 mã giảm trên 2-3%.

Ở nhóm vừa và nhỏ, cổ phiếu DBC tiếp tục ngược dòng thị trường chung và nới rộng biên độ tăng. Đóng cửa, DBC tăng 4,1% lên mức 30.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 24 triệu đơn vị, đứng ở vị trí thứ 7 trong top cổ phiếu giao dịch sôi động nhất thị trường.

Một mã đáng chú ý ngược dòng thị trường và leo lên mức giá cao kỷ lục mới là FRT. Kết phiên FRT tăng 5,82% lên mức 154.500 đồng/CP, thậm chí có thời điểm mã này kéo trần thành công.

Đóng cửa, sàn HOSE có tới 392 mã giảm và chỉ 104 mã tăng, VN-Index giảm 11,86 điểm (-0,95%) xuống 1.235,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 976 triệu đơn vị, giá trị gần 23.858 tỷ đồng, giảm 27,7% về lượng và 26,6% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 8/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 53,23 triệu đơn vị, giá trị 1.311 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, áp lực gia tăng trên diện rộng với gánh nặng lớn đến từ nhóm HNX30 cũng khiến thị trường giảm sâu.

Chốt phiên, sàn HNX có 56 mã tăng và 124 mã giảm, HNX-Index giảm 2,48 điểm (-1,05%) xuống 233,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 92,17 triệu đơn vị, giá trị gần 1.913 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3,4 triệu đơn vị, giá trị 102,62 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 chỉ còn 2 mã giữ sắc xanh là CAP tăng 8,6% và VCS tăng 2,8%, trong khi có tới 23 mã giảm với cặp đôi chứng khoán VIG và PSI giảm sâu nhất khi để mất trên dưới 5,5%. Đóng cửa, nhóm cổ phiếu này đã giảm gần 7,5 điểm và lùi về gần mốc 500 điểm.

Bên cạnh VIG và PSI, các cổ phiếu chứng khoán khác cũng giao dịch kém khả quan. Trong đó, SHS kết phiên giảm 2,7% xuống mức 18.000 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 25,53 triệu đơn vị; MBS giảm 2,4% xuống 27.900 đồng/CP và khớp gần 4,6 triệu đơn vị; APS giảm 4,3%, BVS giảm nhẹ 0,3%, EVS giảm 3,4%...

Nhiều mã đáng chú ý khác như PVS, CEO, TNG, PVC, TIG, HUT đều giảm trên dưới 2% với khối lượng khớp lệnh vài triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng nới rộng đà giảm điểm về cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,57 điểm (-0,63%) xuống 90,66 điểm với 152 mã tăng và 140 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 34,52 triệu đơn vị, giá trị gần 487 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 4 triệu đơn vị, giá trị 116,6 tỷ đồng, trong đó, đáng kể có 3,29 triệu cổ phiếu DAN, trị giá 98,7 tỷ đồng.

Các cổ phiếu chứng khoán trên UPCoM không nằm ngoài xu hướng chung, trong đó SBS kết phiên giảm 3,8% và khớp 3,27 triệu đơn vị, AAS giảm 3,2% và khớp 2,17 triệu đơn vị, BMS giảm 2,5%...

Cổ phiếu BSR cũng nới rộng biên độ giảm, đóng cửa giảm 1,5% xuống mức 19.200 đồng/CP, nhưng vẫn có giao dịch sôi động nhất, đạt hơn 4 triệu đơn vị.

Trong khi đó, VGI vẫn khởi sắc và đóng cửa tăng 5,5% lên mức 38.500 đồng/CP, thanh khoản thuộc top 5 với hơn 2 triệu đơn vị giao dịch thành công.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm khá mạnh, với VN30F2403 giảm 22,8 điểm, tương đương -1,8% xuống 1.231 điểm, khớp lệnh gần 220.570 đơn vị, khối lượng mở hơn 43.260 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ tràn ngập. Trong đó, CSTB2322 phiên này vẫn có thanh khoản cao nhất với 6,46 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 12,7% xuống 550 đồng/cq, theo sau là CVRE2315 khớp hơn 3,45 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 11,8% xuống 300 đồng/cq.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn