Theo bà Đinh Hà Anh - Khối Nghiên cứu Vĩ mô và Chiến lược thị trường tại Công ty CP Chứng khoán MB (MBS), thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng 1 ghi nhận 4 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị phát hành thành công ước đạt gần 5.600 tỷ đồng. Con số này giảm mạnh 93% so với tháng trước và thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, toàn bộ lượng trái phiếu phát hành trong tháng đều thuộc về các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng và chứng khoán.
Tăng trưởng tín dụng năm 2024 ghi nhận mức ấn tượng, đạt 15,08% so với cuối năm 2023, vượt mục tiêu đề ra. Dựa trên triển vọng tích cực này, tín dụng trong năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 16% so với cuối năm 2024, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
![]() |
Bên cạnh đó, chuyên gia từ MBS cũng cho biết, thị trường TPDN trong năm 2025 được kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc nhờ vào các yếu tố nền tảng vững chắc. Đầu tiên, đà tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế sẽ tạo động lực cho sự phục hồi của các ngành quan trọng như bất động sản và sản xuất công nghiệp.
Theo dự báo, GDP năm 2025 có thể đạt mức 7,1% - 7,5%, cao hơn so với mức 7,09% của năm 2024, nhờ vào việc đẩy mạnh đầu tư công cũng như sự hồi phục của sản xuất và xuất khẩu. Xuất khẩu dự kiến sẽ tăng trưởng từ 9% - 10%, được hỗ trợ bởi sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng toàn cầu cùng với nỗ lực mở rộng thị trường và đa dạng hóa danh mục hàng hóa.
Theo chuyên gia từ MBS, năm 2025 đánh dấu năm cuối cùng của Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, với tổng vốn đầu tư công lên tới 791.000 tỷ đồng, thậm chí có thể được điều chỉnh tăng lên mức 875.000 tỷ đồng. Những đột phá về thể chế, đặc biệt là việc các luật quan trọng như Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật Đầu tư có hiệu lực, được kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ các điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả giải ngân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. |
Hơn nữa, môi trường lãi suất hấp dẫn cũng là yếu tố quan trọng thu hút dòng vốn nhàn rỗi, đồng thời tạo động lực cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến cuối năm 2024, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại cổ phần đạt trung bình 5,1%, cao hơn 20 điểm cơ bản so với đầu năm, trong khi lãi suất của các ngân hàng thương mại nhà nước duy trì ở mức 4,7%.
Cũng theo chuyên gia từ MBS, dù lãi suất đầu vào có xu hướng tăng, nhưng theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay trung bình lại giảm 0,59% so với đầu năm. Điều này đặc biệt rõ nét ở các ngân hàng thương mại cổ phần, khi họ chịu áp lực phải giảm lãi suất đầu ra để thu hút khách hàng. Dự báo trong năm 2025, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng sẽ duy trì ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ, dao động trong khoảng 5% - 5,2%.
![]() |
Triển vọng của thị trường bất động sản trong năm 2025 cũng được đánh giá tích cực hơn nhờ vào hàng loạt chính sách mới. Việc Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi) đã tạo ra một hành lang pháp lý quan trọng, giúp giải quyết những vướng mắc liên quan đến xác định tiền sử dụng đất, từ đó thúc đẩy nguồn cung bất động sản dân dụng trong trung và dài hạn.
Dự kiến, nguồn cung căn hộ sẽ tăng 25% tại Hà Nội và 30% tại TP.Hồ Chí Minh nhờ các rào cản pháp lý được tháo gỡ. Đồng thời, mặt bằng lãi suất thấp sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường, giảm áp lực tài chính cho cả chủ đầu tư và người mua nhà. Ngoài ra, các doanh nghiệp bất động sản cũng chủ động giảm tỷ trọng nợ vay, giúp cải thiện thanh khoản và ổn định tài chính.
Tình trạng chậm thanh toán TPDN có dấu hiệu cải thiện khi không có thêm doanh nghiệp nào thông báo trì hoãn nghĩa vụ trả gốc và lãi. Tính đến cuối tháng 1, tổng giá trị TPDN chậm thanh toán ước đạt 205.500 tỷ đồng, tương đương khoảng 20% tổng dư nợ toàn thị trường. Trong đó, lĩnh vực bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, với khoảng 69% tổng giá trị chậm trả. |
Ngoài ra, chất lượng thị trường chứng khoán và TPDN cũng được nâng cao nhờ các quy định pháp lý mới. Theo đó, các TPDN phát hành riêng lẻ sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn về xếp hạng tín nhiệm, tài sản đảm bảo và bảo lãnh thanh toán. Quy định mới cũng yêu cầu các doanh nghiệp công bố thông tin minh bạch hơn, đồng thời siết chặt các điều kiện phát hành đối với doanh nghiệp có rủi ro tài chính cao.
Tuy nhiên, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn là một thách thức lớn trong năm 2025. Trong tháng 1, giá trị trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn đạt khoảng 12.900 tỷ đồng, giảm 69,1% so với tháng trước nhưng lại tăng 141% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, nhóm bất động sản đã vượt qua nhóm ngân hàng để trở thành lĩnh vực có giá trị mua lại trái phiếu lớn nhất, với tổng giá trị ước đạt hơn 7.000 tỷ đồng, chiếm 54,4% tổng lượng mua lại.
Dự báo trong năm 2025, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ vào khoảng 151.000 tỷ đồng, với áp lực tập trung cao vào quý III, khi lượng trái phiếu đáo hạn có thể lên tới 63.000 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, với tổng giá trị đáo hạn ước tính hơn 95.000 tỷ đồng, tương đương 63% tổng lượng trái phiếu đáo hạn, tiếp theo là nhóm ngân hàng với 21.800 tỷ đồng, chiếm 14,4%.