Thị trường trái phiếu doanh nghiệp "ấm" lại?
Dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) cho thấy trong tháng 12-2023, có 55 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (DN) riêng lẻ với tổng giá trị 42.806 tỉ đồng. Con số này tăng 19% so với tháng trước nhưng tăng tới 300% so với năm 2022, phản ánh sự khởi sắc của thị trường.
Lấy lại niềm tin của nhà đầu tư
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, nhu cầu tìm hiểu, mua trái phiếu DN của nhà đầu tư cá nhân cũng tăng lên trong bối cảnh các kênh đầu tư khác chưa hấp dẫn.
Chị Ngọc Minh (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết chị đang có nhu cầu tìm hiểu trái phiếu DN để mua đầu tư. Khoản tiền nhàn rỗi không có nhiều nhưng chị muốn phân tán rủi ro nên quyết định một phần gửi tiết kiệm, phần còn lại mua trái phiếu DN hoặc mua vàng để dành.
"Tôi có tìm hiểu một vài trái phiếu của DN trong lĩnh vực bất động sản, du lịch, thấy lãi suất được quảng cáo trên 10%/năm. Thậm chí có một DN du lịch mạo hiểm huy động vốn qua trái phiếu cho các dự án khách sạn, nhà hàng của họ với lãi suất quảng cáo 15%-16,5%/năm nhưng tính pháp lý thì tôi chưa kiểm chứng được nên chưa quyết định mua" - chị Minh băn khoăn.
Trên một số diễn đàn về đầu tư trái phiếu với hàng chục ngàn thành viên, nhu cầu tìm hiểu về trái phiếu của DN là không nhỏ, do lợi tức trái phiếu thường cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn dài (trên 12 tháng).
Như năm 2023, các đợt phát hành trái phiếu có lãi suất trung bình 7,06%/năm, kỳ hạn bình quân 5,97 năm, trong đó nhiều đợt phát hành của DN bất động sản có lãi suất trên 10%/năm. Có điều, những băn khoăn về yếu tố pháp lý của các DN phát hành, việc giám sát quản lý của nhà nước... là rào cản với một số nhà đầu tư.
Ngược lại, đối với các DN, trong bối cảnh tiếp cận vốn tín dụng trung, dài hạn không dễ hoặc đã hết hạn mức vay vốn ngân hàng (NH), việc huy động vốn qua trái phiếu là một giải pháp cần thiết.
Theo VBMA, tính cả năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu DN được ghi nhận là hơn 311.000 tỉ đồng. Trong đó, có 29 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá trên 37.000 tỉ đồng và 286 đợt phát hành riêng lẻ trị giá hơn 275.000 tỉ đồng (chiếm 88,1% tổng số).
Phát biểu tại họp báo thường kỳ Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết thị trường trái phiếu năm 2023 có những điểm sáng. Trong đó, Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP quy định về việc ngưng hiệu lực một số quy định của Nghị định 65/2022/NĐ-CP liên quan đến phát hành trái phiếu DN riêng lẻ, cho phép các DN đàm phán với nhà đầu tư để xử lý trái phiếu đến hạn.
Từ tháng 7-2023, Bộ Tài chính đã chính thức đưa thị trường giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ tập trung vào vận hành. Tính đến hết năm 2023, tổng giá trị giao dịch trên thị trường trái phiếu có tổ chức là 218.000 tỉ đồng, với giá trị giao dịch bình quân tương ứng là 1.880 tỉ đồng/phiên. Hiện có trên 887 mã trái phiếu của 249 tổ chức đăng ký trái phiếu đã được đăng ký và giao dịch trên thị trường giao dịch tập trung này.
Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, yếu tố quan trọng nhất của sàn giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ này là tăng 20-30 lần thanh khoản so với giai đoạn trước, góp phần tăng công khai minh bạch cho thị trường.
"Thị trường trái phiếu DN dù còn rào cản nhưng đang phục hồi tích cực, niềm tin trở lại. Việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm; các vụ việc vi phạm liên quan trái phiếu được xử lý quyết liệt góp phần tạo lành mạnh hơn cho thị trường" - TS Cấn Văn Lực nhìn nhận.
Gỡ thêm áp lực cho trái phiếu bất động sản
Năm 2024, dự kiến sẽ có khoảng 280.000 tỉ đồng trái phiếu DN đáo hạn, trong đó sức ép lớn vẫn đến từ thị trường bất động sản.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán MB (MBS), cho rằng thị trường bất động sản ảm đạm kéo dài sẽ gây áp lực lên thị trường trái phiếu cũng như nợ xấu của hệ thống NH. Uớc tính giá trị trái phiếu bất động sản đáo hạn trong quý IV/2023 và năm 2024 lần lượt là 12.172 tỉ đồng và 125.305 tỉ đồng, giảm 29% và 5% so với trước khi mua lại.
"Ước tính tổng giá trị trái phiếu DN chậm các nghĩa vụ thanh toán vào khoảng 192.000 đồng, chiếm gần 19% dư nợ trái phiếu hiện nay của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn nhất với khoảng 70% giá trị chậm trả" - bà Khánh Hiền nói.
Để gỡ khó cho thị trường bất động sản, giảm áp lực lên trái phiếu DN, NH Nhà nước đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngưng thi hành một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN liên quan đến việc tổ chức tín dụng, chi nhánh NH mua, bán trái phiếu DN. Theo MBS, Thông tư số 03/2023 là một cách để các NH có thể thúc đẩy tăng trưởng cho vay qua việc mua trái phiếu DN trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn yếu, thanh khoản dư thừa.
Tiếp đó, NH Nhà nước có dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN theo hướng tạo thuận lợi hơn cho việc mua lại trái phiếu DN của NH thương mại. Bởi hiện nay, sàn giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ đã được vận hành và các trái phiếu còn dư nợ phải đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch theo quy định nhằm tăng tính minh bạch, gia tăng thanh khoản. Khi tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu DN đã bán cũng phải tuân thủ quy định khác tương tự như khi mua lần đầu.
Liên quan đến cơ cấu nhà đầu tư, Bộ Tài chính cho hay trong năm 2023, nhà đầu tư, tổ chức tham gia vào thị trường sơ cấp mua trái phiếu chiếm đến 92,4% và nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm khoảng 7,6%. Đây là sự thay đổi rất lớn trong cách thức tiếp cận thị trường, kể cả tổ chức phát hành và nhà đầu tư.
"Với những giải pháp cụ thể, sự hồi phục trở lại của nền kinh tế, thị trường trái phiếu DN sẽ tiếp tục giữ được và có tăng trưởng bền vững, thực chất. Chất lượng của thị trường sẽ được nâng lên một bước cả đối với các tổ chức phát hành, DN, nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ" - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đánh giá.
Tăng giám sát dòng tiền từ trái phiếu
Năm 2023, NH là nhóm ngành phát hành trái phiếu nhiều nhất với hơn 176.000 tỉ đồng (tương đương 56,5% tổng giá trị phát hành), theo sau là nhóm bất động sản với hơn 73.000 tỉ đồng (chiếm 23,5%).
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN cũng quy định tổ chức tín dụng phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán số tiền mua trái phiếu cho DN phát hành - bên bán trái phiếu.
Quy định này nhằm góp phần hỗ trợ theo dõi, giám sát tình hình sử dụng tiền thu được từ phát hành trái phiếu, tăng cường minh bạch thông tin, hỗ trợ thị trường phát triển bền vững.
Gia hạn việc xác định tư cách nhà đầu tư
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, kiến nghị Chính phủ gia hạn quy định áp dụng việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân tại Nghị định số 08/2023 thêm 12 tháng, đến hết năm 2024 nhằm từng bước hoàn thiện thị trường trái phiếu DN tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế.
"Nếu không gia hạn sẽ có không ít nhà đầu tư cá nhân không hội đủ tiêu chuẩn "nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp", muốn đáp ứng phải qua các lớp đào tạo theo quy định của pháp luật về chứng khoán và phải có thời gian" - ông Lê Hoàng Châu phân tích.
Xem thêm tại cafef.vn