Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phục hồi
Thị trường có hồi phục nhưng vẫn tắc nghẽn
Theo báo cáo mới nhất của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB, lũy kế 10 tháng năm 2024, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt hơn 336.600 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ và vượt tổng mức phát hành trong cả năm 2023.
Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân gia quyền trong 10 tháng năm 2024 ước đạt khoảng 7%, thấp hơn so với mức trung bình 8,3% của năm 2023.
Thị trường có hồi phục nhưng vẫn tắc nghẽn. |
Tính đến hết tháng 10/2024, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán ước đạt khoảng 204.400 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường. Trong đó, nhóm bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất với khoảng 69% giá trị chậm trả.
Nhận định về thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong 10 tháng năm 2024, TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, cho rằng dù đã có hồi phục song vẫn còn tắc nghẽn.
Hai “người chơi” chủ lực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện đang là nhóm ngân hàng và bất động sản. Tuy nhiên, trong khi nền kinh tế chưa thực sự khởi sắc, thị trường bất động sản tắc nghẽn về cả thủ tục, vốn lẫn quỹ đất. Số lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành bởi các doanh nghiệp bất động sản, dù đứng thứ 2 về quy mô trên thị trường nhưng vẫn đang ở mức rất thấp, gần như chưa phục hồi so với mức đỉnh giai đoạn 2020 – 2021.
Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng chưa phát triển theo hướng lành mạnh dù đã có nhiều điều chỉnh. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vốn là nơi cung ứng vốn trung, dài hạn cho tất cả các nhóm ngành của nền kinh tế. Trong khi thực tế chỉ ra, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu phục vụ cho nhu cầu huy động vốn của các doanh nghiệp trong ngành bất động sản và ngân hàng.
“Nguồn vốn các ngân hàng huy động từ kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng “chảy” phần lớn vào bất động sản, bằng chứng là dư nợ cho vay bất động sản chiếm tới 20% tổng dư nợ của nền kinh tế. Nói cách khác, nguồn vốn huy động từ kênh trái phiếu doanh nghiệp phần lớn được dành cho bất động sản”, ông nói.
Sự phụ thuộc quá mức vào những ngành này cũng làm giảm tính đa dạng và ổn định của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Thiếu sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất chủ lực như công nghiệp, nông nghiệp và tiêu dùng khiến kênh huy động vốn này chưa phát huy được đúng tiềm năng vốn có.
“Một thị trường trái phiếu doanh nghiệp vắng bóng các doanh nghiệp sản xuất chủ chốt như công nghiệp, nông nghiệp là một thị trường có vấn đề. Nếu cứ ‘bám’ lấy bất động sản và ngân hàng, kênh huy động vốn này sẽ không phát triển đúng với xu thế và nền tảng của một thị trường lành mạnh”, ông nhấn mạnh.
Thêm một “nút thắt” khác trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp được TS Lê Xuân Nghĩa đề cập đến là lãi suất phát hành của các doanh nghiệp bất động sản. Các doanh nghiệp bất động sản đang đẩy mặt bằng lãi suất trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp cao hơn so với mặt bằng chung trên thị trường, thậm chí là gấp 2, gấp 3 lần.
Báo cáo số 926/BC-UBKT15 ngày 26/5/2022 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng chỉ ra, một số doanh nghiệp bất động sản huy động khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với lãi suất cao 12 - 13%/năm, gấp đôi so với lãi suất tiền gửi ngân hàng. Trong giai đoạn 2015 – 2023, lãi suất phát hành bình quân của các doanh nghiệp bất động sản đạt 10,15%/năm.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản lấy lãi suất cao để che giấu đi các rủi ro tiềm ẩn. Điều này dẫn đến việc nhà đầu tư có nguy cơ mất vốn gốc và lãi trái phiếu, tạo ra hiệu ứng dây chuyền trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Mặt khác, khi lãi suất huy động bị các doanh nghiệp bất động sản đẩy lên cao, các doanh nghiệp ngành công nghiệp, sản xuất, chế biến chế tạo trong nước khó “có cửa” để cạnh tranh khi phát hành bởi lãi suất kém hấp dẫn hơn. Hạn chế trong kênh huy động vốn đẩy các doanh nghiệp Việt trong ngành sản xuất gặp khó khăn trong việc phát triển, mở rộng sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Kết quả là như chúng ta đã thấy, phần lớn các ngành chế biến, chế tạo hiện đều nằm trong tay doanh nghiệp FDI. Tệ hơn nữa, 95% thị trường bán lẻ điện tử và 60 – 70% bán lẻ siêu thị nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt còn lại gì về bán lẻ?
Nói không quá lời, chúng ta chỉ còn lại các chợ cóc, mà ngay cả ở đó, mặt hàng Trung Quốc cũng chiếm lượng lớn. Điều này đặt ra vấn đề là cần phải có tầm nhìn chiến lược để làm sao thành nguồn vốn cho phát triển, chứ không phải mang hơi hướng đầu cơ hóa như hiện nay”, ông Nghĩa trăn trở.
Thúc đẩy văn hoá thị trường và xếp hạng tín nhiệm
Để gỡ khó cho thị trường, ông Nghĩa cho rằng, những điều chỉnh như sửa đổi Nghị định 65, tăng thêm tiêu chuẩn của nhà đầu tư chuyên nghiệp, đưa thêm điều kiện phải có tài sản đảm bảo vào phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ,,… mới chỉ giúp thị trường nhích lên được vài bước chứ chưa “cởi” được hết những nút thắt đang làm nghẽn thị trường.
Thúc đẩy văn hoá thị trường và xếp hạng tín nhiệm. |
Để đi đường dài, theo ông Nghĩa, cần phát triển kênh phát hành trái phiếu ra công chúng. Đây là hướng đi theo thông lệ quốc tế và cũng là hướng đi duy nhất giúp thị trường trái phiếu phát triển theo hướng minh bạch và bền vững.
Dự thảo mới nhất của Luật Chứng khoán (sửa đổi) dù không siết chặt thêm điều kiện phát hành trái phiếu ra công chúng, song cũng chưa có động thái “mở” thêm với kênh này.
“Trái phiếu phát hành ra công chúng giúp hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp được giám sát tốt hơn, thông tin minh bạch hơn, hàng hóa có chất lượng hơn. Ở đó, các nhà đầu tư không cần quan tâm đến các thông tin phức tạp như báo cáo tài chính mà chỉ cần quan tâm đến xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp”, ông Nghĩa nói.
Tuy nhiên, muốn đẩy mạnh phát hành trái phiếu ra công chúng, theo TS Lê Xuân Nghĩa, cần phải rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ phát hành ra công chúng, đơn giản hóa thủ tục hành chính thay vì chờ đợi 6 tháng đến 1 năm mới được xét duyệt hồ sơ phát hành như hiện nay. Khi đó, các doanh nghiệp cũng sẽ không bị lỡ mất cơ hội kinh doanh, đầu tư trong lúc đợt phát hành trái phiếu.
Song song với đó, TS Lê Xuân Nghĩa cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hơn nữa văn hóa, thị trường xếp hạng tín nhiệm.
“Xếp hạng tín nhiệm giống như việc khám sức khỏe toàn diện cho doanh nghiệp. Đây cũng là thang đo sức khỏe doanh nghiệp phổ biến nhất của thị trường đại chúng, lành mạnh và minh bạch hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tuy vậy, ở Việt Nam, các doanh nghiệp chưa có văn hóa tham gia xếp hạng tín nhiệm, thậm chí có doanh nghiệp không biết xếp hạng tín nhiệm là gì”, ông Nghĩa nói.
Cuối cùng, trong xu hướng xanh hóa của nền kinh tế, thị trường trái phiếu xanh cũng cần được quan tâm và chú trọng hơn, ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, đầu tiên, Chính phủ cần phải có những quy định cụ thể về khung xanh. Theo ông, lâu nay những thứ chúng ta làm liên quan đến tài chính xanh, trong đó có trái phiếu xanh giống như việc “rót nước vào bình xanh và gọi là xanh, rót vào bình vàng thì gọi là vàng” mà chưa có một quy định, khung xanh cụ thể nào.
Ngoài ra, trái phiếu xanh có đặc điểm là thời gian phát hành dài và lãi suất thấp, do đó cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ để khuyến khích doanh nghiệp phát hành loại trái phiếu này. Các chính sách có thể bao gồm việc cho phép vay không cần thế chấp, cung cấp lãi suất ưu đãi, và đặc biệt là việc thành lập các quỹ đầu tư xanh.
“Chỉ khi có những cơ chế này, kênh trái phiếu xanh mới có thể phát triển và hoạt động hiệu quả”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn