Thị trường trái phiếu xanh Việt Nam khoảng 1 tỷ USD

Với sự gia tăng nhận thức về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, ngày càng nhiều doanh nghiệp và tổ chức tài chính bắt đầu chú trọng đến việc phát hành trái phiếu xanh như một phương tiện để tài trợ cho các dự án có lợi cho môi trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự phát triển của kênh huy động vốn này tại thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Các dự án năng lượng tái tạo đang cần nguồn vốn lớn để chuyển đổi sang xanh.
Các dự án năng lượng tái tạo đang cần nguồn vốn lớn để chuyển đổi sang xanh.

Theo ông Nguyễn Lý Thanh Lương - Trưởng nhóm phân tích thuộc Tổ chức Xếp hạng Tín nhiệm VIS Rating, trên thế giới, trái phiếu xanh đã trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, đóng góp gần 600 tỷ USD mỗi năm cho các mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thị trường trái phiếu xanh mới chỉ thực sự được chú ý gần đây khi có cam kết mạnh mẽ hơn với hoạt động chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, đặc biệt là sau Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26.

Trong giai đoạn 2015-2020, Việt Nam chỉ có 6 đợt trái phiếu xanh được phát hành chủ yếu tại các địa phương Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh nhằm phục vụ cho các dự án quản lý nước sạch và cải tạo môi trường.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến 2023, nhờ các chiến lược phát triển xanh của Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực của các tổ chức tài chính quốc tế và nhận thức rõ hơn về vai trò của tài chính xanh trong cộng đồng doanh nghiệp, thị trường đã bắt đầu ghi nhận những đợt phát hành trái phiếu xanh có quy mô đáng kể từ các tổ chức lớn như Vinpearl (425 triệu USD), BIM Group (350 triệu USD), BIDV (100 triệu USD), EVN Finance (70 triệu USD).

Đến cuối năm 2023, thị trường trái phiếu xanh Việt Nam đã đạt 1 tỷ USD lưu hành, tương đương 2% trái phiếu đang lưu hành. Trong giai đoạn 2024 - 2025 và dài hơn, nhiều ngân hàng và doanh nghiệp trong các lĩnh vực đa dạng hơn tham gia huy động vốn từ kênh trái phiếu xanh.

Ông Lương cho rằng, mặc dù con số hiện tại vẫn còn rất khiêm tốn so với các kênh huy động vốn khác ở Việt Nam, tiềm năng tăng trưởng của thị trường này trong vài năm tới vẫn được dự báo rất khả quan, nếu so sánh với đà tăng trưởng của các thị trường trái phiếu xanh trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Ấn Độ - nơi trái phiếu xanh chiếm khoảng 5 - 10% lượng trái phiếu lưu hành.

Đặc biệt, trái phiếu xanh đang dần chuyển mình từ một kênh huy động vốn tự nguyện thành kênh huy động vốn cấp thiết để doanh nghiệp tại các quốc gia đáp ứng và thích nghi với một loạt yêu cầu xanh trong giai đoạn phát triển bền vững của phần lớn các thị trường tiêu dùng trên thế giới.

Rào cản lớn nhất hiện nay là Việt Nam chưa có một bộ tiêu chuẩn và khung pháp lý cụ thể cho hoạt động phát hành trái phiếu xanh và cũng như chưa có bộ quy chuẩn trái phiếu xanh thống nhất để sử dụng giữa các thị trường quốc tế.

Trong khi đó, trên thế giới, các tiêu chuẩn đánh giá trái phiếu xanh hiện đang có sự phân hóa khác nhau, chẳng như bộ tiêu chuẩn của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA), Tổ chức sáng kiến trái phiếu khí hậu (CBI), tiêu chuẩn Trái phiếu xanh ASEAN, tiêu chuẩn Xanh Liên minh Châu Âu…

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn