Thị trường “yếu”, cổ phiếu dầu khí đua nhau khởi sắc

Phiên giao dịch sáng 18/12 vẫn khá ảm đạm với trạng thái thị trường chung tiếp tục phân hóa, chỉ số VN-Index giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu với thanh khoản chưa có dấu hiệu cải thiện. Trong khi các nhóm cổ phiếu trụ cột cũng như các mã bluechip giao dịch kém lạc quan, dòng tiền vẫn tìm kiếm một số cơ hội nhỏ lẻ ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

Bước sang phiên giao dịch chiều, sau khoảng 1 giờ lình xình trên mốc tham chiếu, VN-Index đã nới nhẹ biên độ tăng điểm nhờ một số mã bluechip có tín hiệu tích cực hơn, đặc biệt là diễn biến khởi sắc của nhóm cổ phiếu dầu khí. Điểm trừ của thị trường vẫn là thanh khoản. Với lực cầu tham gia khá yếu, chỉ số VN-Index thiếu động lực để bật cao hơn và thị trường vẫn trong xu hướng giao dịch tích lũy.

Đóng cửa, sàn HOSE 245 mã tăng và 130 mã giảm, VN-Index tăng 4,28 điểm (+0,34%) lên 1.266 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 531,5 triệu đơn vị, giá trị 12.751,5 tỷ đồng, cùng tăng hơn 5% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 139,58 triệu đơn vị, giá trị 3.907,6 tỷ đồng.

Nhóm VN30 khởi sắc hơn khi đảo chiều thành công, kết phiên tăng nhẹ 2,2 điểm, với 18 mã tăng và chỉ còn 7 mã giảm. Trong đó, các mã tăng tốt nhất là POW tăng 2%, HPG tăng 1,3%, PLX tăng 1%; ngược lại VHM giảm mạnh nhất là 1%; còn lại các cổ phiếu đều biến động nhẹ trên dưới 0,5%.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn là điểm sáng với nhiều mã khoe sắc tím. Bên cạnh YEG và HVH vẫn tăng kịch trần và trong trạng thái trắng bên bán, trong phiên chiều, một số mã khác trong top này cũng gia nhập “cánh đồng tím” như SAM, QCG, JVC.

Trái lại, VCA vẫn chưa thoát khỏi sắc xanh mắt mèo khi đón nhận phiên giảm sàn thứ 4 liên tiếp. Đóng cửa, VCA giảm 6,7% xuống mức giá sàn 13.300 đồng/CP, khớp lệnh chỉ 19.600 đơn vị và dư bán sàn 156.600 đơn vị.

Xét về nhóm ngành, toàn thị trường chỉ còn vài nhóm nhỏ lẻ như phần cứng, xe và linh kiện, chăm sóc sức khỏe ngược dòng thị trường chung với mức giảm đều không quá lớn.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã hồi phục nhẹ, toàn ngành chỉ còn ACB, VIB, SSB giao dịch trong sắc đỏ nhưng mức giảm chỉ 0,2%; ngược lại, mã tăng tốt nhất là LPB đạt 1,35%, còn lại VPB, STB, MBB, OCB, TPB, MSB, BID, VCB đều chưa tới 0,5%.

Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, chỉ còn VDS, BSI điều chỉnh nhẹ, còn lại cũng phần lớn giao dịch trên mốc tham chiếu. Trong đó, VIX vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường, đạt 13,45 triệu đơn vị, đóng cửa chỉ tăng nhẹ 0,5%.

Nhóm thép cũng nới rộng hơn biên độ tăng, trong đó, HPG tăng 1,3% lên mức giá cao nhất trong ngày với thanh khoản chỉ thua VIX, đạt 12,8 triệu đơn vị, đồng thời mã này cũng được khối ngoại mua ròng mạnh với gần 2,2 triệu đơn vị.

Điểm sáng là nhóm cổ phiếu dầu khí. Bên cạnh PLX và GAS tăng nhẹ, các mã khác trong ngành cũng đua nhau khởi sắc như PVD tăng 3%, PVC tăng 6,8%, PVS tăng 3%, PVB tăng kịch trần… hay cặp BSR và OIL đều tăng hơn 2%.

Bên cạnh đó, cặp đôi cổ phiếu chăn nuôi đã có phiên giao dịch bùng nổ. Cụ thể, DBC đóng cửa tăng 5,3% lên vùng giá cao nhất trong ngày 28.650 đồng/CP, thanh khoản thuộc top 3 mã mạnh nhất thị trường với hơn 12,4 triệu đơn vị và khối ngoại đã mua ròng hơn 2 triệu đơn vị; còn BAF đóng cửa tăng 5,1% lên mức 26.750 đồng/CP và khớp lệnh 6,32 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, nhận tín hiệu tích cực từ sàn HOSE, chỉ số HNX-Index đã đảo chiều và nới nhẹ biên độ tăng trong nửa cuối phiên giao dịch,

Chốt phiên, sàn HNX có 79 mã tăng và 67 mã giảm, HNX-Index tăng 0,54 điểm (+0,24%) lên 227,43 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 39 triệu đơn vị, giá trị 690,82 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,17 triệu đơn vị, giá trị 245,2 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 đảo chiều tăng gần 3,5 điểm khi có 17 mã tăng và chỉ còn 7 mã giảm. Trong đó, bộ 3 cổ phiếu họ P là điểm nhấn, với PVB đóng cửa tăng kịch trần lên mức 30.200 đồng/CP và khớp lệnh 0,78 triệu đơn vị, PVC tăng 6,8% và khớp gần 1,5 triệu đơn vị, PVS tăng 3% và khớp 3,35 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu chứng khoán cũng bớt ảm đạm hơn với SHS đã lấy lại mốc tham chiếu, thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường với 5,3 triệu đơn vị khớp lệnh; MBS tăng nhẹ 0,3% và khớp 1,78 triệu đơn vị; BVS tăng nhẹ 0,5%, PSI và EVS đứng giá tham chiếu…

Trái lại, cổ phiếu TIG giảm mạnh nhất trong nhóm HNX30 khi để mất 1,5%, đóng cửa đứng tại mức giá thấp nhất phiên 13.400 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 2,44 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà tăng nhẹ trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,3 điểm (+0,32%), lên 93,07 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 39,75 triệu đơn vị, giá trị 553 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 21,15 triệu đơn vị, giá trị 472,5 tỷ đồng, với đóng góp lớn đến từ hơn 8 triệu cổ phiếu VSF, trị giá gần 255 tỷ đồng và 8,5 triệu cổ phiếu BGE, trị giá 83 tỷ đồng.

Cổ phiếu HNM vẫn là tâm điểm của thị trường khi có đến hơn 6,86 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa mã này tăng 6,7% lên mức 9.600 đồng/CP.

Một số mã đáng chú ý khác như BSR tăng 2,3% và khớp 3,65 triệu đơn vị, HNG tăng 1,9% và khớp 2,83 triệu đơn vị, MSR tăng 4,3% và khớp 2,7 triệu đơn vị, DDV tăng 3,1% và khớp 2,3 triệu đơn vị, VEA tăng 2,6% và khớp 1,26 triệu đơn vị…

Trên thị trường phái sinh, có 1 hợp đồng tương lai đứng giá và 3 hợp đồng tăng nhẹ, trong đó VN30F2412 là mã không có biến động, đóng cửa đứng tại mức 1.331 điểm, khớp lệnh hơn 141.630 đơn vị, khối lượng mở hơn 46.030 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, mã CVPB2315 vẫn có thanh khoản vượt trội khi có hơn 7,85 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa đứng tại mức giá tham chiếu 10 đồng/cq. Theo sau là CSTB2328 khớp 3,19 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,5% lên mức 230 đồng/cq.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn