Thiên Long sau 7 năm tự xây kênh TMĐT: Từ khoản đầu tư bị cho là 'thất bại' đến mức tăng trưởng 200%

CTCP Tập đoàn Thiên Long (mã chứng khoán TLG) vừa chia sẻ số liệu sơ bộ về kênh thương mại điện tử (TMĐT) với tốc độ tăng trưởng 200% so với năm trước. Đặc biệt, ngành học cụ ghi nhận mức tăng trưởng đến 300% nhờ sự xuất hiện của Máy tính khoa học Flexio Fx799VN.

Trong những tháng đầu năm 2024, kênh TMĐT của Công ty đã có 2 tháng liên tục đứng Top 1 trong ngành hàng Văn phòng phẩm trên các sàn Shopee và Lazada. Trong đó, ngành Bút viết Thiên Long vẫn đang dẫn đầu thị trường tính đến thời điểm hiện tại.

Hiện, doanh thu kênh TMĐT theo Thiên Long còn khá “khiêm tốn” so với tổng doanh thu của Công ty. Với tốc độ tăng trưởng nhanh, Thiên Long kỳ vọng trong 3 năm tới, tỷ trọng đóng góp của TMĐT sẽ tăng lên nhanh chóng và trở thành một kênh bán hàng hiện đại và quan trọng.

Từng bị cho là khoản đầu tư “thất bại”

Được biết, Thiên Long bắt đầu xây dựng trang TMĐT riêng của mình từ năm 2018. Thời điểm đó, khi TMĐT mới chớm nở, các sàn chủ yếu bán sách và hàng gia dụng, và Công ty vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều về điều này.

Câu hỏi thường đặt ra lúc bấy giờ là: “Bán văn phòng phẩm thì tự xây trang TMĐT làm gì? Bán cho ai mua?” … Thậm chí, có những thời điểm đây được xem là một dự án thất bại của Thiên Long vì đầu tư nhưng mãi chưa thấy kết quả.

Tuy nhiên, sự phát triển vũ bão của thị trường trực tuyến đã tạo nên thói quen tiêu dùng mới, đặc biệt sau Covid-19. Thiên Long ngay lập tức đã nắm bắt cơ hội, đầu tư mạnh vào con người, hệ thống và bước đầu “gặt trái ngọt”.

Công ty cũng đã đầu tư hệ thống logistics từ năm 2018. Trong đó, Thiên Long cho biết đã triển khai hệ thống theo dõi tình trạng đơn hàng từ lúc khách đặt đến khi khách nhận được hàng, hệ thống được tích hợp với tất cả đơn vị giao hàng cung cấp thông tin cho khách hàng online.

Để khách hàng nhận hàng nhanh nhất với chi phí rẻ nhất, Thiên Long đã đầu tư trung tâm phân phối lớn tại Tp.HCM phục vụ cho khu vực miền Nam và tại Nam Định phục vụ cho khu vực miền Bắc. Đối với TMĐT, doanh nghiệp còn xây dựng thêm trung tâm xử lý đơn hàng đặt tại Hà Nội để phục vụ và xử lý kịp thời đơn hàng hoả tốc giao trong vòng 2-4 tiếng ở nội thành.

Thiên Long sau 7 năm tự xây kênh TMĐT: Từ khoản đầu tư bị cho là 'thất bại' đến mức tăng trưởng 200%- Ảnh 1.

Ảnh: Website TMĐT của Thiên Long.

“Khoản đầu tư ban đầu là khá lớn khi Thiên Long quyết định xây dựng và tự vận hành kênh TMĐT. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn xứng đáng so với kết quả đạt được, vì những thành tích vượt trội và giá trị lâu dài mà kênh TMĐT mang lại cho chúng tôi”, đại diện Thiên Long cho biết.

Bên cạnh bán hàng, Thiên Long cũng xem đây là một kênh hiệu quả để cung cấp thông tin, đặc tính nổi trội của sản phẩm đến với hơn 68 triệu khách hàng online.

“Đến tận bây giờ, nhiều ý kiến vẫn cho rằng Thiên Long đã có doanh thu ổn định từ các kênh bán hàng khác thì đầu tư vào TMĐT là lãng phí. Tuy nhiên, tư duy này không chính xác. Các doanh nghiệp không thể đứng ngoài các xu hướng kinh doanh chung.

Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành văn phòng phẩm tại Việt Nam đều đang “ở trong cuộc chơi này”. Nếu không đầu tư thì một ngày nào đó, khi “miếng bánh thị trường” lớn hơn thì doanh nghiệp không xoay sở kịp và dễ bị đối thủ vượt mặt , Thiên Long nhấn mạnh.

“Lên TMĐT muốn có khách phải đánh đổi lợi nhuận, tăng khuyến mãi?”

Là một “sân chơi” bắt buộc, song không phải doanh nghiệp nào cũng có thể lên TMĐT một cách trơn tru và hiệu quả. Dưới kinh nghiệm 7 năm làm TMĐT của mình, Thiên Long cho biết mấu chốt là phải luôn liên tục thay đổi để phù hợp và nắm bắt nhu cầu thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng đa dạng của khách hàng.

Thiên Long sau 7 năm tự xây kênh TMĐT: Từ khoản đầu tư bị cho là 'thất bại' đến mức tăng trưởng 200%- Ảnh 2.

Ảnh: Tăng trưởng kênh TMĐT của Thiên Long.

Bởi, cuộc chơi TMĐT thay đổi nhanh chóng và phí sàn ngày càng tăng cao. Do vậy, doanh nghiệp cần học hỏi liên tục để thích nghi và phát triển.

Đặc biệt, với nhóm sản phẩm văn phòng phẩm có giá trị nhỏ như Thiên Long, Công ty phải thật chi tiết về các chương trình khuyến mãi, các hạng mục chi phí đầu tư để làm sao khách hàng mua được với mức giá tốt nhất đồng thời công ty cũng phải có lợi nhuận.

Cũng chia sẻ về quan điểm “lên TMĐT muốn có khách phải đánh đổi lợi nhuận, tăng khuyến mãi”, đại diện Thiên Long cho rằng chủ trương của Thiên Long là nơi nào có khách hàng Công ty sẽ có mặt, song Thiên Long không khuyến khích việc giảm giá để cạnh tranh. Thay vào đó, doanh nghiệp cần tập trung vào việc phát triển sản phẩm và tạo ra nhiều giá trị hơn cho khách hàng và cộng đồng.

Đơn cử, thay vì tăng khuyến mãi, doanh nghiệp cần tập trung cải tiến về mặt logistics & vận hành để khách hàng có thể nhận hàng nhanh chóng với mức chi phí tối ưu nhất. Song song, lắng nghe ý kiến của khách hàng từ đó nâng cao trải nghiệm bằng cách cải tiến giao diện website và hình ảnh/video mô tả sản phẩm….

“Trên hành trình của mình, Thiên Long luôn cố gắng đầu tư và phủ sóng hầu hết các kênh online như website và các sàn TMĐT, thực hiện đủ các hình thức kích cầu mua sắm online như: hợp tác KOL, KOC Tiếp thị liên kết, đầu tư đội ngũ livestream chuyên biệt. Chúng tôi tự hào là doanh nghiệp Việt xây dựng đội ngũ tự vận hành hoạt động Livestream và thành công hợp tác với hơn 1000 KOL/KOC trên các sàn chủ lực, đóng góp hơn 35% doanh thu mỗi tháng ”, đại diện Công ty nói thêm.

Công ty cũng vừa công bố KQKD 8 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế luỹ kế đạt 382 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023 và vượt kế hoạch cả năm. Trong đó, TMĐT là kênh có tiềm năng tăng trưởng mạnh nhất, dự báo sẽ đóng góp đáng kể và sự phát triển bền vững của tập đoàn.

Xem thêm tại cafef.vn