Thiếu 'đầu tàu' thay thế, VN-Index khó chống đỡ trước áp lực chốt lời cổ phiếu ngân hàng
Trước tâm lý chốt lời ngắn hạn của nhà đầu tư cùng tâm lý thận trọng trước thông tin CPI Mỹ, VN-Index chứng kiến tuần giao dịch gần như đi ngang khi kết tuần với 1,154.7 điểm, không đổi so với tuần trước; trong khi chỉ số HNX-Index giảm 1,1% xuống 230,31 điểm và UPCoM-Index giảm 1,1% để đóng cửa tại 86,9 điểm.
Tuần qua, nhóm cổ phiếu quốc doanh VCB (tăng 2,9%), CTG (tăng 8,2%), BID (tăng 3,4%) là nhân tố chính dẫn dắt đà hồi phục. Ngược lại, các cổ phiếu VHM (giảm 4,2%), GVR (giảm 6,4%) và GAS (giảm 2,7%) gây áp lực lên chỉ số chung.
Thanh khoản tăng mạnh 25,5% so với tuần trước, đạt 18.664 tỷ đồng/phiên, thể hiện sự tích cực của thị trường khi nhà đầu tư giao dịch sôi động trở lại. Khối ngoại dừng bán ròng và chuyển sang mua ròng nhẹ 22 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo nhận định của ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích thuộc Công ty Chứng khoán VNDIRECT, xu hướng giằng co của thị trường chứng khoán có thể tiếp diễn khi dòng tiền chưa có sự đồng thuận và lan tỏa giữa các nhóm ngành. Đà tăng gần đây của các chỉ số chứng khoán chủ yếu được thúc đẩy bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong khi các ngành khác chưa có dấu hiệu hút được dòng tiền tham gia.
Với việc nhóm ngân hàng có thể chứng kiến áp lực chốt lời trong những phiên giao dịch tới, việc thị trường thiếu vắng nhóm dẫn dắt thay thế có thể xu khiến xu hướng tăng của thị trường khó được duy trì.
Đồng thời, thị trường cũng chuẩn bị bước vào vùng trũng thông tin hỗ trợ trước Tết âm lịch, trong khi một số yếu tố rủi ro đang nổi lên có thể ảnh hưởng tới xu thế chung của thị trường. Cụ thể, số liệu lạm phát Mỹ được công bố mới đây cao hơn kỳ vọng sẽ làm giảm sự hưng phấn của các thị trường quốc tế. Trong nước, giá vàng vẫn đang neo cao, cùng với đó áp lực tỷ giá bất ngờ quay trở lại trong những phiên gần đây là yếu tố rủi ro cần quan sát.
"Do đó, tôi cho rằng các nhà đầu tư ngắn hạn cần tuân thủ kỷ luật ở thời điểm hiện tại, chủ động hạ tỷ trọng cổ phiếu về ngưỡng an toàn (khoảng 50% cổ phiếu) và hạn chế sử dụng đòn bẩy. Cần thận trọng quan sát diễn biến thị trường ở vùng hỗ trợ gần nhất là 1.130 - 1.140 điểm trước khi có những quyết định mua mới hay gia tăng tỷ trọng cổ phiếu", chuyên gia của VNDIRECT nêu quan điểm.
Trong khi đó, theo Công ty Chứng khoán SSI, VN-Index giảm điểm nhưng hồi phục trở lại và dao động quanh vùng 1.150 - 1.164 điểm; chỉ báo kỹ thuật RSI và ADX đều thể hiện tín hiệu hạ nhiệt, cho thấy sức mạnh xu hướng có phần suy yếu. Theo đó, chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ duy trì đà giảm nhẹ trong ngắn hạn ở biên độ 1.145 - 1.160 điểm.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn