Thiếu trợ lực từ cổ phiếu “vua”, VN-Index quay đầu giảm
Cổ phiếu “vua” ngăn trở đà tăng, Vietcombank ngược dòng trở lại mốc vốn hóa nửa triệu tỷ đồng
Bước vào phiên giao dịch ngày 2/2, sự thận trọng tiếp tục diễn ra sau phiên giao dịch đầu tiên sụt giảm thanh khoản. Tuy nhiên, với sự nâng đỡ của một số nhóm ngành cổ phiếu nên các chỉ số được kéo lên mốc tham chiếu. Dù vậy, áp lực ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đặc biệt là ngân hàng đã ngăn cản đà tăng của thị trường.
Có thời điểm cuối phiên sáng, VN-Index và VN30-Index bị kéo xuống dưới mốc tham chiếu. Diễn biến trong phiên chiều không mấy sáng sủa hơn. Đôi lúc lực cầu được đẩy mạnh vào thị trường giúp các chỉ số hồi phục nhưng ngay sau đó, áp lực bán lại bị đẩy lên mức cao và xóa đi toàn bộ những thanh quả đã làm trước đó. Cả VN-Index và UPCoM-Index đều đóng cửa trong sắc đỏ. Dù vậy, mức giảm của các chỉ số cũng không quá mạnh do đà bán ở nhiều cổ phiếu lớn cũng được tiết chế.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng biến động tiêu cực và gây áp lực lớn lên thị trường chung, trong đó, TPB giảm đến 2%, VIB giảm 1,9%, VPB giảm 1,8%, SHB giảm 1,3%, CTG giảm 1,1%... VPB gây áp lực lớn nhất lên thị trường khi lấy đi của VN-Index 0,68 điểm. BID và CTG cũng lấy đi lần lượt 0,5 điểm và 0,46 điểm.
Ở chiều ngược lại, một vài cổ phiếu lớn khác tăng giá tốt và góp phần trụ đỡ cho VN-Index. VCB tăng 0,6% và đóng góp 0,68 điểm. FPT và GVR đóng góp lần lượt 0,65 điểm và 0,64 điểm. Chốt phiên, FPT tăng 2,1% còn GVR tăng 2,7%.
Nhóm bất động sản phiên hôm nay gây chú ý khi nhận được dòng tiền tốt. Tuy nhiên, trước áp lực bán mạnh từ thị trường chung nên đà tăng của nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngành này cũng bị ảnh hưởng. PDR tăng 4,4% dù trong phiên có lúc được kéo lên mức giá trần. Khối lượng khớp lệnh của PDR vọt lên mức 32,6 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, NVL cũng tăng 1,8%, HDG tăng 1,5%, NLG tăng 1,2%...
Nhóm chứng khoán cũng có biến động tương đối tích cực ở phiên hôm nay. MBS tăng 2,7%, AGR tăng 2,1%. VIX tăng 1,7% lên 17.700 đồng/cp.
Cổ phiếu QNP đã có phiên giảm đầu tiên sau 11 phiên tăng trần liên tiếp kể từ ngày chào sàn 18/1. Có thời điểm trong phiên, QNP tiếp tục được kéo lên mức giá trần 47.800 đồng/cp nhưng sau đó điều chỉnh trở lại giảm 6, 4% còn 41.850 đồng/cp. Giá tham chiếu chào sàn của QNP chỉ là 19.100 đồng/cổ phiếu.
Phiên cơ cấu danh mục “bình lặng”
Ngày 2/2 cũng là phiên cuối cùng để các quỹ ETF tham chiếu theo các chỉ số sàn HoSE cơ cấu danh mục đầu tư nên thường ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến của thị trường. Thông thường, hoạt động tái cơ cấu ETF sẽ dồn vào đợt ATC, nhưng diễn biến ở thời điểm này trong phiên 2/2 không có thay đổi lớn nào.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,47 điểm (-0,04%) xuống 1.172,55 điểm. Toàn sàn có 199 mã tăng, 267 mã giảm và 89 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%) xuống 230,56 điểm. Toàn sàn có 72 mã tăng, 92 mã giảm và 72 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,36 điểm (0,41%) lên 88,37 điểm.
Thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể so với phiên trước đó. Giá trị giao dịch toàn thị trường hôm nay tăng vọt 33% so với hôm qua lên hơn 22.600 tỷ đồng.
NVL là cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường với hơn 66 triệu đơn vị. VIX và SHB đứng sau với lần lượt 39 triệu đơn vị và 38 triệu đơn vị.
Khối ngoại quay trở lại bán ròng 208 tỷ đồng trên HoSE sau 3 phiên mua ròng liên tiếp. Trong đó, khối ngoại mua ròng mạnh nhất mã PDR với 154 tỷ đồng. NVL đứng sau với giá trị mau ròng 91 tỷ đồng. MWG và DIG được mua ròng lần lượt 60 tỷ đồng và 33 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VNM bị bán ròng mạnh nhất với 80 tỷ đồng, PC1 và VPB bị bán ròng lần lượt 54 tỷ đồng và 42 tỷ đồng. Ở sàn HNX, khối ngoại bán ròng 62 tỷ đồng và tập trung mạnh vào SHS với giá trị bán ròng 55,5 tỷ đồng.
Xem thêm tại baodautu.vn