Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm của lĩnh vực cho vay tiêu dùng gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn 2010 - 2020, đạt 33,7%.
Sau khi tăng trưởng bùng nổ giai đoạn đầu, tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng giảm đi đáng kể song vẫn là một mảng kinh doanh hấp dẫn trong dài hạn và được nhiều nhà đầu tư ngoại để mắt thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A).
Nhà đầu tư ngoại vung tiền mua công ty tài chính
Các thương vụ M&A trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tiếp tục nhộn nhịp thời gian gần đây. Tháng 6/2023, SHB chuyển nhượng 50% cổ phần SHBFinance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) - thành viên Tập đoàn MUFG (Nhật Bản). Cuối năm 2024, Ngân hàng Krungsri đề nghị muốn mua trước hạn 50% vốn điều lệ còn lại của SHBFinance.
Đầu năm 2025, NHNN chính thức ban hành văn bản chấp thuận việc SeABank chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn Công ty Tài chính Bưu điện (PTF) cho AEON Financial Service Co., Ltd. (AEON Financial). Thương vụ chuyển nhượng này đã được ký kết vào ngày 20/10/2023, với giá trị 4.300 tỷ đồng, nhằm giúp SeABank cơ cấu nguồn vốn, tăng cường năng lực tài chính để mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh theo hướng trọng tâm. |
Tập đoàn công nghệ tài chính SCB X của Thái Lan cũng dự kiến sẽ hoàn tất thương vụ mua lại Home Credit Việt Nam trong nửa đầu năm 2025, tùy thuộc vào sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền. Giá trị thương vụ ước khoảng gần 900 triệu USD.
Năm 2021, VPBank bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) với giá 1,4 tỷ USD. Cách đó khoảng 7 năm, VPBank mua lại 100% vốn chủ sở hữu của Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - trước đó có tên là Công ty TNHH MTV Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam và chỉ tốn hơn 1.200 tỷ đồng.
Thời điểm đó, hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển manh mún, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng chỉ vài năm sau, VPBank biến đây trở thành lĩnh vực thế mạnh. Thời điểm đỉnh cao, công ty này chiếm áp đảo 65% thị phần trên thị trường.
Thoát đáy khó khăn, tài chính tiêu dùng vẫn tiếp tục hút vốn ngoại. |
Cho vay tiêu dùng có nhiều hoạt động đặc thù do dư nợ nhỏ, số lượng khách hàng lớn cùng vay tín chấp/không có tài sản đảm bảo. Khách hàng mục tiêu của công ty tài chính tiêu dùng đa phần là người có nhu cầu vay vốn để trả nợ hay phục vụ những nhu cầu cấp bách trong cuộc sống như: vay mua xe máy, điện thoại, điện máy... Bên cạnh đó, đối với hộ kinh doanh nhỏ lẻ khó tiếp cận vốn, tài chính tiêu dùng đáp ứng về vốn và giúp các hộ kinh doanh này quay vòng đồng vốn nhanh hơn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Theo Tổng cục Thống kê, đến hết năm 2024, lao động phi chính thức chiếm hơn 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước, điều này cũng phản ánh rằng có một thị trường tiềm năng lớn về khách hàng dưới chuẩn của ngân hàng để các công ty tài chính tiêu dùng khai thác. Cùng với đó, số lượng người tiêu dùng sử dụng mạng và điện thoại thông minh ngày càng cao cũng là cơ hội để phát triển các sản phẩm vay online, các sản phẩm mua trước trả sau.
Hứa hẹn triển vọng phục hồi
Việt Nam có 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép đang hoạt động song một số công ty tài chính chiếm tỷ trọng lớn về tổng tài sản có thể kể đến như: FE Credit, HD Saison, MCredit... Đà tăng trưởng cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu thể hiện rõ trong năm 2024.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng của MCredit vào cuối tháng 9/2024 đạt 14,4% so với đầu năm nhờ mức nền thấp năm 2023 và tận dụng lợi thế từ các cổ đông lớn là MBBank và Shinsei Group. FE Credit và HD Saison cũng tăng trưởng khả quan sau năm 2023 đi lùi. Theo đó, HD Saison ghi nhận tăng trưởng tín dụng 7,3% so với 2023 nhờ phân khúc cho vay xe máy hiện chiếm 36% thị phần.
Ngược lại, công ty tiêu dùng lớn nhất - FE Credit lại tăng trưởng cho vay đi ngang so với năm 2023 do tái cấu trúc mô hình kinh doanh, tập trung vào các phân khúc khách hàng ít rủi ro, đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp, để giảm thiểu tỷ lệ nợ xấu.
Nợ xấu ở mức cao tại nhiều công ty tài chính tiêu dùng song biên lãi ròng NIM ở mức cao, từ 15-30%. |
Đánh giá về sự chuyển động về tín dụng tiêu dùng tại các doanh nghiệp, Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap cho rằng, FE Credit sẽ hướng tới một mô hình kinh doanh thận trọng hơn trong tương lai sau khi tăng trưởng mạnh mẽ để giành thị phần trong quá khứ. Mặc dù dư nợ cho vay của FE Credit gần như bằng mức cuối năm 2023, nhưng giải ngân mới tăng 42% cùng kỳ trong 9 tháng 2024.
FE Credit hiện vẫn là công ty lớn nhất trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng Việt Nam về dư nợ cho vay với thị phần khoảng 29%, song giảm so với mức 44% vào năm 2020.
Trong khi đó, MCredit có thể vươn lên vị trí thứ hai về thị phần cho vay khi đưa ra lãi suất cho vay cạnh tranh hơn để giành thị phần. Đây là công ty duy nhất trong số các công ty hàng đầu có thể tăng trưởng dư nợ cho vay một cách ổn định từ mức nền thấp kể từ năm 2021 và tăng trưởng cho vay 12% trong 9 tháng 2024. Sở dĩ MCredit giữ tốc độ tăng trưởng khả quan, Chứng khoán Vietcap cho rằng, công ty tận dụng mạng lưới trên toàn quốc của MB Group và Viettel Group và chiến lược tập trung vào phân khúc thẻ cũng như hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử để thúc đẩy cho vay tiêu dùng.
Với HD Saison, dư nợ cho vay của công ty này tăng 7% trong 9 tháng 2024 với giải ngân mới tăng 15% cùng kỳ.
Đánh giá về triển vọng tín dụng tiêu dùng năm 2025, theo Chứng khoán Vietcap, nhờ mặt bằng lãi suất thấp hơn và sự phục hồi của nền kinh tế sẽ giúp cải thiện nhu cầu tín dụng và khả năng trả nợ, do đó hỗ trợ biên lãi ròng (NIM) các doanh nghiệp tăng trong năm 2025.
"FE Credit và HD Saison sẽ tăng trưởng dư nợ cho vay lần lượt là 8% cùng kỳ và 12% cùng kỳ, trong khi tỷ lệ xử lý nợ có thể vẫn ở mức tương đối cao" - nhóm phân tích Chứng khoán Vietcap dự báo./.
Nợ xấu dự báo giảm nhiệt Bên cạnh những tiềm năng và thuận lợi, sự phát triển của thị trường tín dụng tiêu dùng cũng phải đối mặt với không ít thách thức khi nhiều công ty tín dụng tiêu dùng gia tăng nợ xấu. Chứng khoán Vietcap dự báo tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng sẽ dần được cải thiện trong giai đoạn 2024 - 2025 nhờ tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ hơn, quy trình thẩm định tín dụng được nâng cao và các hoạt động kinh tế được cải thiện cũng như nền lãi suất tương đối thấp hỗ trợ khả năng trả nợ của khách hàng của các công ty này./. |