Thời kỳ 'ăn nên làm ra' của các bệnh viện tư nhân
2 năm dịch bệnh 2020 – 2021, hoạt động kinh doanh của các bệnh viện bị tác động tiêu cực, số lượng bệnh nhân đến trực tiếp khám chữa bệnh giảm. Từ đầu năm 2022, dịch bệnh được kiểm soát, sinh hoạt của người dân trở lại bình thường, lượng bệnh nhân đến bệnh viện khám, chữa bệnh tăng cao sau thời gian dồn nén giúp kết quả kinh doanh của đa phần bệnh viện đều cải thiện. Tình hình vẫn khả quan trong nửa đầu năm nay dù kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Phục hồi mạnh sau dịch bệnh, Bệnh viện Tim Tâm Đức (UPCoM: TTD) ghi nhận doanh thu thuần năm 2022 tăng 68% so với năm trước lên 723 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gấp 8,5 lần, đạt 92 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất của doanh nghiệp từ trước đến nay. Công ty cho biết công suất hoạt động năm qua tốt hơn nhiều so với 2021 và tiến đến mức hoạt động bình thường trước khi có dịch. Mỗi ngày có hơn 300 người bệnh đến khám, trong đó 24% là bệnh nhân mới.
Đà phục hồi duy trì đến nửa đầu 2023 khi doanh thu tăng 12,5% lên 360 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 10% lên 43 tỷ đồng. Bệnh viện thực hiện được 53% mục tiêu doanh thu và 58% kế hoạch lợi nhuận sau nửa năm. Doanh nghiệp cho biết chi phí về thuốc vật tư và nhân viên trong kỳ tăng đáng kể. Song, Tim Tâm Đức chưa điều chỉnh giá để bù đắp chi phí tăng nên lợi nhuận có mức tăng thấp hơn doanh thu.
Trong định hướng phát triển, TS.BS Nguyễn Ngọc Chiếu Chủ tịch HĐQT Tim Tâm Đức chia sẻ mục tiêu của bệnh viện là mổ tim, thông tim, điện sinh lý tim cho cộng đồng tin tưởng. Doanh nghiệp có nhiều cơ hội mở rộng ở các tỉnh nhưng không làm bởi không có mong muốn lên tập đoàn với chuỗi bệnh viện.
Trái ngược với Tim Tâm Đức, Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (HoSE: TNH) ngay từ khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán đã không giấu tham vọng mở chuỗi bệnh viện ở nhiều nơi. Hiện, doanh nghiệp có 2 bệnh viện đang vận hành gồm Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên và Bệnh viện Đa khoa Yên Bình Thái Nguyên. Công ty đang chuẩn bị cho việc mở Bệnh viện Việt Yên vào nửa cuối 2024 và xin giấy phép xây dựng bệnh viện mới 300 giường tại Lạng Sơn, sữa chữa toàn nhà giai đoạn 1 để tăng thêm công suất cho bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên. Ngoài ra, ban lãnh đạo công ty vẫn giữ nguyên kế hoạch mở rộng Bệnh viện Mắt và Bệnh viện Phụ sản tại tỉnh Thái Nguyên.
Về kết quả kinh doanh, doanh thu thuần 2022 tăng 12,3% so với năm trước lên 463 tỷ đồng và lợi nhuận đi ngang ở mức 141 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2023, bệnh viện ghi nhận tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khoảng 11% với lần lượt 230 tỷ đồng và 61 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 43% lên 44,4%.
Theo doanh nghiệp, số lượng bệnh nhân đến khám bệnh trong nửa đầu năm đông hơn do cùng kỳ năm trước chịu ảnh hưởng dịch bệnh số lượng bệnh nhân đến khám trực tiếp ít. Đồng thời, bệnh viện cũng đã triển khai thêm một số dịch vụ kỹ thuật mới và các dịch vụ trọn gói tạo giá trị gia tăng lớn hơn. Ảnh hưởng của lạm phát, chi phí nguyên vật liệu, dịch vụ mua ngoài tăng, chi phí lương nhân viên cũng tăng nhưng tốc độ tăng thấp hơn doanh thu.
Bệnh viên Quốc tế Thái Nguyên cho biết nhờ đi vào hoạt động ổn định nên không có sự biến động mạnh về mặt chi phí. Riêng chi phí thuế thu nhập nửa đầu năm tăng mạnh từ 1,6 tỷ đồng lên 5,6 tỷ đồng. Theo SSI Research, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với Bệnh viện Quốc tế TNH tăng từ 5% lên 10% và Bệnh viện TNH Yên Bình tăng từ 0% lên 5% từ 2023.
Đánh giá về triển vọng nửa cuối năm, SSI Research dự báo việc khám chữa bệnh có thể giảm do tỷ lệ thất nghiệp tại các khu công nghiệp ở Thái Nguyên đang cao. Mặt khác, công ty đang tốn các chi phí chuẩn bị cho việc mở Bệnh viện Việt Yên vào nửa cuối 2024. Bệnh viện này sẽ có 300 giường và mang lại doanh thu 250 tỷ đồng khi hoạt động tối đa công suất, biên lợi nhuận ròng khoảng 30% - 35%.
Tương tự, Bệnh viện Giao thông Vận tải cũng có cải thiện trong kết quả kinh doanh từ 2022 đến nay. Doanh thu 2022 tăng 34% đạt 159,5 tỷ đồng song vẫn thấp hơn thời điểm trước dịch (2019), lỗ giảm từ 43 tỷ đồng xuống 26,7 tỷ đồng. Nửa đầu năm nay, doanh thu tiếp tục tăng 26% lên 90 tỷ đồng và giảm lỗ từ 16 tỷ xuống 9,6 tỷ đồng. Dù vậy, bệnh viện vẫn chưa thoạt khỏi chuỗi thua lỗ liên tiếp từ 2017 đến nay, tổng lỗ lũy kế tính đến cuối quý II là 232 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Bệnh viện Đa khoa tư nhân Triều An chưa công bố kết quả kinh doanh bán niên 2023. Năm 2022, tương tự như các bệnh viện khác, kết quả cũng khá khả quan với doanh thu tăng 55% đạt 593 tỷ đồng và chuyển từ lỗ 27 tỷ đồng sang lãi 41 tỷ đồng.
Năm nay, ban lãnh đạo đánh giá hoạt động kinh doanh của bệnh viện sẽ bị ảnh hưởng khi kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu. Dù vậy, bệnh viện vẫn đề ra mục tiêu doanh thu tăng 6% lên 628 tỷ đồng và lãi sau thuế tăng 15,6% lên 47,4 tỷ đồng.
Xem thêm tại cafef.vn