Thông tin hỗ trợ thị trường chứng khoán sẽ ít dần trong tháng 5
Giới phân tích có nhận định khá thận trọng về diễn biến của thị trường vào tuần tới, trong bối cảnh chỉ số chứng khoán tăng, nhưng thanh khoản thấp và khối ngoại liên tiếp bán ròng mạnh, cùng đó áp lực tỷ giá tạo ra những rủi ro nhất định.
Đáng chú ý, tháng 5 các thông tin hỗ trợ sẽ ít dần khi các báo cáo tài chính, họp đại hội đồng cổ đông, kế hoạch kinh doanh đều đã được các doanh nghiệp công bố trước và trong tháng 4.
Áp lực bán lớn và dòng tiền thận trọng
Theo Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI), về kỹ thuật, tuần tăng điểm vừa qua không quá mạnh về điểm số, lại sụt giảm mạnh về thanh khoản (khối lượng khớp lệnh trên HOSE sụt giảm 18,3% so với mức trung bình 20 tuần), nên chưa đủ động lượng để xác nhận sự đảo chiều tăng điểm.
Các chuyên gia từ Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trong phiên cuối tuần trước kỳ nghỉ lễ kéo dài, đầu phiên VN-Index chịu áp lực rung lắc trước thông tin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa chấp thuận đề nghị của HOSE đưa hệ thống KRX vào vận hành chính thức vào ngày 2/5/2024, sau đó phục hồi mạnh lên vùng giá 1.216 điểm, tương ứng giá thấp nhất phiên giảm điểm mạnh 15/4/2024.
Kết thúc tuần giao dịch cuối tháng 4, VN-Index hồi phục tăng 2,95% lên mức 1.209,52 điểm, duy trì trong vùng giá 1.200 - 1.211 điểm, tương ứng giá cao nhất năm 2018 và dưới kháng cự 1.216 - 1.225 điểm, tương ứng vùng giá các phiên giảm điểm mạnh truần trước. HNX-Index chốt tuần ở mức 226,82 điểm, tăng 2,73% so với tuần trước đó.
Trong tuần thanh khoản trên HOSE chỉ đạt 82.793 tỷ đồng, giảm mạnh 36,6% so với tuần trước, đây là mức thanh khoảndưới mức trung bình.
Thị trường chứng khoán phân hóa mạnh, mức độ phục hồi tốt tập trung ở các mã và nhóm mã kết quả kinh doanh quý I tích cực. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng với giá trị 1.128,61 tỷ đồng trên HOSE, trong khi mua ròng trên HNX đạt 339,49 tỷ đồng.
Thị trường đón nhận nhiều thông tin trong tuần như: GDP quý I/2024 của Mỹ tăng trưởng 1,6%, thấp hơn dự kiến, cũng là mức tăng thấp nhất trong gần hai năm; lạm phát vẫn ở mức cao khi chỉ số PCE (chỉ số đo lường sự thay đổi giá của hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng được trao đổi trong nền kinh tế Mỹ) quý I tăng ở mức 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mục tiêu 2% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed); Ngân hàng Nhà nước kéo dài thời gian áp dụng Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn đến hết năm 2024; Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định giữ nguyên lãi suất.
Trong tuần giao dịch cuối tháng 4, thị trường phục hồi khá tích cực về điểm số và tâm điểm là nhóm cổ phiếu công nghệ, viễn thông trước các báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2024 ấn tượng. Cùng đó, thông tin Công ty cổ phần FPT hợp tác chiến lược với NVIDIA - Tập đoàn công nghệ đa quốc gia hàng đầu thế giới đã giúp nhiều mã tăng giá mạnh, vượt đỉnh và thanh khoản đột biến như VGI tăng 29,5%, VTK tăng 19,34%, FOX tăng 13,45%, FPT tăng13,03%, VTP tăng 10,53%...
Nhóm cổ phiếu cảng biển cũng có diễn biến nổi bật với GMD tăng 5,2%, vượt đỉnh với thanh khoản gia tăng mạnh, các mã khác cũng phục hồi mạnh như HAH tăng 8,28%, VOS tăng 7,07%, VSC tăng 5,41%...
Các cổ phiếu bán lẻ cũng có diễn biến rất nổi bật trước thông tin kết quả kinh doanh tăng trưởng. Cụ thể, FRT tăng 14,18%, MWG tăng 13,90%, DGW tăng 10,28%, PET tăng 4,72%...
Trong khi đó, các cổ phiếu chứng khoán sau khi phục hồi trước thông tin vận hành KRX lại chịu áp lực điều chỉnh trở lại trong phiên cuối tuần do thời gian vận hàng dự kiến bị hoãn lại.
Tuy nhiên kết thúc tuần giao dịch, nhiều mã vẫn phục hồi như TVB tăng 19,23%, TVS tăng 9,56%, BVS tăng 9,26%, VND tăng 9,26%... Các mã ngân hàng cũng phục tăng khá mạnh với VBB tăng 15,62%, EIB tăng 8,79%, TPB tăng 7,83%, HDB tăng 6,07%...
Trong ngắn hạn, với việc đã lấy lại được vùng hỗ trợ 1.200 điểm trước đó, VN-Index đã diễn biến theo kịch bản tích cực là hoàn thành mô hình w nhỏ và tiếp tục có sự phục hồi trong phiên cuối tuần như SHS đã nhận định.
"Trong tuần tới, thị trường dự báo sẽ tiếp tục nhịp hồi phục ngắn hạn với ngưỡng kháng cự gần quanh vùng 1.225 điểm và xa hơn là 1.250 điểm, tương ứng cạnh trên của vùng tích lũy trung hạn", chuyên gia SHS nêu quan điểm.
Thực tế cho thấy, dữ liệu lịch sử thị trường chứng khoán không ít lần "lao dốc" vào tháng 5. Điều này là không xa lạ với các thị trường chứng khoán trên thế giới. Bởi theo giới phân tích, nguyên nhân giảm điểm của tháng 5 đến từ việc thị trường thiếu vắng thông tin.
Các báo cáo tài chính, họp đại hội cổ đông, kế hoạch kinh doanh đều đã được công bố trước và trong tháng 4, trong khi số liệu kết quả kinh doanh quý II phải hết tháng 6, đầu tháng 7 mới được công bố.
Hơn nữa, đầu tháng 5 có kỳ nghỉ lễ, sau đó cũng là mùa cao điểm du lịch. Người dân có xu hướng rút tiền ra khỏi thị trường chứng khoán để phục vụ cho nhu cầu cá nhân nên thị trường giảm điểm và thanh khoản cũng sụt giảm theo.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam vào tháng 4/2022, VN-Index đã lập đỉnh lịch sử trên 1.500 điểm, sau đó lao dốc rất mạnh. Cho đến nay, chỉ số này vẫn chưa thể hồi phục và vẫn đang cố gắng vượt mốc 1.300 điểm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn phải đối diện với những yếu tố bất lợi như khối ngoại liên tục bán ròng cộng và tỷ giá và lãi suất liên ngân tăng trở lại.
Chuyên gia từ Chứng khoán VNDirect (VNDirect) cho biết, áp lực tỷ giá hối đoái vẫn hiện hữu.
Tính đến ngày 19/4, chỉ số đồng đô la Mỹ (DXY) tăng vọt lên 106,15, tương ứng tăng 2,2% so với tháng trước, trong khi tỷ giá USD/ VNĐ đã tăng lên 25.445 đồng, tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ giá tăng mạnh buộc Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp. Ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã bắt đầu bán USD cho các ngân hàng thương mại có trạng thái ngoại tệ âm với mức giá 25.450 đồng (bán giao ngay).
VNDirect ước tính dự trữ ngoại hối hiện tại của Việt Nam vào khoảng 94 tỷ USD, tương đương 3,4 tháng nhập khẩu, cao hơn đôi chút so với khuyến nghị của IMF là 12-14 tuần nhập khẩu.
Vì vậy, Việt Nam có dư địa bán ngoại tệ dự trữ để ổn định tỷ giá, song nguồn lực không quá dồi dào.
"Do đó, mặc dù DXY có thể hạ nhiệt khi Fed phát tín hiệu chắc chắn sẽ hạ lãi suất điều hành, tỷ giá hối đoái vẫn là một rủi ro đáng chú ý và cần được theo dõi chặt chẽ cho đến cuối quý III/2024", chuyên gia từ VNDirect khuyến nghị.
Theo VNDirect, lãi suất huy động có thể đã chạm đáy, nhưng sẽ chưa tăng mạnh trở lại ngay, ít nhất là trong quý tới, do kinh tế mới phục hồi và tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải.
Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng qua OMO (công cụ của chính sách tiền tệ liên quan đến hoạt động mua bán các giấy tờ có giá nhằm kiểm soát được lượng tiền cung ứng) trong những phiên giao dịch gần đây khi nhu cầu tín dụng hồi phục trong tháng 3 nhằm hạn chế tình trạng thiếu hụt thanh khoản cục bộ trong hệ thống ngân hàng; duy trì lãi suất liên ngân hàng ở vùng hợp lý, tránh tăng nóng; đảm bảo mục tiêu hỗ trợ tỷ giá và tránh gây nhiều áp lực làm tăng lãi suất huy động, cho vay.
Về lãi suất cho vay, các ngân hàng thương mại vẫn còn dư địa giảm thêm (dù không lớn) nhờ tiết giảm chi phí vốn sau đợt giảm lãi suất huy động từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024.
Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) nhìn nhận, trong bối cảnh diễn biến điều chỉnh chưa được xác nhận là đã kết thúc, nhà đầu tư vẫn nên giữ trọng cổ phiếu ở mức thấp và theo dõi thêm diễn biến giá tại vùng 1.200 - 1.230 điểm để đánh giá khả năng tạo đáy của thị trường.
Thực tế, thị trường Việt Nam hiện không có nhiều thông tin hỗ trợ, trong bối cảnh chứng khoán thế giới diễn biến không mấy tích cực.
Chờ tin từ Fed, chứng khoán Mỹ giảm mạnh
Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa giảm mạnh trong phiên 30/4 trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu kinh tế quan trọng và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày.
Tại New York (Mỹ), chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,49% xuống 37.815,92 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 1,57% xuống 5.035,68 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 2,04% xuống 15.657,82 điểm.
Còn ở bên kia bờ Đại Tây dương, chứng khoán châu Âu khép phiên 30/4 phiên giảm do một loạt báo cáo thu nhập ảm đạm đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư giữa lúc dữ liệu kinh tế lạc quan và khả năng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024 ngày càng tăng.
Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,68% và chỉ số chứng khoán toàn cầu của MSCI giảm 1,23%. Chỉ số chứng khoán MSCI toàn châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) giảm 0,41%, trong khi chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,24%.
Nhà quản lý danh mục đầu tư Jay Hatfield tại công ty đầu tư InfraCap ở New York cho biết, chỉ số chi phí việc làm cao hơn dự kiến đã kích hoạt hoạt động bán ra cổ phiếu. Ngoài ra các nhà đầu tư đang chuẩn bị trước cho khả năng Fed có thể có quan điểm thắt chặt lãi suất tại cuộc họp đang diễn ra.
Ủy ban Thị trường mở liên bang (FMOC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, đã nhóm họp từ ngày 30/4 để thảo luận về vấn đề lãi suất, được dự báo là sẽ giữ nguyên trong phạm vi 5,25% đến 5,50%.
Tuyên bố kèm theo, cũng như cuộc họp báo tiếp theo của Chủ tịch Fed Jerome Powell, sẽ được các nhà đầu tư phân tích kỹ càng để tìm manh mối liên quan đến lộ trình dự kiến của ngân hàng trung ương liên quan đến việc cắt giảm lãi suất.
Mùa báo cáo lợi nhuận quý I/2024 đã đi được một nửa chặng đường, trong tuần này một số cái tên nổi bật như Amazon.com và Apple Inc sẽ công bố kết quả kinh doanh của mình.
Đồng USD đã lấy lại sức mạnh so với rổ tiền tệ thế giới nhờ các dữ liệu kinh tế, trong khi đồng yen suy yếu so với đồng bạc xanh, sau động thái được cho là can thiệp tiền tệ của Chính phủ Nhật Bản hôm 29/4.
Chỉ số đồng USD đã tăng 0,62%. Đồng yên Nhật giảm 0,89% so với đồng bạc xanh xuống mức 157,75 yen/USD.
Các thị trường tài chính Trung Quốc, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan đóng cửa nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5.
Còn tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 0,6% xuống 38.189,54 điểm do hoạt động giao dịch thưa thớt vào ngày lễ 1/5 và theo sau đà giảm mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Xem thêm tại vietnambiz.vn