Thông tin mới về lãi suất tiết kiệm

Đầu tháng 4, ngân hàng Vietcombank đã chính thức điều chỉnh lãi suất tiết kiệm, đưa lãi suất tiết kiệm tại một số kỳ hạn xuống mức thấp nhất trong nhóm ngân hàng Big 4. Trước đó vào tháng 3, Agribank, Vietinbank và BIDV cùng đồng loạt điều chỉnh lãi suất tiết kiệm theo chiều hướng giảm.

Hiện, lãi suất tiết kiệm cao nhất trong nhóm Big 4 hiện ở mức 4,8%/năm. Cụ thể, BIDV và VietinBank giữ mức lãi suất cho khách hàng gửi tiền từ kỳ hạn 24 - 36 tháng là 4,8%/năm. Ngân hàng Vietcombank và Agribank áp dụng mức lãi suất 4,7%/năm cho kỳ hạn tương tự.

Thông tin mới về lãi suất tiết kiệm ảnh 1

Lãi suất gửi tiết kiệm tăng giảm trái chiều giữa các ngân hàng.

Đối với kỳ hạn 12 tháng, Vietcombank đang áp dụng lãi suất tiết kiệm thấp nhất trong nhóm ngân hàng Big 4 ở mức 4,6%/năm. Các ngân hàng còn lại áp dụng lãi suất 4,7%/năm.

Tương tự, với kỳ hạn 6-9 tháng, lãi suất tiết kiệm tại Vietcombank niêm yết ở mức thấp nhất trong nhóm ngân hàng Big 4, giữ ở mức 2,9%/năm. Các ngân hàng còn lại trả lãi 3%/năm cho kỳ hạn này.

Đối với kỳ hạn 3 tháng, lãi suất tiết kiệm tại BIDV và VietinBank hiện giữ ở mức 2%/năm. Vietcombank và Agribank đồng áp dụng lãi suất tiết kiệm 1,9%/năm.

Tại ở kỳ hạn 1-2 tháng, Vietcombank và Agribank áp dụng lãi suất tiết kiệm thấp nhất, khi ở mức 1,6%/năm. Còn BIDV và VietinBank trả mức lãi suất huy động là 1,7%/năm.

Ở chiều ngược lại, nhiều ngân hàng thương mại lại điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Tại VPBank tăng lãi suất tiền gửi từ 0,1-0,2% tất cả các kỳ hạn. Trong đó, đối với khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng lên 2,3%/năm, kỳ hạn 2-5 tháng tăng lên 2,6%/năm, kỳ hạn 6-11 tháng tăng lên 4,1%/năm, kỳ hạn từ 12-18 tháng tăng lên 4,4%/năm; kỳ hạn từ 24 tháng trở lên áp dụng 4,8%/năm.

Tương tự, tại Eximbank cũng lãi suất huy động các kỳ hạn 1-3 tháng tăng thêm 0,3 điểm phần trăm lên 3,1%/năm, lãi suất kỳ hạn 2 tháng tăng lên 3,3%/năm và lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng là 3,4%/năm.

Trước đó, ngày 19/3, Saigonbank cũng tăng lãi suất huy động các kỳ hạn từ 18-36 tháng. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 18 tháng tăng 0,2% lên 5,4%/năm; kỳ hạn 24 tháng tăng 0,3% lên 5,7%/năm và lãi suất kỳ hạn 36 tháng tăng thêm 0,4%, lên mức 5,8%/năm.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm 2023 tăng 2,17%), tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đến ngày 25/3 đạt 0,26% (cùng thời điểm năm 2023 tăng 1,99%).

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI nhận định, mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ khó tiếp tục giảm mạnh, đồng thời đưa ra dự báo lãi suất tiền gửi 12 tháng vào cuối năm 2024 sẽ khoảng 5,5%/năm, tăng 0,5% so với năm 2023.

Ngoài ra, SSI còn cho rằng, Ngân hàng Nhà nước vẫn có dư địa để thực hiện thêm một lần cắt giảm lãi suất chính sách nữa trong năm 2024 khi hoạt động kinh tế chưa thể quay lại xu hướng tăng trưởng tiềm năng, bởi hiện lãi suất tiền gửi ở mức khá thấp, đặc biệt là tại nhóm Big 4.

PGS TS Nguyễn Hữu Huân - Trường đại học kinh tế TPHCM - dự báo, khả năng mặt bằng lãi suất tiết kiệm sẽ duy trì mức như hiện nay đến hết quý II/2024 và bắt đầu tăng trở lại trong nửa cuối năm nay nếu nền kinh tế hồi phục, tín dụng cải thiện trở lại so với mức tăng trưởng 0,26% trong 3 tháng đầu năm nay.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng cho rằng, việc điều chỉnh lãi suất huy động trái chiều của một số ngân hàng đi cùng xu hướng tăng dần của lãi suất liên ngân hàng có thể hàm ý kịch bản lãi suất huy động có thể nhích tăng dần từ quý II, sớm hơn so với kỳ vọng trước đó của nhóm phân tích là lãi suất huy động có thể tăng từ nửa cuối năm nay.

Các chuyên gia cũng lưu ý, lãi suất tiền gửi chủ yếu nhích tăng ở kỳ hạn ngắn, trong khi lãi suất liên ngân hàng đã bắt đầu hạ nhiệt. Vì thế, đợt điều chỉnh này phần lớn là do nhu cầu cục bộ ở một số ngân hàng nhỏ, còn thanh khoản hệ thống vẫn khá dồi dào, sẵn sàng tiếp vốn cho sản xuất kinh doanh.

Xem thêm tại tienphong.vn