Thông tư mới được NHNN ban hành sẽ giảm hệ số rủi ro cho nhiều khoản vay: Ngân hàng nào hưởng lợi?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã ban hành Thông tư số 22/2023/TT-NHNN (có hiệu lực từ 1/7/2024) sửa đổi, bổ sung Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng và/hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07/2024.

Điểm đáng chú ý trong Thông tư mới được ban hành là quy định hệ số rủi ro tín dụng 160% đối với tài sản là khoản cấp tín dụng chuyên biệt dưới hình thức cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp (so với 200% đối với các khoản cho vay kinh doanh bất động sản nói chung theo Thông tư 41/2016).

Với nội dung này, hệ số rủi ro được NHNN sẽ giảm từ 200% xuống 160% đối với các dự án bất động sản khu công nghiệp, nhưng các dự án bất động sản khác vẫn bị áp hệ số rủi ro là 200% như quy định cũ.

Thông tư mới cũng quy định hệ số rủi ro tín dụng ro áp dụng cho khoản cho vay thế chấp mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ: 20%-50% (so với hệ số rủi ro tín dụng đối với khoản vay thế chấp thông thường là 25%-100%).

Ngoài ra, Thông tư mới quy định ngân hàng là bên nhận chuyển giao bắt buộc và các tổ chức tín dụng khác được áp dụng hệ số rủi ro 0% đối với các khoản cho vay, bảo lãnh, tiền gửi tại bên được chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.

Đồng thời quy định hệ số rủi ro tín dụng là 50% đối với khoản phải đòi là khoản cho vay cá nhân phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Ngoài ra, Thông tư 22 còn bổ sung các tổ chức tài chính quốc tế vào danh sách bên thứ ba bảo lãnh hợp pháp để giảm thiểu rủi ro tín dụng.

Thông tư mới được NHNN ban hành sẽ giảm hệ số rủi ro cho nhiều khoản vay: Ngân hàng nào hưởng lợi? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Hệ số rủi ro cao thì các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng nhiều hơn. Vì vậy, khi hệ số rủi ro với một số khoản vay giảm xuống thì số tiền đáng ra phải trích lập dự phòng như quy định trước đây có thể dùng để cho vay thêm. Qua đó, tăng được khả năng cung ứng tín dụng của ngân hàng cho nền kinh tế cũng như tác động tích cực đến lợi nhuận ngân hàng.

Thông tư 22 được đánh giá là có tác động tích cực đến hoạt động của các ngân hàng có thế mạnh trong cho vay phân khúc nhà ở xã hội, BĐS khu công nghiệp và cho vay nông nghiệp, nông thôn và như Vietcombank, VietinBank và BIDV.

Theo quan điểm của Chứng khoán Vietcap (VCSC), quy định mới khuyến khích các ngân hàng tập trung tài trợ cho lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp. Ngoài ra, những thay đổi về hệ số rủi ro tín dụng đối với nhà ở xã hội và bất động sản khu công nghiệp cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ nhằm giải quyết một phần nút thắt về nguồn vốn và hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, từ đó hỗ trợ sự tăng trưởng bền vững lâu dài của nền kinh tế.

Còn theo Chứng khoán MB (MBS), các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, VietinBank, BIDV sẽ được hưởng lợi từ Thông tư 22/2023. MBS cho rằng đây là một biện pháp giúp hỗ trợ đà tăng trưởng tín dụng của nhóm ngân hàng này, trong bối cảnh NIM có xu hướng giảm khá mạnh.

Xem thêm tại cafef.vn