Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank - Mã ck: PGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2025.

Theo đó, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng tăng trưởng tích cực 34,4%, đạt 505,7 tỷ đồng và chỉ xếp sau mức cao kỷ lục trong quý trước đó (565,5 tỷ đồng). Mức tăng này vượt trội so với mức tăng 20,7% của chi phí hoạt động, nhờ đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 242,5 tỷ đồng, tăng mạnh 53,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của PGBank lại sụt giảm do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng đột biến, gấp 3,5 lần, từ 42 tỷ đồng lên 147 tỷ đồng.

PGBank giảm lãi dù hoạt động kinh doanh khởi sắc

Trong quý I/2025, PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 95,9 tỷ đồng, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2024 và hoàn thành 13,4% kế hoạch tạm giao năm nay. Giải trình về kết quả này, lãnh đạo PGBank cho biết, nguyên nhân chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng so với cùng kỳ năm 2024 mặc dù kết quả kinh doanh từ các hoạt động của ngân hàng tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu thu nhập hoạt động, thu nhập lãi thuần của PGBank tăng 21,4% cùng kỳ, tương ứng tăng 80,7 tỷ đồng, đạt 458,3 tỷ đồng, cao nhất trong nhiều năm qua, nhờ ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng khách hàng và đa dạng hóa nguồn thu. Nguồn thu từ hoạt động tín dụng chiếm tỷ trọng lớn, chiếm đến 90,6% tổng thu nhập của ngân hàng.

Bên cạnh đó, thu nhập ngoài lãi trong quý cũng ghi nhận chuyển biến tích cực, đạt 47,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước ghi nhận lỗ 1,3 tỷ đồng.

Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ báo lãi 13,5 tỷ đồng, trái chiều với số lỗ 8,9 tỷ đồng cùng kỳ. Mảng chứng khoán đầu tư ghi nhận lãi 2,6 tỷ đồng, thay vì lỗ như quý I/2024. Mảng ngoại hối đem về 13 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ đạt 26 triệu đồng. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh khác ghi nhận lãi 17,8 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ.

Thu nhập hoạt động quý I/2025 tiến sát đỉnh, vì sao lãi PGBank tạm chững?
Nguồn: Báo Tài chính - Đầu tư tổng hợp.

Tính đến hết quý I/2025, tổng tài sản của PGBank đạt 73.552 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 45.349 tỷ đồng, tăng 10%.

Về chất lượng tài sản, tổng dư nợ xấu (nhóm 3-5) tính đến cuối tháng 3 tăng 15,9% so với đầu năm, lên mức 1.229 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,57% lên 2,71%. Ngoài ra, tính đến cuối tháng 3/2025, PGBank còn 771 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam).

Ngày 24/4 tới đây, PGBank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên tại Ninh Bình. Đại hội dự kiến thông qua bầu cử Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới, kế hoạch kinh doanh 2025, phân phối lợi nhuận và phương án tăng vốn.

Trước đó, Hội đồng quản trị ngân hàng thông qua kế hoạch kinh doanh (tạm giao) năm 2025 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 716 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với năm 2024. Ngân hàng kỳ vọng tổng tài sản sẽ tăng trưởng từ 15 - 20%.

PGBank đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tín dụng dưới 2%, hạn chế nợ xấu phát sinh, cải thiện chất lượng tài sản, đặc biệt là chất lượng tín dụng, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xử lý nợ theo đúng kế hoạch và lộ trình tại Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu tại PGBank giai đoạn 2021 - 2025.

Ngay đầu năm 2025, PGBank triển khai chào bán 80 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền là 21:4, tức mỗi cổ đông sở hữu 21 cổ phiếu sẽ được quyền mua thêm 4 cổ phiếu mới. Qua đợt phát hành này, ngân hàng dự kiến huy động được 800 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất chào bán, vốn điều lệ của PGBank sẽ tăng từ 4.200 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng./.