Thu nhập tăng lên nhưng người Việt Nam ngày càng giảm mua trang sức?

Số liệu vừa công bố từ Tổng cục thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 7/2024 ước đạt 528,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.625,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,6%).

Trên thị trường chứng khoán, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý 2/2024 tăng mạnh so với cùng kỳ lần lượt đạt 9.518 tỷ đồng và 428 tỷ đồng, tăng 43%/27%.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành trang sức vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo thị trường tăng chậm trong các năm tới.

Thị trường trang sức Việt Nam ước tính giảm tốc nhẹ trong giai đoạn 2016-2023, từ 4,0 tỷ USD xuống còn 3,6 tỷ USD, trung bình giảm 0,6%/năm. Để loại bỏ ảnh hưởng của chu kỳ kinh tế, VDSC xem xét quy mô trung bình của thị trường trong hai giai đoạn: giai đoạn tăng trưởng 2016-2019 (trước covid), và giai đoạn suy giảm 2020-2022 (giai đoạn Covid và sau Covid).

Theo đó, mức chi tiêu cho trang sức trong giai đoạn kinh tế suy giảm bình quân khoảng 3,1 tỷ USD/năm, thấp hơn mức chi tiêu 3,8 tỷ USD/năm trong giai đoạn tăng trưởng. Theo đà phục hồi của nền kinh tế, mức chi tiêu cho trang sức trong năm 2023 đạt hơn 3,6 tỷ USD, tăng 16,2% so với bình quân giai đoạn 2020 – 2022.

Có một điểm đáng lưu ý là trong khi thu nhập hàng tháng của người Việt Nam có xu hướng đi lên tăng 7,0%/năm, đạt gần 5 triệu VND/tháng, thì chi tiêu cho trang sức lại diễn biến theo hướng ngược lại. Điều này khiến cho tỉ lệ chi tiêu hàng tháng cho trang sức giảm qua các năm từ 2,6% năm 2016 xuống 1,4% năm 2023.

Những điều này có thể được lí giải từ góc nhìn về chi tiêu cho trang sức với hai mục đích khác nhau – cất giữ tài sản và làm đẹp.

Cụ thể, bên cạnh vàng miếng, trang sức vàng (18K, 24K) được xem vừa là trang sức làm đẹp vừa là kênh cất giữ tài sản. Dù vậy, từ sau khi nghị định 24/2012/NĐ-CP ban hành năm 2012 với mục tiêu siết hoạt động kinh doanh vàng và chống “vàng hóa” nền kinh tế, cộng với việc giá vàng thế giới duy trì mức thấp trong suốt giai đoạn 2013 – 2020 đã làm giảm sức hấp dẫn của lớp tài sản này.

Thay vào đó, dòng tiền tiết kiệm/đầu tư dịch chuyển dần sang kênh đầu tư chứng khoán và bất động sản do mức sinh lời tốt trong cùng giai đoạn. Trong giai đoạn 2016-2023, quy mô thị trường bất động sản phình to từ 155.752 tỷ lên 205.205 tỷ, loại trừ yếu tố lạm phát. Vốn hóa thị trường chứng khoán / GDP cũng đi theo chiều hướng tăng từ 33,2% năm 2016 lên 44,2% năm 2023.

Thu nhập tăng lên nhưng người Việt Nam ngày càng giảm mua trang sức?  - Ảnh 1

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước xác định cần sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP do những hạn chế của việc siết chặt hoạt động kinh doanh vàng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết mục tiêu xuyên suốt vẫn là chống “vàng hóa” nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, từng bước đưa nguồn lực vàng trong dân vào hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Dù được sửa đổi, hoạt động kinh doanh vàng nói chung và trang sức vàng nói riêng vẫn sẽ bị kiểm soát (ngành kinh doanh có điều kiện) do các mục tiêu vĩ mô vừa nói trên; do đó, sẽ không có sự tăng trưởng đột biến về doanh số của thị trường vàng trang sức trong trung và dài hạn.

Trên cơ sở đó, VDSC dự phóng thị trường trang sức dự kiến tăng 2,4%/năm trong giai đoạn 2023-2030, đạt 4,2 tỷ USD vào 2030. Mặc dù thu nhập khả dụng của người Việt Nam được dự báo tăng nhanh 7,7%/năm theo World Economic Forum, tỷ lệ chi tiêu cho trang sức/thu nhập khả dụng sẽ giảm theo xu hướng giảm trước đó, tiệm cận mức của các quốc gia tiêu thụ trang sức có đặc trưng giống Việt Nam như Trung Quốc và Ấn Độ ở mức ~1,0%, vì nhiều lý do.

Thứ nhất, với định hướng hiện tại của cơ quan quản lý đối với thị trường vàng như đã nói ở trên, hoạt động kinh doanh vàng nói chung và trang sức vàng nói riêng vẫn sẽ bị kiểm soát.

Thứ hai, các kênh đầu tư khác như chứng khoán và bất động sản sẽ vẫn là những kênh đầu tư tăng trưởng tài sản không thể thay thế, cạnh tranh với trang sức.

Thứ ba, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25,0%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già” (theo Liên Hợp Quốc). Khi dân số Việt Nam ngày càng già hóa, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và chất lượng cuộc sống sẽ trở thành ưu tiên khi so sánh với nhu cầu làm đẹp và thể hiện vị trí xã hội.

Trung Quốc và Ấn Độ, hai cường quốc về tiêu thụ trang sức đang chứng kiến mức độ già hóa dân số nhanh, có tỷ lệ chi tiêu trang sức/thu nhập khả dụng ở mức thấp và giảm qua các năm trong vòng mười năm qua là minh chứng điển hình cho việc tiêu thụ trang sức thấp. 

Xem thêm tại vneconomy.vn