‘Thủ phủ may mặc’ Bangladesh gặp khó, cổ phiếu ngành dệt may ‘nổi sóng’

Ngành dệt may Việt Nam nói chung đang được hưởng lợi từ việc dịch chuyển đơn hàng khỏi Bangladesh.

Ngày 7/8, các nhà máy may mặc ở Bangladesh mới mở cửa trở lại sau khi bị ngưng trệ do các cuộc biểu tình bạo lực khiến Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và rời khỏi đất nước.

Theo ông Miran Ali, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA), các nhà máy đã phải đóng cửa tổng cộng 4 ngày và hiện còn quá sớm để ước tính thiệt hại về mặt vật chất.

Được biết, Bangladesh là nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ ba thế giới trong năm 2023, chỉ sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU), với kim ngạch xuất khẩu đạt 38,4 tỷ USD.

Cuộc khủng hoảng đến vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm đối với ngành may mặc Bangladesh. Các tháng 7, 8 và 9 thường là mùa cao điểm cho cả việc vận chuyển hàng hóa Giáng sinh và đặt đơn hàng cho mùa xuân hè năm sau.

Tác động của cuộc khủng hoảng vượt xa biên giới Bangladesh. Các công ty may mặc toàn cầu, từ H&M đến Zara, đang theo dõi tình hình với sự lo lắng khi họ chuẩn bị bước vào mùa lễ hội quan trọng.

Việc quốc gia cạnh tranh xuất khẩu may mặc đang gặp ‘bế tắc’ đã mở đường cho xuất khẩu dệt may của Việt Nam phục hồi trở lại.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã tăng 4,4% so với cùng kỳ đạt 16,2 tỷ USD, trong đó, Mỹ vẫn đang là thị trường lớn nhất với kim ngạch tăng trưởng 2,5%, đạt 7,1 tỷ USD, chiếm 44,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận thấy hoạt động xuất khẩu dệt may đang trong quá trình phục hồi khi lạm phát tại các thị trường trọng điểm đã hạ nhiệt, và chi tiêu của người tiêu dùng dần hồi phục. Lượng đơn hàng trong nửa đầu năm nay của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam khả quan hơn.

Kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt trong nửa đầu năm nay của Việt Nam cũng tăng 3,5% so với cùng kỳ đạt 1,96 tỷ USD trong bối cảnh các hãng dệt may tái nhập trở lại nhằm phục vụ cho vụ thu đông 2024. Bên cạnh đó, giá sợi Trung Quốc đã tăng trở lại khi giá dầu thô hồi phục.

Trong khi giá trị xuất khẩu xơ, sợi dệt của Việt Nam sang Trung Quốc trong nửa đầu năm nay gần như không đổi so với cùng kỳ, đạt 1,04 tỷ USD thì đã có những sự cải thiện rõ rệt hơn tại thị trường Hàn Quốc và Mỹ, ghi nhận giá trị xuất khẩu lần lượt đạt 233 triệu USD, tăng 20,8% và 95 triệu USD, tăng 31,1%.

‘Thủ phủ may mặc’ Bangladesh gặp khó, cổ phiếu ngành dệt may ‘nổi sóng’
Nguồn: PSI

Theo như các chia sẻ của các doanh nghiệp dệt may, ngành dệt may vẫn đang tiếp tục phục hồi dù nhu cầu vẫn còn thấp.

Một số doanh nghiệp có lợi thế về tập khách hàng đa dạng và yếu tố về ESG như TNG hay Eclat Textile (FDI Đài Loan) thì lượng đơn hàng đã được lấp kín đến đầu quý IV. Trong khi đó, MSH dự định đưa nhà máy Xuân Trường 2 mới đi vào hoạt động kể từ cuối năm 2024, cho thấy sự tự tin của doanh nghiệp về sự trở lại của các đơn hàng. Nhóm phân tích kỳ vọng các đơn hàng sẽ tiếp tục được đảm bảo và gia tăng trong nửa cuối năm khi vào mùa mua sắm tại các thị trường lớn.

PSI cũng nhận thấy trong nửa đầu năm nay, tổng giá trị nhập khẩu nguyên liệu sản xuất như xơ, sợi và vải các loại tăng lần lượt 20,7% và 11,9% so với cùng kỳ, đây là tín hiệu cho thấy tình hình các đơn hàng dệt,may xuất khẩu vẫn đang khá tích cực và nhiều triển vọng cho nửa sau của năm.

‘Thủ phủ may mặc’ Bangladesh gặp khó, cổ phiếu ngành dệt may ‘nổi sóng’
Loạt cổ phiếu dệt may đồng loạt tăng mạnh

Trước loạt thông tin tích cực, loạt cổ phiếu dệt may đồng loạt “nổi sóng”. Tạm dừng phiên sáng 8/8, nhiều mã ghi nhận mức tăng tốt như MSH(+6,98%), TNG(+6%), ADS (+5,96%), TCM(+4,35%), GIL (+3,9%), STK(+2,75%),...

Xem thêm tại nguoiquansat.vn