Thủ tướng dự chuỗi sự kiện thực hiện loạt dự án lớn của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS)

Ngày 1/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự chuỗi sự kiện về dầu khí và điện gió ngoài khơi do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS - sàn HNX) tổ chức.

Chuỗi sự kiện quan trọng lần này đánh dấu những bước tiến mới của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong cả lĩnh vực năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo. Các sự kiện bao gồm: Lễ hạ thủy và bàn giao chân đế điện gió ngoài khơi dự án CHW2204; Lễ ký hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế điện gió ngoài khơi; Lễ khởi công các trạm biến áp - dự án Baltica 02.

Bên cạnh đó là các sự kiện thuộc lĩnh vực dầu khí truyền thống như: Lễ khởi công giàn công nghệ trung tâm (CPP) và Lễ ký hợp đồng FSO Lạc Đà Vàng.

Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí
Lễ trao hợp đồng FSO Dự án Lạc Đà Vàng diễn ra trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn là một trong những dự án trọng điểm quốc gia, góp phần đáp ứng nhu cầu năng lượng khu vực Nam Bộ, đặc biệt là Tây Nam Bộ. Bên cạnh việc đảm bảo an ninh năng lượng, dự án còn thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 về giảm phát thải carbon, hướng tới một hệ thống năng lượng “xanh hơn, sạch hơn”.

Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã được giao thầu toàn bộ các gói tổng thầu phát triển phần thượng nguồn và trung nguồn (phần đường ống) của dự án. Trong đó, giàn công nghệ trung tâm CPP của dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, được thiết kế, mua sắm, thi công, vận chuyển, lắp đặt, đấu nối và chạy thử tại Việt Nam. Đây cũng là cấu phần đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong việc phát triển mỏ Lô B.

Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn có thêr đem lại khoản doanh thu lên đến gần 6 tỷ USD cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong toàn bộ vòng đời dự án.

Đối với dự án phát triển mỏ Lạc Đà Vàng, sau khi giành được Tổng thầu EPCIC cho Giàn xử lý trung tâm, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí tiếp tục giành được hợp đồng cung cấp tàu chứa dầu FSO với sức chứa 500.000 thùng dầu thô tại dự án này.

Giá cổ phiếu PVS Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu PVS của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS) có thể thu về gần 6 tỷ USD từ dự án khí Lô B" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Tại mảng năng lượng tái tạo, thời gian qua, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã chủ động tham gia cung cấp dịch vụ điện gió ngoài khơi cho nhiều nhà thầu trong và ngoài nước và đã đạt được những thành công hiện hữu. Điển hình nhất là việc đấu thầu quốc tế và trúng thầu hợp đồng chế tạo và cung cấp 33 chân đế điện gió ngoài khơi, dự án CHW2204 cho khách hàng Orsted (Đan Mạch).

Tại buổi lễ, đại diện Tập đoàn Orsted đánh giá Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí là đối tác tin cậy, cung cấp những chân đế an toàn và đạt chất lượng cao nhất, theo các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, sức khỏe và môi trường, hướng tới vị thế nhà cung cấp đẳng cấp thế giới.

Tiếp nối thành công tại dự án CHW2204, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã tiếp tục đấu thầu và trúng thầu cung cấp chân đế trụ điện gió cho dự án ĐGNK (có quy mô lớn hơn dự án CHW2204) tại thị trường Châu Á - Thái Bình Dương.

Ngoài ra, tổng công ty cũng đã bước vào giai đoạn khởi công chế tạo 4 trạm biến áp ngoài khơi (OSS) cho dự án Baltica tại biển Baltic - một trong những dự án điện gió lớn nhất thế giới.

Tại buổi lễ, ông Lê Mạnh Cường - Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam đã kiến nghị với Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc phát triển và xuất khẩu điện gió ngoài khơi. Trước mắt, Petrovietnam đề xuất phát triển dự án điện gió ngoài khơi xuất khẩu sang Singapore như một dự án thí điểm, đưa dự án làm trọng tâm trong hợp tác kinh tế giữa hai chính phủ.

Xem thêm tại tapchicongthuong.vn