Thuế - thu và nuôi

Thực tế doanh nghiệp này đã thực hiện giao dịch chứng khoán phái sinh liên tục trong tháng 7 với tổng trị giá lên tới 34 ngàn tỷ đồng. Vụ việc hy hữu khiến chính ngành Thuế cũng lúng túng không biết cách xử trí thế nào về việc giao dịch được tính hay không tính thuế giá trị gia tăng (VAT) để sau nay hoàn thuế (?!).

Thời gian qua, sự khó khăn của nền kinh tế đã khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn khó khăn, thua lỗ, nợ đọng thuế khó đòi. Tính đến ngày 21/8/2023, thu ngân sách toàn ngành Hải quan giảm hơn 51.000 tỷ đồng. Tại Cục Hải quan TPHCM, với tư cách là trung tâm xuất nhập khẩu của cả nước, số tiền nợ thuế, nợ phạt quá hạn tại đơn vị này trong 7 tháng vừa qua lên tới khoảng 1.900 tỷ đồng, với hơn 5.700 doanh nghiệp nợ thuế. Trên toàn quốc, số doanh nghiệp nợ thuế cũng tăng mạnh. Dư luận thậm chí bắt đầu “quen” với thông báo chủ doanh nghiệp này bị cấm xuất cảnh; doanh nghiệp kia bị khoanh vùng với lí do chung: Nợ thuế!

Việc doanh nghiệp nợ thuế rồi bỏ trốn, doanh nghiệp ma thành lập “ôm” số VAT được hoàn rồi “cao chạy xa bay” từng trở thành căn bệnh trầm kha khiến ngành thuế, hải quan có lúc phải lên phương án xử lý quyết liệt. Với việc tăng cường quản lý chặt chẽ quá trình hoàn VAT, không để xảy ra trục lợi chính sách, gây thất thoát tiền của ngân sách, nay vấn nạn này đã được dẹp. Thậm chí, công cụ kiểm soát chặt kê khai tránh chuyển giá, trốn thuế, còn được Bộ Tài chính xem là “quả đấm thép” trong số giải pháp tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn điểm “lấn cấn” mà ngành Thuế cần xử lý rốt ráo, đó là việc nhiều doanh nghiệp, hiệp hội “đứng ngồi không yên” khi những món tiền nộp thuế VAT nay chờ hoàn thuế dù đã quá thời hạn quy định vẫn “lặn ngụp” chưa thấy quay về tài khoản.

Trả lời báo chí, một đại diện Bộ Tài chính mới đây đã chia sẻ, trong năm 2022, cơ quan thuế trên cả nước đã hoàn thuế trên 150.000 tỷ đồng với 20.774 quyết định hoàn thuế. Riêng 7 tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế cả nước đã hoàn cho các doanh nghiệp 70.356 tỷ đồng với 9.800 quyết định hoàn thuế. “Việc chậm hoàn thuế, muốn xác định trách nhiệm khi chậm hoàn thuế thuộc về cơ quan thuế hay thuộc về doanh nghiệp, người dân, cần xem xét đến từng trường hợp cụ thể, từ đó mới xác định được nguyên nhân, rồi giải pháp” vị này nói và khẳng định ngành Thuế, Tài chính đang rất nỗ lực để “thu đúng, thu đủ”, tạo điều kiện tối đa cho người nộp thuế.

Thu và nuôi dưỡng nguồn thu là giải pháp bền vững mà bất cứ quốc gia nào muốn phát triển đều phải “neo” chặt. Từ ngày 1/7 đến 31/12/2023, chính sách giảm VAT với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%, xuống còn 8% có hiệu lực. Bộ Tài chính lí giải, giảm VAT nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế. Vậy nên hy vọng, việc thu thuế, giảm thuế sẽ luôn song hành phù hợp với bối cảnh nền kinh tế để việc “nuôi” nguồn thu đạt kì vọng. Như TS Đinh Thế Hiển - Chuyên gia Kinh tế từng chia sẻ: Cần xem xét kéo dài chính sách giảm VAT đến hết năm 2024 để “chính sách” hỗ trợ, kích cầu ngấm đủ, sâu và căn cơ cho nền kinh tế phục hồi.

Xem thêm tại cafef.vn