Thương hiệu lớn bắt đầu đưa nhau 'lên sàn' livestream

Bán hàng livestream vốn là hoạt động thường được thấy gắn liền với những cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ trên mạng, hay các nhãn hàng tập trung vào sản phẩm phân khúc thấp nhằm kích thích nhu cầu mua sắm tức thời của người tiêu dùng. Tuy nhiên, hình thức này đang ngày càng phát triển và thu hút cả những thương hiệu với sản phẩm giá trị cao lên đến hàng chục triệu đồng.

Cuộc chơi dần thay đổi

Mới đây, trên mạng xã hội Tiktok đã diễn ra phiên phát sóng trực tiếp bán hàng dài 4 tiếng của hãng xe điện VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng kết hợp với kênh TikTok “Tạp hoá PewPew” của streamer Pewpew.

Trong phiên live VinFast đã đăng bán 5 mẫu xe máy điện nằm trong hệ sinh thái di chuyển thuần điện của mình, bao gồm EVO200, EVO200 Lite, Feliz S, Vento S và Theon S với mức giá từ khoảng 15-55 triệu đồng.

-2115-1709283450.jpg

Livestream bán xe máy điện của thương hiệu VinFast trên nền tảng TikTok.

Phiên livestream đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm từ đông đảo công chúng, có thời điểm số lượng người xem lên đến 5.000 người. Trái với quan điểm của nhiều người rằng những mặt hàng giá trị cao như xe máy, xe điện sẽ khó bán được trên livestream. Dựa theo hiển thị đơn hàng đã bán trên Tiktok, sau hơn 4 tiếng phát sóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chốt đơn được 78 chiếc xe máy điện.

Dù đơn mua chỉ tập trung vào các sản phẩm trong tầm giá khoảng 15 triệu đồng, 2 loại xe điện có giá thành hơn 40 triệu đồng (Vento S và Theon S) không có người lựa chọn nhưng phiên live vẫn thành công đem về cho thương hiệu Vinfast ít nhất 1,4 tỷ đồng.

Sau phiên live, Vinfast đã nhận được khá nhiều sự chú ý từ phía công chúng vì là một trong những nhãn hàng lớn đã “dám” đưa các mặt hàng trị giá hàng chục triệu đồng như xe máy điện lên livestream. Tuy nhiên, trên thực tế VinFast cũng không phải là thương hiệu tiên phong cho xu hướng livestream bán các mặt hàng giá trị cao, bởi trước đó nhiều sản phẩm từ vài triệu đồng cũng đã được các thương hiệu lớn như Xiaomi, Samsung, Sulwhasoo,... đưa lên sóng thông qua các KOLs, người nổi tiếng,…

Có thể thấy cuộc chơi thương mại trực tiếp đang dần thay đổi, trong đó các thương hiệu lớn với mặt hàng trị giá tiền triệu đã xuất hiện nhiều hơn trên sàn phát sóng trực tiếp thay vì chỉ dừng lại ở những mặt hàng phân khúc “bình dân”, giá trị thấp vốn dễ dàng thuyết phục được người tiêu dùng “xuống tiền”. Thực chất, bán hàng có giá trị cao hay thậm chí là hàng xa xỉ đã rất phổ biến ở Trung Quốc - nơi khởi nguồn của mạng xã hội Tiktok, nhưng ở Việt Nam thì vẫn tương đối mới mẻ. Xu hướng livestream bán các mặt hàng có giá cao chỉ mới thực sự nổi lên và gây chú ý từ khi nhà thiết kế Thái Công gây “bão” truyền thông bằng việc niêm yết các sản phẩm có trị giá hàng trăm triệu đồng trên TikTok.

Việc VinFast và một số thương hiệu khác thành công trong hoạt động phát trực tiếp với thành tích không chỉ bán được sản phẩm mà còn tạo được hiệu quả marketing đang là một tín hiệu tốt từ thị trường, đem lại tiềm năng rất lớn để mở ra một xu hướng tiếp thị mới cho các nhãn hàng có sản phẩm giá trị cao trong tương lai.

Tiềm năng xu hướng tiếp thị chính của tương lai

Ông Trần Lệ Nguyên, CEO của Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO đánh giá: “Hiện kinh tế bị ảnh hưởng nhưng những kênh thương mại điện tử vẫn tăng trưởng hàng năm 20-30%. Đây là một xu hướng, xu thế đã thay đổi nên các doanh nghiệp cũng phải thay đổi về tư duy để chúng ta có thể là tiếp cận người tiêu dùng. Thời bán hàng livestream đã tới, doanh nghiệp không thay đổi sẽ lạc hậu”.

Với sự bùng nổ của livestream khi mua sắm giải trí lên ngôi, đây không còn đơn thuần chỉ là một hình thức tiếp thị vì doanh số mà đã trở thành một trong những cách làm truyền thông - marketing thương hiệu giúp tạo chuyển đổi, tăng nhận diện, giới thiệu sản phẩm và tương tác với công chúng. Hình thức kinh doanh này đang phần nào thay đổi cục diện ngành bán lẻ, thậm chí nắm chắc phần thắng trên cuộc đua trở thành một trong những xu hướng tiếp thị chính của tương lai.

Theo dự đoán của Nielsen, đến năm 2025, thế hệ Gen Z tại Việt Nam sẽ đạt gần 15 triệu người, chiếm đến 21% lực lượng lao động và hơn 30% lượng khán giả trực tuyến. Đây chính là đối tượng người dùng chủ đạo nhằm đẩy mạnh tiềm năng của các nền tảng livestream nói riêng, xu hướng thương mại giải trí nói chung có cơ hội bùng nổ hơn nữa.

Sức nóng của livestream đã và đang tạo nên cuộc đua gay cấn trong ngành thương mại điện tử, khiến cho các thương hiệu lớn hay thương hiệu kinh doanh các mặt hàng giá trị cao vốn khá bảo thủ, hạn chế trong cách bán hàng cũng dần không thể đứng ngoài.

Những cái tên như VinFast, Xiaomi,... chỉ là khởi đầu, bởi giống như khi thương mại điện tử, bán hàng online xuất hiện, việc các thương hiệu bán hàng giá trị lớn, thậm chí là thương hiệu cao cấp, xa xỉ tham gia vào hình thức này chỉ là chuyện sớm muộn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, khác với các nhà bán lẻ hay sàn thương mại điện tử, những thương hiệu lớn đặc biệt là thương hiệu cao cấp trước khi tham gia vào thương mại trực tiếp với livestream cần có một kế hoạch rõ ràng và sự cân nhắc với những tác động ngược có thể gặp phải. Bởi nếu làm không khéo thì hình thức này rất dễ gây phản tác dụng, làm ảnh hưởng tới hình ảnh mà thương hiệu đã mất nhiều năm định vị.

Ví dụ có thể kể đến trường hợp của Louis Vuitton tại Trung Quốc, trong lần đầu livestream tại cửa hàng Louis Vuitton ở Thượng Hải. Do background được dựng thiếu chỉn chu, cùng với cách tổ chức chưa đủ kinh nghiệm, Louis Vuitton không chỉ thất bại trong việc thể hiện các giá trị thương hiệu, mà còn gây tác động ngược, khiến hình ảnh thương hiệu thời trang xa xỉ này trở nên tiêu cực, “kém sang” trong mắt công chúng.

Bích Tâm

Xem thêm tại vnbusiness.vn