Thương vụ 'kỳ lạ' của Đất Xanh: Bán 1 lãi 10, kết thúc giấc mơ giúp tổ chức, cá nhân thành chủ đầu tư BĐS chuyên nghiệp mà không cần kinh nghiệm
CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023, hé lộ một số sự kiện quan trọng của Đất Xanh trong năm qua.
Đáng chú ý, vào ngày 5/10/2023, Tập đoàn đã hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP DBFS với giá bán chỉ hơn 1,4 tỷ đồng. Nhưng thương vụ lãi tới 14 tỷ đồng, tức lãi cao gấp 10 lần giá bán.
CTCP DBFS có tên gọi cũ là CTCP Đất Xanh E&C, thành lập ngày 9/3/2021 với vốn điều lệ ban đầu là 200 tỷ đồng, do Tập đoàn Đất Xanh nắm 80%, ông Lương Trí Thìn - Chủ tịch Đất Xanh nắm 18% và ông Lê Hào - Tổng giám đốc của Đất Xanh E&C sở hữu 2% còn lại.
Đến 25/5/2023, DBFS hạ vốn điều lệ về hơn 1,76 tỷ đồng rồi đến ngày 12/12/2023 - sau khi bị Đất Xanh bán đi - DBFS lại tăng vốn điều lệ lên 200 tỷ đồng.
Đất Xanh E&C - trước khi đổi tên - từng được Đất Xanh giới thiệu là "mảnh ghép tiếp theo trong định hướng chiến lược mới và là viên gạch đầu tiên trong ngành xây dựng" của tập đoàn này, là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam cung cấp giải pháp phát triển dự án bất động sản và tổng thầu xây dựng trọn gói, với mô hình DBFS (tên đầy đủ là Development - Build - Finance - Sales và Marketing, tạm dịch là phát triển - xây dựng - tài chính - tiếp thị kinh doanh).
Theo giới thiệu trên website, DBFS là đơn vị đầu tiên đi theo mô hình dịch vụ phát triển dự án và tổng thầu xây dựng trọn gói tại Việt Nam, thực hiện sứ mệnh trở thành cánh tay nối dài đắc lực đến các doanh nghiệp và cá nhân sở hữu quỹ đất hợp pháp trong việc phát triển dự án nhà ở phục vụ cộng đồng dân cư tại Việt Nam.
DBFS hướng tới đối tượng khách hàng là các tổ chức, cá nhân đang sở hữu quỹ đất “sạch” nhưng hạn chế về vốn, chưa có bộ máy quản lý tổ chức phát triển dự án, chưa có hệ thống phân phối tiêu thụ sản phẩm. DBFS sẽ đảm nhận hầu hết các công việc xuyên suốt quá trình phát triển dự án trong tất cả các khâu: nghiên cứu thị trường, nghiên cứu sản phẩm, thiết kế xây dựng, thực hiện thủ tục pháp lý, tổ chức maketing, bán hàng, bàn giao sản phẩm, chăm sóc khách hàng và sắp xếp vốn cho dự án.
Công ty này cũng tự khẳng định "Đây là mô hình độc đáo duy nhất ở Việt Nam kỳ vọng đem tới lợi nhuận vượt bậc cho đối tác; giúp các tổ chức, cá nhân sở hữu quỹ đất “sạch” nhanh chóng trở thành chủ đầu tư bất động sản chuyên nghiệp mà không cần có nhiều kinh nghiệm, không cần bộ máy quản lý quá lớn mà vẫn đảm bảo dự án thành công với xác xuất cao nhất"
Trong khi đó, DBFS có cơ hội gia tăng thị phần cung cấp sản phẩm liên tục cho hệ thống kinh doanh.
Công ty đã tham gia phát triển một số dự án như Gem Sky World (Đồng Nai), Luxcity (Quận 7), Opal Boulevard (Bình Dương), Opal Skyline (Bình Dương), ST Moritz (Quận Thủ Đức), Opal Garden (Quận Thủ Đức).
So với báo cáo tự lập, kết quả kinh doanh của Tập đoàn Đất Xanh trong báo cáo kiểm toán không thay đổi quá lớn so với báo cáo tài chính quý 4 đã công bố trước đó. Cụ thể, trong năm 2023, doanh thu thuần của DXG đạt 3.725 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỷ, giảm 72%.
Đất Xanh cho biết nguyên nhân lợi nhuận năm 2023 giảm mạnh là vì ảnh hưởng chung của thị trường, sự hồi phục của mảng dịch vụ bất động sản trong quý 4/2023 chưa đủ bù đắp cho cả năm 2023.
Ngoài thương vụ Đất Xanh bán DBFS, một số công ty con của Tập đoàn này cũng có những thương vụ chuyển nhượng. Vào ngày 26/6/2023, Hội An Invest, công ty con của DXG, đã hoàn tất việc chuyển nhượng 99,9% cổ phần tại Sài Gòn Riverview với giá chuyển nhượng là 650 tỷ đồng, lãi 315 tỷ đồng. Vào ngày 28/12/2023, Hà An, công ty con khác của DXG, đã hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại FBV với giá chuyển nhượng là 92 tỷ, lãi 167 triệu đồng.
Tiền lãi từ việc chuyển nhượng này được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính. Năm 2023, doanh thu hoạt động tài chính của DXG đạt 409 tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2022.
Xem thêm tại cafef.vn