Thủy sản Nam Việt báo lỗ trong quý IV
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, doanh thu thuần của CTCP Nam Việt (Mã: ANV) giảm 3% so với cùng kỳ về 1.111 tỷ đồng, trong đó 2/3 đến từ xuất khẩu. Trong khi đó, giá vốn hàng bán tăng tới 10% khiến biên lãi gộp suy giảm từ 21% cùng kỳ về 10% quý này.
Doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 81% do lãi tiền gửi ngân hàng và lãi chênh lệch tỷ giá phát sinh đi xuống. Ngoài ra ANV không còn ghi nhận lợi nhuận khác khoản mục xử lý kiểm kê thừa như cùng kỳ. Kết quả cả quý, công ty lỗ 517 triệu đồng, cùng kỳ lãi gần 107 tỷ.
Lũy kế cả năm, doanh thu đạt 4.439 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ còn 42 tỷ, giảm lần lượt 9% và 94% so với năm 2022. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ 2017.
Nhìn lại năm vừa qua, đây là một năm khó khăn với ngành thủy sản của Việt Nam khi phải đối mặt với làn sóng lạm phát lan rộng trên toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm thủy sản giảm mạnh khiến cho hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng. Trong khi đó, giá cả một số hàng hóa, vật tư đầu vào vẫn còn ở mức cao, chi phí logistics leo thang gây áp lực đối với hoạt động sản xuất.
Trước ANV, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất là CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) cũng công bố lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 giảm 53% về 950 tỷ đồng, con số thấp nhất trong vòng 3 năm. Riêng quý IV chỉ lãi 66 tỷ đồng, mức đáy trong 32 quý.
Theo báo cáo mới công bố của SSI Research nhận định giá đầu vào ngành thủy sản có xu hướng giảm sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận gộp của các công ty chế biến. Tuy nhiên biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thủy sản có thể vẫn sẽ giảm so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2024 do giá bán trung bình đi xuống và mức giảm nhanh hơn so với nguyên liệu đầu vào.
Ở một khía cạnh khác, chi phí vận chuyển tăng do căng thẳng tại Biển Đỏ leo thang có thể làm suy yếu lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý I.
Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ vẫn suy yếu nên người mua có thể đàm phán với nhà cung cấp để chia sẻ gánh nặng. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý I có thể phải đối mặt với chi phí bán hàng cao hơn hoặc giá bán thấp hơn cho đến khi căng thẳng Biển Đỏ hạ nhiệt, báo cáo nêu.
Trở lại với ANV, tổng tài sản tại cuối năm 2023 đạt 5.110 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm. Trong đó hàng tồn kho chiếm tới 46% với 2.344 tỷ đồng, gần như không đổi so với ngày 1/1. Các khoản phải thu ngắn hạn xấp xỉ 364 tỷ, giảm 16%.
Tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng tại cuối kỳ trên 111 tỷ đồng, nhưng dư nợ vay tại cuối quý IV là 1.883 tỷ, chiếm 83% tổng nợ phải trả. Năm ngoái, ANV đã đi vay 4.504 tỷ đồng và trả nợ gốc 4.579 tỷ. Chi phí lãi vay trong năm là 137 tỷ đồng.
Cuối quý, vốn chủ sở hữu đạt 2.850 tỷ, với 1.335 tỷ là vốn góp và 1.521 tỷ là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Xem thêm tại vietnambiz.vn