Tích cực đẩy vốn ra thị trường

Số liệu thống kê của Ngân hàng (NH) Nhà nước cho thấy tính đến giữa tháng 6-2024, tăng trưởng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng mới đạt 3,79%. Con số này còn cách rất xa so với mục tiêu cả năm là 15%. 

Tại Nghị quyết 82/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng yêu cầu NH Nhà nước chỉ đạo các NH thương mại thực hiện hiệu quả giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp (DN), hướng tín dụng vào sản xuất - kinh doanh…

Lãi suất không phải vấn đề chính

Theo NH Nhà nước, tổng cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định. Một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất - kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân.

Các ngân hàng thương mại đang tìm nhiều cách để đẩy vốn ra nền kinh tế trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn thấp Ảnh: LAM GIANG

Các ngân hàng thương mại đang tìm nhiều cách để đẩy vốn ra nền kinh tế trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn thấp .Ảnh: LAM GIANG

Ghi nhận của phóng viên, nhu cầu vay vốn của cả khách hàng cá nhân lẫn DN ở thời điểm hiện tại đều chưa cao. Tại hội nghị đối thoại giữa chính quyền và DN trong lĩnh vực NH vừa diễn ra ở TP HCM, ông Đinh Công Khương, Chủ nhiệm CLB DN thép TP HCM, nhận định bức tranh hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều DN trong những tháng đầu năm còn khó khăn. 

DN có nhu cầu vay mới thì không đủ điều kiện về tài sản thế chấp, DN đang có dư nợ cũng khó khăn về dòng tiền trả nợ… "Lãi suất cho vay hiện không phải là vấn đề. Từ cuối năm 2023, lãi suất khoản vay của công ty tôi khoảng 10%, nay giảm còn khoảng 6%/năm là mức hợp lý" - ông Khương nói.

Khảo sát gần đây của Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) đối với các hội viên cho thấy 16% DN đang thiếu vốn kinh doanh, trong khi 50% DN khó khăn vì không có đơn hàng mới. Theo HUBA, đây chính là khó khăn lớn nhất của DN hiện nay. Bởi không có đơn hàng thì DN không có nhu cầu vay vốn, dù lãi suất vay đã giảm đáng kể so với trước.

Đáng chú ý, rất nhiều DN đang lâm vào tình trạng cạn kiệt dòng tiền. Riêng các DN bất động sản đang đối diện với khối nợ trái phiếu khổng lồ lên đến 350.876 tỉ đồng, trong đó ước tính giá trị cần xử lý năm 2024 là 99.700 tỉ đồng. 

"DN đang thiếu tiền để trả nợ các khoản nợ gốc trước đây và bổ sung vốn lưu động cho hoạt động tiếp theo. Cộng đồng DN kiến nghị Chính phủ hỗ trợ xử lý triệt để những khó khăn của thị trường như vấn đề cạn kiệt vốn đầu tư và suy giảm cầu tiêu dùng. 

Bên cạnh đó, ngoài các nguồn tài chính quen thuộc như tín dụng NH và trái phiếu DN, nhà nước cần có các cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, bảo đảm vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác (quỹ đầu tư bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản...) hay kênh khác (đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài)" - HUBA kiến nghị.

Nhiều NH thương mại cũng thừa nhận lãi suất cho vay hiện tại không phải vướng mắc trong đẩy vốn tín dụng, mấu chốt là khả năng hấp thụ vốn của DN và nền kinh tế vẫn thấp. Cán bộ một NH thương mại nói NH đã tìm đủ cách để đẩy tín dụng cá nhân, nhất là cho vay mua nhà, mua xe… nhưng không dễ vì nhu cầu thấp. Thậm chí, một số NH còn triển khai cho vay ân hạn nợ gốc 2, 3 hoặc tới 5 năm nếu vay mua nhà trong thời gian 20 - 30 năm nhưng tốc độ tăng tín dụng vẫn không đạt như kỳ vọng.

Cạnh tranh để cho vay

Ông Phạm Duy Hiếu, quyền Tổng Giám đốc ABBANK, cho biết để thúc đẩy tín dụng, NH đã rà soát các khách hàng. Khách hàng nào tốt, NH chủ động tăng hạn mức; những khách hàng có cơ hội hồi phục, NH cũng mạnh dạn cơ cấu lại theo quy định; chỉ nhóm khách hàng không thể cơ cấu lại mới tập trung thu hồi nợ. 

"Chúng tôi rất mong muốn tăng trưởng tín dụng. Việc chọn lựa đúng, chấm điểm khách hàng góp phần vào tăng trưởng tín dụng của NH. Dự kiến khoảng tháng 7-2024, NH sẽ tăng trưởng dương trở lại và cam kết đến cuối năm tăng trưởng tín dụng sẽ đạt được mức NH Nhà nước cho phép" - ông Hiếu nói.

Là một trong không nhiều NH thương mại có tốc độ tăng tín dụng khả quan từ đầu năm đến nay, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc NH Á Châu (ACB), cho hay tính đến gần cuối tháng 5-2024, tín dụng của ACB tăng khoảng 9,5% - cao hơn mức tăng chung của toàn ngành. 

Để đạt được mức tăng trên, ACB đã thúc đẩy các chương trình tín dụng ưu đãi với lãi suất cạnh tranh. Trong đó, lãi suất cho vay khách hàng DN chỉ 6%-8%/năm, khách hàng cá nhân khoảng 7%-8%/năm. Trong quý II/2024, tín dụng tại ACB tăng gấp đôi so với quý đầu năm và kỳ vọng tăng trưởng tích cực hơn trong các quý tới. 

"Chưa bao giờ cạnh tranh cho vay khốc liệt như hiện nay, nên để mở rộng được tín dụng thì lãi suất khó tăng cao. Bởi nếu một NH nâng lãi suất cho vay, ngay lập tức dòng tiền tín dụng có thể chảy sang NH khác. 

Chưa kể, các NH đang phải công bố công khai lãi suất cho vay bình quân theo yêu cầu của Chính phủ, NH Nhà nước để người dân, DN thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng… Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp ít nhất từ nay đến cuối năm" - ông Phát nhận định.

Ở góc độ quản lý, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm theo yêu cầu của Chính phủ, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết NH Nhà nước sẽ khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 nhằm bảo đảm hiệu lực thi hành luật từ ngày 1-7; đồng thời, tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng NH.

Cũng theo NH Nhà nước, các chương trình, chính sách tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội; chương trình cho vay 30.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản sẽ được quyết liệt đẩy mạnh. 

Kiểm soát chặt nợ xấu

Trong quý I/2024, một số NH ghi nhận mức nợ xấu gia tăng, như tại NH Quân đội (MB), tỉ lệ nợ xấu tăng từ 1,6% lên 2,48%. Do đó, để vừa đẩy vốn tín dụng ra thị trường vừa kiểm soát nợ xấu, đại diện NH này cho biết đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng.

"MB cũng nhận diện và giám sát sớm các biện pháp can thiệp hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn; áp dụng giải pháp tăng tốc độ xử lý, thu hồi nợ với mục tiêu duy trì nợ xấu khoảng 1,5% và tỉ lệ bao phủ nợ xấu tối thiểu 100%" - đại diện MB thông tin.

Cần vốn cho tương lai

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM (HFIC) kiêm Chủ tịch HUBA, cho biết tình hình kinh tế toàn cầu lẫn trong nước còn nhiều khó khăn nhưng cộng đồng DN rất kỳ vọng vào sự hồi phục trong tương lai. Năm ngoái, trong bối cảnh thị trường sụt giảm, DN luôn đặt câu hỏi vay vốn để làm gì?

Hiện nay, nhiều DN cho hay nhu cầu vay vốn không chỉ để giải quyết chuyện mua bán kinh doanh hiện tại mà để đầu tư đón đầu nhu cầu thị trường trong tương lai. Xu hướng hiện nay là sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, nếu năm 2025 thị trường hồi phục mà DN chưa "xanh" thì sẽ mất cơ hội bán hàng ở nhiều thị trường xuất khẩu và cả thị trường nội địa.

Các DN đầu tư chuyển đổi xanh để có được sản phẩm phù hợp, đón đầu chu kỳ tăng trưởng tiếp theo của nền kinh tế. Do đó, cần có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều DN và nhà nước, có chính sách hỗ trợ vốn cho các chương trình kích cầu và cho các chương trình xử lý vệ sinh môi trường, nạn rác thải của TP HCM...

"HFIC đã ký hợp tác với HUBA triển khai và thành lập tổ công tác để tư vấn cho DN, xử lý các phát sinh trong quá trình tương tác giữa người vay và người cho vay. HFIC cũng đã ký hợp tác với các NH để hợp vốn, bảo đảm chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn cho nhu cầu đầu tư, vay vốn.

Chúng tôi cũng tổ chức sinh hoạt chuyên đề với các đơn vị trong một số ngành để giới thiệu chương trình cho vay và lắng nghe nhu cầu đầu tư của các đơn vị, DN. Chúng tôi cũng đã phối hợp với các sở, ngành tham mưu dự thảo về chương trình cho UBND TP HCM, hy vọng trong tháng tới, UBND thành phố sẽ có quyết định triển khai chương trình này" - ông Nguyễn Ngọc Hòa nói.


Xem thêm tại cafef.vn