Tiềm lực nhà đầu tư khu đô thị 2.000 tỷ ở Huế
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng được xây dựng trên diện tích gần 25 ha, có 3 mặt tiếp giáp 3 trục đường là huyết mạch giao thông của TP. Huế gồm: Tố Hữu, Võ Văn Kiệt, Hoàng Quốc Việt và 1 mặt tiếp giáp với đường lớn, quy mô dân số khoảng 3.400 người.
Dự án được chia thành 6 phân khu, trong đó phân khu vùng lõi bao gồm 72 căn biệt thự thiết kế độc bản, sang trọng, đẳng cấp được bao quanh bởi con sông rộng lớn. Theo đại diện nhà phát triển BGI Group, dự án sẽ cung cấp cho thị trường Huế 425 sản phẩm nhà ở thấp tầng cao cấp bao gồm các loại hình sản phẩm: Biệt thự, nhà phố và nhà vườn liên kế và gần 1.000 căn nhà ở xã hội.
Được biết, dự án BGI Diamond bay được đầu tư bởi liên danh IUC Group - Tập đoàn Nam Mê Kông và được phát triển bởi BGI Group.
Tại Huế, dự án đầu tiên mang dấu ấn của BGI và IUC là dự án BGI Topaz Downtown với tổng mức đầu tư hơn 630 tỷ đồng, tại khu A, Khu đô thị mới An Vân Dương.
Dự án này có tổng diện tích 13,4 ha với 18 ô quy hoạch khu nhà ở liền kề có diện tích khoảng 2,9 ha đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh cảnh quan. Toàn bộ dự án có 220 căn nhà shophouse, nhà liền kề, vườn hoa, cây xanh. Theo dự kiến dự án này sẽ hoàn thành vào quý III/2024.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, BGI và IUC và Nam Mê Kông đều từng là thành viên của Tổng công ty Vinaconex. Năm 2014, Vinaconex thoái vốn tại IUC, năm 2015 thoái hơn 51,4% khỏi Nam Mê Kông và năm 2017 thoái hết vốn tại BGI.
Được biết, IUC có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực sàn giao dịch bất động sản với các dự án của Vinaconex, Vimeco, Vinaconex 1, Vinaconex 3, BGI... Hiện IUC là chủ đầu tư của một loạt dự án, trong đó có tại Khu A và Khu E Khu đô thị mới An Vân Dương (Huế), nhưng tất cả các tên thương mại đều lấy BGI. Nếu xét về quy mô, thì IUC có vốn điều lệ 750 tỷ đồng, cao hơn vốn điều lệ của BGI. Hiện, bà Nguyễn Thị Hoài Thu (SN 1981 – Hà Nội) làm người đại diện theo pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT IUC.
Trong khi đó, sau khi Vinaconex thoái 100% vốn tại BGI vào năm 2017 thì đến năm 2020, ban lãnh đạo mới của công ty này mới triển khai tái cấu trúc mô hình công ty và đổi tên thành CTCP Tập đoàn BGI (BGI Group).
Sau tái cấu trúc, BGI hoạt động theo mô hình Holdings với 3 trụ cột chính: Bất động sản - xây dựng - sản xuất và kinh doanh VLXD.
Kể từ đó, BGI phát triển mạnh mẽ với sự xuất hiện của các công ty trong hệ sinh thái đa ngành mang thương hiệu BGI như: BGI Construction – thành viên thi công xây dựng công trình; BGI Materials – thành viên sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng; BGI Invest – doanh nghiệp chuyên nghiệp trong đầu tư phát triển các dự án BĐS.
Tại thời điểm tháng 12/2023, BGI có vốn điều lệ gần 961 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật là ông Hoàng Trọng Đức (SN 1975) có cùng địa chỉ nhà với bà Nguyễn Thị Hoài Thu (Chủ tịch HĐQT của IUC).
Ngoài BGI, ông Đức còn là Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của Công ty TNHH Xây dựng Hiệp Xuân, Công ty TNHH Thiết kế, kiến trúc và Thương mại Bằng Lăng, Công ty TNHH Bất động sản Việt Yên...
Xem thêm tại nhadautu.vn