Tiền ào ào tới, cổ phiếu HNG ‘tím ngắt’ ngay trong phiên đầu tiên năm 2025

Thời gian gần đây, cổ phiếu HNG liên tục ghi nhận đà bứt phá cùng thanh khoản tăng đột biến và thường xuyên lọt top giao dịch sôi động nhất trên thị trường, mặc dù đây là cổ phiếu trên thị trường UPCoM.

Cổ phiếu HNG đã bị huỷ niêm yết bắt buộc với lý do ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tiếp (2021, 2022, 2023), và giao dịch trên UPCoM kể từ ngày 18/9.

-2358-1735792595.jpg

Thanh khoản đứng đầu toàn thị trường giúp cổ phiếu HNG tăng kịch trần.

Đáng chú ý, trong thông tin mới đây, HAGL Agrico thông báo cho biết, tính đến ngày 31/12/2024, đã thanh toán toàn bộ các khoản nợ theo thỏa thuận và không còn phát sinh công nợ với CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG).

Qua đó, HAGL Agrico đã hoàn tất nghĩa vụ trả nợ với số tiền lên đến 4.228 tỷ đồng theo thỏa thuận cam kết ba bên với Ngân hàng BIDV và Hoàng Anh Gia Lai. Trong đó, HAGL Agrico thanh toán khoản vay trực tiếp cho Ngân hàng BIDV là 2.094 tỷ đồng, và thanh toán nợ cho Hoàng Anh Gia Lai liên quan đến lô trái phiếu có mã HAGLBOND16.26 là 2.314 tỷ đồng.

Hoàng Anh Gia Lai cũng vừa có xác nhận HAGL Agrico đã thanh toán khoản tiền hơn 1.000 tỷ đồng nhằm thanh toán một phần lô trái phiếu HAGLBOND16.26 cho trái chủ là Ngân hàng BIDV.

Sau khi thanh toán hết nợ, HAGL Agrico cũng cho biết, sẽ nhận về một số tài sản theo 04 đợt bàn giao. Cụ thể, trong Đợt 1, công ty sẽ được nhận quyền sử dụng đất và quyền khai thác 5.357 ha cọ dầu trên diện tích 9.470 ha; văn phòng, nhà máy cọ dầu, nhà máy nhiệt điện thuộc sở hữu của HA Andong Meas.

Trong Đợt 2, HAGL Agrico sẽ nhận về quyền sử dụng đất và khai thác 9.231 ha cao su và hơn 9.996 ha cọ dầu tại tỉnh Attapeu, Lào. Trong Đợt 3, công ty tiếp tục nhận về quyền sử dụng đất và khai thác 4.733 ha cao su và 3.155 ha cọ dầu tại tỉnh Attapeu của Công ty Hoàng Anh Attapeu.

Còn ở Đợt 4, HAGL Agrico cho biết đang trong quá trình làm thủ tục với BIDV để nhận lại các tài sản như quyền sử dụng đất và quyền khai thác cao su trên diện tích 4.852 ha thuộc sở hữu của HA Quang Minh, quyền sử dụng đất và quyền khai thác cao su trên diện tích 1.960 ha thuộc sở hữu Công ty TNHH Heng Brother và quyền sử dụng đất và quyền khai thác cao su trên diện tích 3.283 ha thuộc sở hữu Công ty TNHH CRD.

Như vậy, HAGL Agrico dự kiến nhận về tổng cộng 42.567 ha đất cây trồng công nghiệp, gồm hơn 18.500 ha cọ dầu và hơn 24.000 ha cao su.

HAGL Agrico trước đây là CTCP Cao su Hoàng Anh Gia Lai, sau đó chuyển nhượng cho công ty của tỷ phú Trần Bá Dương - Chủ tịch CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco). Sau thời gian chồng chéo mối quan hệ, đến tháng 8/2022, HAGL Agrico do ông Trần Bá Dương làm chủ tịch và Hoàng Anh Gia Lai do ông Đoàn Nguyên Đức đã cam kết tách bạch tài sản cầm cố và nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng BIDV.

HAGL Agrico dồn tiền trả nợ bất chấp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi ghi nhận kinh doanh thua lỗ suốt 14 quý vừa qua.

Trong quý III/2024, doanh thu thuần của công ty đạt 141 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Do kinh doanh dưới giá vốn, công ty lỗ gộp 47 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn giảm đáng kể so với mức lỗ gộp 101 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023.

Trừ đi chi phí, công ty báo lỗ sau thuế 182 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức lỗ năm ngoái là 199 tỷ đồng. Đây là quý thứ 14 liên tiếp công ty báo lỗ, nâng số lỗ lũy kế tại ngày 30/9/2024 lên 8.648 tỷ đồng.

Năm 2024, HAGL Agrico đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 694 tỷ đồng và lỗ trước thuế ở mức 120 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 quý đầu năm, công ty mới chỉ hoàn thành 41,5% kế hoạch doanh thu và lỗ nặng hơn nhiều so với chỉ tiêu lỗ kế hoạch đã đặt ra.

Châu Giang

Xem thêm tại vnbusiness.vn