Tiền bắt đầu ngần ngại, thanh khoản sụt giảm mạnh, cổ phiếu điều chỉnh
VN-Index chốt phiên sáng nay đã kịp “rướn” lên trên tham chiếu 0,72 điểm nhờ lực kéo của một số cổ phiếu lớn. Tuy nhiên độ rộng vẫn xác nhận cổ phiếu đỏ nhiều hơn xanh. Đặc biệt thanh khoản khớp lệnh HoSE giảm tới 21% so với sáng hôm qua cho thấy nhu cầu mua đuổi giá đã suy yếu nhiều.
Nhịp tăng bứt tốc trong 4 phiên liền đã đưa VN-Index tiến sát vào vùng đỉnh 1300 điểm. Đây là vùng đã 3 lần chặn đứng chỉ số trong năm nay. Nhà đầu tư quay lại thận trọng là điều hoàn toàn dễ hiểu, vì thực chất rất nhiều cổ phiếu còn lâu mới quay lại đỉnh cao của mình, dù VN-Index đang ngấp nghé đỉnh cũ.
Mặt khác, sức mạnh của nhóm cổ phiếu dẫn dắt ở nhịp tăng này là ngân hàng lại tỏ ra đuối sức khá nhanh. Sáng nay TCB tăng 2,5% là trụ mạnh nhất, kéo lại 0,95 điểm trong khi tổng tăng của VN-Index là 0,72 điểm. Tuy nhiên các blue-chips ngân hàng khác thì suy yếu rõ: VCB giảm 0,11%, BID giảm 0,59%, MBB giảm 0,2%, STB giảm 0,17% hoặc nhiều mã tăng quá kém. SSB, BVB, VIB, ABB, VAB vẫn đang tăng trên 1% nhưng sức ảnh hưởng tới chỉ số là rất hạn chế.
VN30-Index chốt phiên sáng đang tăng 0,29% với 11 mã tăng/16 mã giảm. Độ rộng kém nhưng điểm số vẫn xanh là nhờ có trụ kéo. Ngoài TCB, VRE cũng đột biến tăng 5,29%. Thêm nữa, SSB gần như không đáng kể trong VN-Index nhưng lại khá lớn trong VN30-Index, mức tăng 3,46% đem lại hơn 1,1 điểm cho chỉ số này trong khi chỉ giúp VN-Index có được 0,4 điểm.
Nhóm blue-chips VN30 vẫn đang cố gắng giữ nhịp nhưng sức mạnh không còn duy trì được tốt. Trừ SSB, tất cả 29 mã còn lại đều tụt giá với mức độ khác nhau. Thậm chí mạnh nhất như VRE cũng đã lùi lại khoảng 1,24% so với giá đỉnh, TCB cũng trả lại khoảng 0,44% so với mức cao nhất.
Dòng tiền vào nhóm blue-chips cũng đang suy giảm, tổng khớp rổ VN30 thấp hơn sáng hôm qua khoảng 7% ngay cả khi VRE đột biến. Cổ phiếu này thanh khoản gấp 7,1 lần sáng hôm qua, đạt gần 334,1 tỷ đồng. TCB cũng tăng 2,5 lần giá trị khớp lệnh. Điều đó nghĩa là các cổ phiếu còn lại trong rổ sụt giảm rất đáng kể. Sức mua suy yếu khiến giá rơi vào nhịp điều chỉnh sau diễn biến tăng ít phút đầu tiên.
Tổng thể sàn HoSE cũng sụt giảm giao dịch tới 21% so với sáng hôm qua, chỉ đạt khoảng 6.765 tỷ đồng. Rổ VN30 giảm tuyệt đối 229,8 tỷ đồng trong khi sàn HoSE giảm 1.801 tỷ đồng. Như vậy các nhóm cổ phiếu còn lại cũng đang có dòng tiền co lại rõ rệt.
Độ rộng VN-Index lúc kết phiên sáng ghi nhận 164 mã tăng/228 mã giảm, cũng đã có cải thiện chút ít. Thời điểm chỉ số giảm sâu nhất mất 3,6 điểm, độ rộng là 124 mã tăng/256 mã giảm. Nhịp phục hồi cuối kéo chỉ số nhích qua tham chiếu nhưng không nhiều cổ phiếu đảo chiều theo.
Điểm tích cực là số mã giảm mạnh cũng rất ít, toàn sàn HoSE mới có 54 mã giảm quá 1% tập trung 7,7% tổng giá trị khớp của sàn. Biên độ giảm nhẹ với nền thanh khoản thấp phản ánh diễn biến giá suy yếu vì thiếu cầu chưa chưa phải là hàng xả quá lớn. Ngoài ra chỉ 10 trong số 54 mã này đạt thanh khoản quá được 10 tỷ đồng, dẫn đầu là VNM giảm 1,2% với 190,2 tỷ, cổ phiếu thứ 2 là PVD giảm 1,25% giao dịch chỉ 56,4 tỷ đồng.
Ngược lại lực mua kém cũng khiến nhóm tăng giá cũng chỉ có 51 mã tăng quá 1%. Tuy nhiên dòng tiền ở nhóm này khá tập trung, nên xuất hiện nhiều cổ phiếu giao dịch sôi động. Trừ hai mã dẫn đầu là VRE và TCB, có thể kể tới NVL tăng 2,38% khớp 143,9 tỷ; DIG tăng 1,02% khớp 135,4 tỷ; HDG tăng 1,58% với 90,3 tỷ; CMG tăng 3,8% với 67 tỷ.
Hiện tại diễn biến điều chỉnh ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ là khá rõ, dù trạng thái phân hóa vẫn đang tạo cơ hội đi lên cao hơn ở một số cổ phiếu. Nhìn từ bình diện chung thì độ rộng nghiêng về phía giảm ở các nhóm này đồng nghĩa với rủi ro lên cao hơn, còn lại tùy thuộc vào cổ phiếu được nắm giữ. VN-Index phụ thuộc lớn vào các mã trụ và ngân hàng đang chưa thể hiện được sức mạnh bền vững đúng vào thời điểm quan trọng nhất.
Xem thêm tại vneconomy.vn