Tiền đâu Novaland mua lại trước hạn ngàn tỷ trái phiếu?

Tuần qua, VN-Index giảm 20,55 điểm xuống mức 1.254,59 điểm. Tương tự, HNX-Index giảm 3,47 điểm xuống còn 225.66 điểm. Thanh khoản giảm trong những phiên đầu tuần và tăng mạnh trong phiên cuối tuần, thể hiện áp lực điều chỉnh ở nhiều nhóm ngành.

Thống kê trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng 31,58 triệu đơn vị, giá trị bán ròng hơn 774 tỷ đồng. Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng 1,22 triệu đơn vị, giá trị bán ròng đạt 6,43 tỷ đồng.

Trên thị trường Upcom, khối ngoại đã bán ròng 72.620 đơn vị nhưng tổng giá trị là mua ròng 4,35 tỷ đồng. Như vậy, tuần qua giao dịch từ ngày 30/12/2024 - 3/1 trên toàn thị trường, khối ngoại đã bán ròng 32,87 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng hơn 776 tỷ đồng.

Thương vụ ngàn tỷ

Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL) vừa thông qua điều chỉnh giá và tỷ lệ chuyển đổi của gói trái phiếu chuyển đổi quốc tế 300 triệu USD, có hiệu lực từ ngày 5/1.

Tiền đâu Novaland mua lại trước hạn ngàn tỷ trái phiếu? ảnh 1

Novaland điều chỉnh giá và tỷ lệ chuyển đổi của gói trái phiếu chuyển đổi quốc tế trị giá 300 triệu USD.

Theo đó, giá chuyển đổi mới là 36.000 đồng/cổ phiếu, theo tỷ giá cố định tại thời điểm chuyển đổi là 24.960 VND/USD. Giá chuyển đổi này gấp 3,5 lần thị giá cổ phiếu NVL trong phiên 31/12/2024 nhưng thấp hơn 10% so với giá chuyển đổi ban đầu là 40.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, tỷ lệ chuyển đổi mới của gói trái phiếu là 149.038 cổ phiếu/trái phiếu, nhiều hơn khoảng 11% so với tỷ lệ ban đầu (134.135 cổ phiếu /trái phiếu). Với thay đổi giá và tỷ lệ này, số tiền cuối cùng 1 trái phiếu sau chuyển đổi nhận được so với trước đó gần như không có nhiều chênh lệch.

Hồi tháng 7/2024, NVL cho biết đã chính thức hoàn thành thỏa thuận tái cấu trúc gói trái phiếu chuyển đổi trị giá 298,6 triệu USD với lãi suất 5,25% và đáo hạn vào năm 2026 được quyền chuyển đổi thành cổ phần phổ thông của công ty. Đây là gói trái phiếu chuyển đổi quốc tế Novaland đã đạt được đồng thuận tái cơ cấu và nhận được phê duyệt từ Tòa Thương mại Quốc tế Singapore (SICC) vào cuối tháng 4/2024.

Ngoài việc điều chỉnh giá và tỷ lệ chuyển đổi của gói trái phiếu chuyển đổi quốc tế 300 triệu USD, vào ngày 27/12/2024, Novaland cũng chấp thuận mua lại trước hạn tối đa 7.000 tỷ đồng (theo mệnh giá) đối với 21 lô trái phiếu được phát hành từ năm 2020.

21 lô trái phiếu của NVL có giá trị từ 100 - 480 tỷ đồng, phát hành trong giai đoạn từ tháng 6 - 8/2020. Trái chủ nhận lãi suất ban đầu 11%/năm. Toàn bộ được đảm bảo bằng tài sản và do Chứng khoán VPS khi đó làm đại lý phát hành.

Dự kiến từ nay đến ngày 30/1, NVL sẽ thoả thuận với người sở hữu trái phiếu để mua lại với giá bằng 100% mệnh giá cộng với tiền lãi phát sinh tính đến ngày mua lại trước hạn.

Tiền đâu Novaland mua lại trước hạn ngàn tỷ trái phiếu? ảnh 2

Novaland cũng mua lại trước hạn tối đa 7.000 tỷ đồng (theo mệnh giá) đối với 21 lô trái phiếu được phát hành từ năm 2020.

Quý III/2024, Novaland đạt doanh thu gấp đôi cùng kỳ năm trước, lên 2.010 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính đột biến lên 3.898 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ. Nhờ đó, Novaland đạt lãi sau thuế 2.950 tỷ đồng (gấp gần 22 lần so với cùng kỳ), lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 3.120 tỷ đồng (gấp 18 lần cùng kỳ năm trước).

Tại thời điểm ngày 30/9/2024, tổng tài sản của Novaland ở mức hơn 232.000 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Ở chiều ngược lại, tiền mặt của Novaland tăng 11% lên 3.900 tỷ đồng và hàng tồn kho tăng 4%, lên 145.000 tỷ đồng. Nợ phải trả giảm 2% về 191.400 tỷ đồng.

Đua nhau mua cổ phiếu

Ông Vũ Dương Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Hapaco (mã chứng khoán: HAP) - đăng ký mua 10.465.410 cổ phiếu HAP để nâng sở hữu lên 22,35% vốn điều lệ. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 7/1 - 5/2. Ước tính Chủ tịch Hapaco sẽ bỏ ra khoảng 48 tỷ đồng để mua vào lượng cổ phiếu đăng ký.

Ông Vũ Dương Hiền năm nay 82 tuổi, có học vị tiến sĩ Kinh tế. Ngoài chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Hapaco, ông Hiền đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Hải Phòng.

Công ty CP Nước Thủ Dầu Một (mã chứng khoán: TDM) tiếp tục mở rộng hệ sinh thái cấp nước ở các tỉnh, thành sau khi đã mua hơn 6,4 triệu cổ phiếu, tương ứng 22,96% vốn của Công ty CP Cấp thoát nước Cần Thơ (mã chứng khoán: CTW) từ 5 nhà đầu tư với giá 30.400 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị của thương vụ này khoảng 195 tỷ đồng.

Tiền đâu Novaland mua lại trước hạn ngàn tỷ trái phiếu? ảnh 3

Công ty CP Nước Thủ Dầu Một trở thành cổ đông lớn của Công ty CP Cấp thoát nước Cần Thơ.

Trước giao dịch, TDM không sở hữu cổ phần CTW nào nhưng công ty liên kết của Nước Thủ Dầu Một là Tổng công ty Nước Môi trường Bình Dương (Biwase - mã chứng khoán: BWE) sở hữu 6,9 triệu cổ phần CTW, tương đương 24,64% vốn.

Sau giao dịch, Cấp thoát nước Cần Thơ trở thành công ty liên kết thứ 7 của TDM với tỷ lệ sở hữu 22,96%. Cộng thêm cổ đông liên quan là Biwase thì nhóm cổ đông TDM đã nắm 47,6% vốn CTW.

Quỹ Pyn Elite Fund (Non-Ucits) mua thêm 2 triệu cổ phiếu DBC của Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã chứng khoán: DBC) để nâng sở hữu từ 5,8% lên 6,4% vốn điều lệ.

Trước đó vào ngày 17/10/2024, Quỹ Pyn Elite Fund (Non-Ucits) cũng đã bán ra 2 triệu cổ phiếu DBC. Ngày 5/11, Quỹ Pyn Elite Fund (Non-Ucits) bán ra 1 triệu cổ phiếu DBC và tiếp tục bán ra thêm 1,1 triệu cổ phiếu DBC vào ngày 7/11.

Xem thêm tại tienphong.vn