Tiền gửi vẫn chảy mạnh vào ngân hàng

Đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. Tiền gửi của các tổ chức kinh tế có sự cải thiện, hết tháng 8/2024 đạt hơn 6,83 triệu tỷ đồng (tháng 7 đạt hơn 6,76 triệu tỷ đồng). Nếu so với cuối năm 2023, tiền gửi các tổ chức kinh tế chỉ giảm nhẹ 0,05%. Có thể thấy, tiền gửi của tổ chức kinh tế đang có xu hướng quay trở lại hệ thống ngân hàng kể từ quý II/2024 trở lại đây (chỉ từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8, các tổ chức kinh tế gửi thêm vào ngân hàng gần 70 nghìn tỷ đồng). Tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và các tổ chức kinh tế đến cuối tháng 8 ở mức kỷ lục hơn 13,75 triệu tỷ đồng. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay.

Tiền gửi vẫn chảy mạnh vào ngân hàng- Ảnh 1.

Gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn

Một trong những lý do chính khiến kênh tiết kiệm trở nên hấp dẫn hơn, lượng tiền gửi vào ngân hàng tăng liên tiếp trong thời gian qua là lãi suất tiền gửi tăng. Như Viet A Bank vừa thông báo tăng lãi suất tiết kiệm tại tất cả kỳ hạn kể từ ngày 13/11/2024. Các kỳ hạn từ 1-8 tháng lãi suất tăng từ 0,3-0,4%/năm dao động ở mức 3,7% - 5,2%/năm; riêng lãi suất kỳ hạn 9 - 11 tháng, ngân hàng này tăng 0,6% lên 5,4%/năm. MB vừa chính thức tăng lãi suất huy động cho nhiều kỳ hạn tiền gửi ngắn 1 - 4 tháng được điều chỉnh tăng thêm 0,2%/năm. Tính từ đầu tháng 11 trở lại đây, ngoài 2 ngân hàng trên còn có 4 nhà băng khác điều chỉnh lãi suất tiết kiệm gồm VIB, Techcombank, ABBank và VietBank. Còn so với đầu năm 2024, lãi suất huy động các kỳ hạn tại nhiều ngân hàng đã tăng từ 0,5% đến 1%/năm, qua đó tăng sức hấp dẫn hơn đối với kênh tiết kiệm.

Ngoài lãi suất hấp dẫn hơn, một nguyên nhân nữa khiến cho kênh tiết kiệm “hút khách” thay vì các kênh đầu tư khác là bảo toàn được đồng vốn. Hiện tại các kênh đầu tư đều đang tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Đối với vàng, người dân cũng đang rất dè chừng sau khi giá vàng giảm sốc gần chục triệu đồng/lượng chỉ sau vài ngày. Kênh bất động sản tuy đã khởi sắc hơn, song thanh khoản vẫn rất thấp. Bên cạnh đó, kênh đầu tư này đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn nên cũng không phù hợp với đa số người dân.

Tương tự thị trường chứng khoán vẫn chưa thể vượt qua ngưỡng 1.300 điểm và đang “mất hút” thanh khoản, điểm số trồi sụt khiến nhiều nhà đầu tư e ngại. Trái phiếu doanh nghiệp tuy có sự cải thiện nhưng niềm tin của người dân vào kênh đầu tư này vẫn thấp nên còn ảm đạm. “Trong bối cảnh kinh tế bất định, kênh đầu tư tiềm ẩn rủi ro, dòng tiền sẽ chọn quay về ngân hàng để chờ đợi các cơ hội đầu tư tốt hơn trong tương lai. Nhất là lãi suất tiết kiệm nhích lên đang là một lựa chọn an toàn cho dòng tiền nhàn rỗi”, một chuyên gia nhận định.

Anh Ngọc - một nhà đầu tư chia sẻ, đối với thị trường chứng khoán dòng tiền rất quan trọng. Khi dòng tiền suy giảm mạnh thì cơ hội đầu tư sinh lời không cao trong khi rủi ro lớn nên tôi đã bán hết cổ phiếu tạm thời gửi tiết kiệm đảm bảo an toàn vốn mà vẫn có lời. Đợi khi nào giá cổ phiếu chiết khấu tốt hơn thì quay lại đầu tư. Đây là lựa chọn phổ biến của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện nay khi các kênh đầu tư khác vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Với sự biến động mạnh của thị trường chứng khoán và sự yếu kém về thanh khoản, theo quan điểm của PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, nhà đầu tư khó kiếm lợi nhuận, thậm chí đối mặt với rủi ro mất vốn. Trong khi lãi suất tiết kiệm nhích lên lại tạo thêm sức hút, giúp họ an tâm giữ vốn.

Trong giai đoạn cuối năm 2024, nhiều chuyên gia tài chính nhận định, nhà đầu tư nên ưu tiên giữ tỷ trọng cao vào các tài sản có tính thanh khoản cao như tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Nhất là khi dự báo cũng như thực tế cho thấy nhiều ngân hàng đang điều chỉnh lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn ngắn và trung hạn nhằm thu hút vốn đảm bảo cung cấp đủ tín dụng cho các hoạt động sản xuất và đầu tư của khách hàng trong giai đoạn cuối năm cũng như giữ thanh khoản ổn định.

Theo VDSC, việc tăng lãi suất đầu vào là cần thiết để giữ thanh khoản ổn định trong bối cảnh nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp tăng cao dịp cuối năm. Điều này cũng cho thấy sự linh hoạt của ngân hàng trong việc đảm bảo nguồn vốn để phục vụ nền kinh tế, đồng thời duy trì sự an toàn và tính thanh khoản cho hệ thống.

Xem thêm tại cafef.vn