Tiền ngân hàng đổ mạnh vào các CTCK

Empty

CTCK đẩy mạnh vay nợ ngân hàng trong bối cảnh lãi suất thấp. Ảnh: Trọng Hiếu

Trong bối cảnh thanh khoản dư thừa, nhu cầu tín dụng còn yếu ở các lĩnh vực khác thì nhóm công ty chứng khoán là đối tượng khách hàng vay tiềm năng của ngân hàng.

Theo thống kê của Nhadautu.vn trên 30 công ty chứng khoán lớn, tổng dư nợ vay đạt 202.480 tỷ đồng, tăng thêm 74.396 tỷ đồng so với đầu năm (tăng 58%). Nợ vay của các công ty chứng khoán chủ yếu là ngắn hạn và vay ngân hàng, chỉ một vài đơn vị vay trái phiếu dài hạn.

Dẫn đầu dư nợ vay là Chứng khoán SSI (mã: SSI). Tại thời điểm cuối năm 2023, công ty mẹ SSI có khoản vay ngắn hạn 43.169 tỷ đồng, tăng thêm 15.277 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, chỉ có vay khác 3.495 tỷ đồng, còn lại là vay ngân hàng với lãi suất dưới 9,3% (thấu chi) và 8,3% (vay ngắn hạn) mỗi năm. 3 ngân hàng cho SSI vay lớn nhất gồm Vietcombank (9.275 tỷ đồng), BIDV (7.900 tỷ đồng) và VietinBank (9.989 tỷ đồng).

Ngày 17/1 vừa qua, HĐQT công ty vừa thông qua việc vay vốn tại Techcombank trong thời hạn 12 tháng với số dư tại mọi thời điểm không vượt quá 5.800 tỷ đồng. Mục đích đầu tư, kinh doanh của công ty và phù hợp với quy định của ngân hàng.

Nhờ vậy, SSI đã có thêm nguồn lực bổ sung vào hoạt động cho vay tăng từ 11.057 tỷ đồng lên 15.134 tỷ đồng, hoạt động đầu tư cũng tăng từ 33.700 tỷ đồng lên hơn 48.500 tỷ đồng (tập trung chủ yếu vào chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu chưa niêm yết).

Đơn vị tiếp theo có dư nợ vay tăng mạnh là Chứng khoán Techcombank (TCBS). Tổng nợ vay của TCBS vào cuối năm 2023 ở mức 19.018 tỷ đồng, tăng thêm 10.438 tỷ đồng so với đầu năm. Công ty vay nợ ngắn hạn 18.061 tỷ đồng và phát hành trái phiếu dài hạn 956 tỷ đồng.

Đầu năm, TCBS chỉ có khoản vay ngắn hạn bằng USD trị giá 6.871 tỷ đồng tại Ngân hàng Quốc tế Taishin nhưng trong năm đã phát sinh khoản vay ở loạt ngân hàng khác như Ngân hàng HSBC, Ngân hàng Sumitomo Mitsui, TPBank, VPBank, Vietcombank, HDBank… Công ty cho biết lãi suất vay USD từ 4,85% đến 12,5% và VND từ 3,5% đến 12% mỗi năm.

Đối với khoản vay USD, công ty đã thực hiện phòng ngừa rủi ro lãi suất bởi hợp đồng hoán đổi tiền tệ chéo bằng ngoại tệ, hợp đồng kỳ hạn ngoại tệ với Tecombank và các ngân hàng thương mại khác.

Tương tự SSI, TCBS cũng đã tăng quy mô cho vay hoạt động ký quỹ gần gấp đôi từ 8.362 tỷ đồng lên 16.263 tỷ đồng. Tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) tăng từ 10.524 tỷ lên 15.061 tỷ đồng.

ctck-no

Chứng khoán ACB (ACBS) tăng mạnh quy mô tổng tài sản trong năm 2023 từ 5.650 tỷ đồng lên 11.773 tỷ đồng, hơn gấp đôi. Một phần được ngân hàng mẹ - ACB rót thêm 1.000 tỷ đồng tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng. Một phần doanh nghiệp tăng mạnh nợ vay từ 1.343 tỷ đồng lên 5.923 tỷ đồng, tức gấp 4,4 lần.

Vietcombank, BIDV và VietinBank là chủ nợ lớn của ACBS. Trong năm, công ty đã vay 3 chủ nợ trên gần 12.000 tỷ đồng, trả 9.300 tỷ đồng, dư nợ cuối kỳ 2.800 tỷ đồng. Lãi suất vay của các ngân hàng trên khá ưu đãi từ 3,2% đến 5,8% mỗi năm.

Trong năm nay, ngân hàng mẹ ACB sẽ rót thêm 3.000 tỷ đồng để tăng vốn ACBS lên 7.000 tỷ đồng. Ngoài ra, cuối năm trước, HĐQT ACBS thông qua vay vốn tại 3 ngân hàng với tổng số tiền 9.000 tỷ đồng, gồm BIDV (5.000 tỷ), VietinBank (3.000 tỷ) và Ngân hàng TNHH Indovina (1.000 tỷ). Mục tiêu là để tài trợ vốn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh mua bán giấy tờ có giá…

Tại thời điểm cuối năm 2023, quy mô hoạt đông cho vay của ACBS đạt 4.575 tỷ đồng, hơn gấp đôi đầu năm; hoạt động đầu tư (bao gồm FVTPL, HTM) đạt 6.435 tỷ đồng, gấp 2,3 lần.

Việc các CTCK tận dụng thời điểm lãi suất thấp, thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa để tăng mạnh nợ vay đã đem lại hiệu quả nhất định. Nhiều công ty ghi nhận tăng trưởng doanh thu từ hoạt động cho vay hay hiệu quả đầu tư, qua đó đóng góp vào lợi nhuận chung.

BCTC quý IV/2023 cho thấy có hàng loạt đơn vị báo lãi tăng bằng lần trong quý IV như SSI, KIS, BSC, Kafi… hay chuyển lỗ thành lãi như VIX, VDSC, KBSV… Xét cả năm, số lượng doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng, chuyển lỗ thành lãi áp đảo so với doanh nghiệp giảm lãi. Thống kê trên 50 công ty chứng khoán đã công bố BCTC quý IV/2023 thì chỉ có 36% có kết quả kinh doanh năm 2023 kém hơn 2022.

Xem thêm tại nhadautu.vn