Tiền tiếp tục vào mạnh, sẵn sàng chờ đón phiên T+
Chiều nay sẽ là phiên lượng thanh khoản khổng lồ hôm 4/1 về tài khoản và ngay từ sáng đã xuất hiện lực bán tăng lên. Các chỉ số lẫn cổ phiếu trượt giá dần trong nửa sau phiên sáng dù mức độ chưa mạnh. Thanh khoản hai sàn đã tăng hơn 21% cho thấy dòng tiền vẫn đang sẵn sàng đón nhận khối lượng ngắn hạn thoát ra.
VN-Index tạo hai đỉnh cao trong phiên sáng, tăng tối đa khoảng 0,68% so với tham chiếu, nhưng chốt phiên sáng còn tăng 0,29%. Tại đỉnh đầu tiên độ rộng chỉ số là 305 mã tăng/65 mã giảm, tại đỉnh thứ hai là 322 mã tăng/126 mã giảm. Chốt phiên còn 273 mã tăng/174 mã giảm.
Như vậy độ rộng thay đổi phù hợp với diễn biến hạ độ cao ở chỉ số, cho thấy tác động của các giao dịch chốt lời ngắn hạn đang diễn ra chứ không đơn thuần là ép trụ. Dĩ nhiên các blue-chips vẫn đang là yếu tố kiềm chế chỉ số rõ nhất. VN30-Index tại đỉnh tăng 0,76%, chốt phiên sáng còn 0,15%, độ rộng 13 mã tăng/10 mã giảm.
Thống kê với nhóm VN30, một nửa cổ phiếu trong rổ (15 mã) trượt giá ít nhất 1% so với mức đỉnh đầu phiên. Nhóm cổ phiếu ngân hàng thoái lui khá rõ vì đầu phiên tăng mạnh. CTG tụt khoảng 2,01% so với mức đỉnh và còn tăng 0,69% so với tham chiếu. SHB tụt 1,7% quay về tham chiếu. TPB tụt 1,37% và thủng cả tham chiếu, giảm 0,28%. ACB cũng tương tự, tụt 1,36% thành giảm 0,2%. MBB, HDB, SSB cũng bị ép mạnh mất hết đà tăng. TCB, VCB, VPB điều chỉnh nhẹ nhất và vẫn còn tăng khá. Các trụ khác như VIC, VHM, HPG, BID cũng tác động khá xấu lên chỉ số VN-Index do mất lực tăng.
Mặc dù mức độ trượt giá luôn thể hiện yếu tố áp đảo từ phía bán, nhưng việc cổ phiếu vẫn giữ được trên tham chiếu cũng phản ánh khả năng hấp thụ lượng hàng ngắn hạn. Khi giá tăng mạnh gấp gáp, nhà đầu tư luôn muốn hiện thực hóa lợi nhuận. Điều quan trọng là có nhiều người khác sẵn sàng mua khối lượng đó hay không. Nếu thanh khoản gia tăng và giá vẫn duy trì màu xanh hoặc giảm nhẹ, bên bán vẫn không hoàn toàn kiểm soát được giao dịch.
Thống kê trên HoSE, trong 174 cổ phiếu đang đỏ, chỉ 42 mã giảm hơn 1% và thanh khoản nhóm này chiếm 5,6% tổng khớp của sàn. Thêm nữa chỉ có 11 mã trong số giảm mạnh nhất này có thanh khoản trên 10 tỷ đồng. Nổi bật là PSH giảm sàn với 11,2 tỷ, HSL giảm 6,03% với 11,9 tỷ, FIR giảm 4,12% với 19,4 tỷ, CMG giảm 3,95% với 14,3 tỷ, HNG giảm 2,06% với 25,8 tỷ, PET giảm 1,8% với 23,4 tỷ…
Ngược lại, số tăng có 61/273 mã tăng trên 1%, thanh khoản chiếm 31,2% giá trị sàn. Nổi bật là các mã bất động sản: DIG tăng 2,76% với 547,3 tỷ đồng, CII kịch trần 6,73% với 429,9 tỷ, DXG tăng 1,8% với 305,3 tỷ, PDR tăng 1,99% với 295,6 tỷ, NVL tăng 3,26% với 282 tỷ, VCG tăng 1,01% với 116,9 tỷ, VRE tăng 2,14% với 108,4 tỷ.
Trong khi nhóm ngân hàng có tín hiệu suy yếu ở nhiều mã, cổ phiếu bất động đang nổi lên trở lại. Chỉ số VNREAL sàn HoSE chốt phiên sáng tăng 0,91% trong khi chỉ số VNFIN tăng 0,28%.
Hiện tượng xoay vòng dòng tiền đang xuất hiện nhưng yếu tố kết quả kinh doanh vẫn sẽ là tác động chính. Thêm nữa biên độ tăng giá ngắn hạn cũng là nhân tố thúc đẩy hiện tượng xoay vòng này nhanh hơn.
Khối ngoại sáng nay giao dịch cân bằng, đang mua ròng nhẹ 2,2 tỷ trên HoSE. Bên bán tập trung vào chứng chỉ quỹ FUEVFVND -71,3 tỷ và VHM -24,8 tỷ. Phía mua chỉ có 3 mã đáng kể là DIG +238 tỷ, APG +23,3 tỷ và NLG +21,6 tỷ.
Xem thêm tại vneconomy.vn