Tiền vào như nước, 3 sàn giao dịch trên 31 ngàn tỷ đồng, VN-Index vẫn luẩn quẩn gần 1.260 điểm
Dòng tiền đổ vào thị trường hôm nay vọt lên mức cao nhất 6 phiên, đạt 31.385 tỷ đồng tổng giao dịch toàn thị trường. Tới trên 60 cổ phiếu khớp lệnh vượt 100 tỷ đồng phiên này với các mã nhóm bất động sản, chứng khoán hút tiền nổi bật. Tuy nhiên các mã trụ lại quá kém khiến VN-Index tăng rất vất vả 3,13 điểm tương đương +0,25% so với tham chiếu, đóng cửa tại 1.261,41 điểm.
Sự kiềm chế chỉ số chủ yếu đến từ các mã ngân hàng quan trọng như VCB giảm 1,34%, TPB giảm 1,26%, MSB giảm 1,27% và VPB giảm 0,25%. Ngoài ra có thêm HPG giảm 0,16% cùng với BID, VHM, VIC, TCB không tăng nổi. Trong 10 mã vốn hóa lớn nhất thị trường thì chỉ 3 mã tăng là CTG tăng 1,12%, GAS tăng 0,26% và VNM tăng 0,7%.
Rõ ràng là VN-Index đang thiếu đi sức mạnh của nhóm dẫn dắt để có thể bùng nổ qua đỉnh một cách thực sự đáng tin cậy. VN30-Index cũng chỉ tăng rất nhẹ 0,12% dù vẫn có 15 mã tăng/9 mã giảm.
Điểm tích cực là việc vượt đỉnh không có quán tính của VN-Index hầu như không ảnh hưởng tới giao dịch cổ phiếu. Dòng tiền đang rất dồi dào và vận động xoay vòng liên tục. Hôm nay nhóm bất động sản giao dịch ấn tượng và hầu hết đều tăng giá rất tốt. KBC, NLG là hai mã nhóm này tăng giá kịch trần với thanh khoản rất lớn. KBC đứng thứ 2 thị trường với 1.165,5 tỷ đồng và NLG đứng thứ 11 với 561,7 tỷ đồng. KBC thậm chí xác lập kỷ lục thanh khoản trong vòng 28 tháng, NLG kỷ lục 25 tháng. Dẫn đầu thanh khoản thị trường cũng là một “cổ đất” khác: DIG khớp trên 1.400 tỷ đồng, kỷ lục trong vòng 6 tháng, giá tăng 2%. NVL, PDR là hai mã bất động sản khác khớp trên 500 tỷ đồng giá cũng tăng hơn 1%.
Không chỉ bất động sản, cả trăm cổ phiếu khác trong VN-Index đạt mức tăng trên 1%, trải rộng ở các nhóm ngành khác nhau. Bán lẻ có đại diện MWG tăng 1,72% giao dịch 784,8 tỷ đồng; Chứng khoán có VND tăng 1,08% giao dịch 755,7 tỷ; Thép có HSG tăng 1,74% với 446,3 tỷ, NKG tăng 1,24% với 401 tỷ; Vật liệu xây dựng, Xây dựng, thậm chí cả ngân hàng đều có cổ phiếu tăng tốt với thanh khoản cao.
Độ rộng lúc đóng cửa của VN-Index ghi nhận 276 mã tăng/190 mã giảm. Tuy khá áp đảo ở phía tăng nhưng đây vẫn là tín hiệu của sự phân hóa. Thực tế ngay cả những nhóm cực mạnh như mới đề cập phía trên vẫn có đại diện giảm giá. Thậm chí trong phiên còn xuất hiện nhiều đợt xả rõ ràng. Buổi sáng VN-Index có nhịp rơi hẳn qua tham chiếu, buổi chiều lúc 2h20 chỉ số gần như mất sạch mức tăng và độ rộng cũng khá cân bằng 238 mã tăng/223 mã giảm.
Như vậy thực chất thị trường vẫn đng có biểu hiện chốt lời, chỉ là dòng tiền vào quá mạnh nên ảnh hưởng không đến mức “đánh quỵ” được giá hoàn toàn. Tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE phiên này lên tới gần 25.928 tỷ đồng, chỉ đứng sau mức hơn 30 ngàn tỷ ngày 23/2 vừa qua. Tính đến hôm nay, HoSE và HNX đã có tới 7 phiên liên tiếp duy trì ngưỡng khớp lệnh vượt 20 ngàn tỷ đồng/phiên và trong 13 phiên kể từ sau Tết Nguyên đán, có 10 phiên thanh khoản vượt ngưỡng này.
Rõ ràng dòng tiền vào thị trường đã khác hẳn giai đoạn trước Tết và chỉ duy nhất có một phiên điều chỉnh khá rõ khi VN-Index mất 15,31 điểm ngày 23/2. Việc thanh khoản rất cao và giá dao động trong ngày cho thấy thị trường chỉ điều chỉnh trong phiên là chính. Các đợt chốt lời đã được dòng tiền vào hấp thụ ngay.
Xem thêm tại vneconomy.vn