Từ động lực cho doanh nghiệp
Cộng đồng doanh nghiệp vừa đi qua một năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức. Với ngành dệt may, đơn hàng và đơn giá đều sụt giảm khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành tăng trưởng âm, thua lỗ. Nhưng nhìn về triển vọng 2024, một số doanh nghiệp đã lạc quan hơn.
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Dệt may Thành Công (mã TCM) cho biết, năm 2023, Công ty chỉ hoàn thành từ 85 - 90% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận, nhưng năm 2024 sẽ có nhiều “cửa sáng” hơn. Sự phục hồi của ngành dệt may, trong đó có TCM phụ thuộc vào sự phục hồi của thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam. Từ cuối năm 2023, Fed đã phát đi tín hiệu lãi suất đạt đỉnh và sẽ sớm giảm trong năm 2024. Trong nước, chúng ta cũng có nhiều cơ sở để kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế và các doanh nghiệp. Nền kinh tế Mỹ cũng sẽ “bớt khó” hơn so với năm 2023, kỳ vọng sức mua tăng lên, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu như TCM. Chính vì vậy, TCM đã lên mục tiêu tăng trưởng kinh doanh 2024 tối thiểu 10%.
Để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, TCM đã và đang cố gắng tìm kiếm đơn hàng nhiều nhất có thể, ngoài Mỹ thì có thêm thị trường Canada, Úc và một số nước châu Âu.
CTCP May 10 (mã M10) đã xây dựng kế hoạch kinh doanh 2024, với doanh thu 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận 130 tỷ đồng, lần lượt tăng 6,6% và 5,7% so với năm 2023. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 chia sẻ, doanh nghiệp đang đặt kỳ vọng vào Nghị quyết 01 (về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024) và Nghị quyết 02 của Chính phủ (về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024).
Theo ông Việt, sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách có tác động tích cực tới hoạt động kinh doanh của May 10. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cho năm 2024, Công ty đã chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường trong nước và quốc tế, thực hiện chiến lược đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, khách hàng, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. May 10 nỗ lực tận dụng những cơ hội dù là nhỏ nhất từ thị trường, mở rộng tệp khách hàng để tạo đà tăng trưởng.
Đối với thị trường bất động sản, dòng vốn là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư và kích thích sự sôi động của thị trường. Ông Nguyễn Trọng Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Hà Đô (mã HDG) nhìn nhận, ở trong nước, Chính phủ duy trì chính sách lãi suất thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Ở bên ngoài, các ngân hàng trung ương lớn đang có kế hoạch hạ lãi suất khi lạm phát được kiểm soát tốt hơn, điều này giúp cho dòng vốn quay ngược trở lại các nước đang phát triển như Việt Nam. Đây là vấn đề đặc biệt cần lưu tâm để các doanh nghiệp trong nước mở rộng hợp tác, tìm kiếm các nguồn vốn dài hạn với chi phí hợp lý để đầu tư vào các dự án bất động sản.
“Nguồn vốn rẻ là động lực để thúc đẩy cung - cầu thị trường bất động sản sôi động hơn trong thời gian tới”, ông Minh nói và cho biết, chưa có con số cụ thể nhưng HDG cũng tự tin về mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024.
Theo CTCP Tập đoàn Nam Long (mã NLG), lãi suất giảm, cộng thêm việc Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được thông qua trong năm 2023 và Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua trong tuần trước là cơ sở để các doanh nghiệp triển khai các dự án thuận lợi hơn trong năm 2024. Thực tế, tận dụng chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, NLG đã phát triển mảng này và đang có những chuyển biến khá tốt. Trong năm 2024, NLG tiếp tục tập trung vào phân khúc sản phẩm phù hợp với nhu cầu ở thực, giá trị bán hàng có thể tăng tới 87%, đạt 8.400 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ NLG ước tăng trưởng trên 50% trong năm 2024.
Đến niềm tin cho thị trường
Theo Phó Chủ tịch Hà Đô Nguyễn Trọng Minh, việc Chính phủ sớm đưa ra những chính sách hỗ trợ kịp thời có ý nghĩa lớn trong việc tạo động lực và nguồn lực cho sự phục hồi của doanh nghiệp. Các chính sách hạ lãi suất, nới lỏng đầu tư, kinh doanh trên thị trường bất động sản đã bắt đầu tác động đến thị trường bất động sản cũng như các doanh nghiệp trong ngành.
Với thị trường chứng khoán, niềm tin về tăng trưởng doanh nghiệp giúp nhà đầu tư có thêm cơ sở để mạnh tay tham gia hơn. Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, động lực cho đà tăng của thị trường chứng khoán trong năm 2024 chủ yếu dựa trên câu chuyện hạ lãi suất và tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết. Năm 2024, dự báo tăng trưởng doanh nghiệp niêm yết ước đạt 15 - 20%, một phần dựa trên mức nền năm 2023 thấp. Bên cạnh đó, yếu tố định giá cũng sẽ tác động đến thị trường. Ngoài ra, khả năng xoay chiều chính sách của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Mỹ và EU là động lực chính hỗ trợ tình hình vĩ mô thế giới trong năm 2024, trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu suy giảm.
Thị trường cũng đặt kỳ vọng năm 2024 là năm bản lề để nền kinh tế trở lại chu kỳ tăng trưởng cao và bền vững, nhờ những chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ kết hợp với các điều kiện khách quan bên ngoài thuận lợi. Thường cổ phiếu của những doanh nghiệp duy trì được đà tăng trưởng vẫn được nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn hơn. Các quỹ đầu tư trong và ngoài cũng có góc nhìn khá lạc quan về bức tranh tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết. Pyn Elite Fund, quỹ đầu tư đến từ Phần Lan cho rằng, con số doanh thu của các công ty niêm yết tại Việt Nam sẽ đạt kỷ lục vào năm 2024, mức tăng trưởng hơn 20%. Đồng quan điểm, VinaCapital cũng dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam sẽ tăng vọt lên hơn 20% vào năm 2024.
Như chia sẻ của bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc đầu tư, người điều hành Quỹ VinaCapital-VESAF, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở vùng định giá thấp trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, việc nhìn vào định giá và khả năng tăng trưởng của từng doanh nghiệp riêng lẻ quan trọng hơn so với nhìn vào định giá của cả thị trường chung, điều này giúp Quỹ có thể tìm ra được những cổ phiếu đang có định giá hợp lý và có khả năng tăng trưởng trong dài hạn.
Ông Bùi Quang Sỹ, Tổng giám đốc CTCP Thuận Đức |
Năm 2023, nền kinh tế đối mặt với rất nhiều khó khăn, tạo ra thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có Thuận Đức. Tuy nhiên, với nỗ lực lớn, Thuận Đức ước tính doanh thu hợp nhất xấp xỉ 3.800 tỷ đồng, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2022, hoàn thành 96% kế hoạch.
Năm 2024, Công ty duy trì tốc độ tăng trưởng từ 10 - 20% so với năm 2023. Để thực hiện được điều này, Công ty sẽ tập trung vào việc tiếp tục mở rộng và khai thác các thị trường tiềm năng trong lĩnh vực bao bì (nội địa, thị trường châu Á, châu Mỹ); đồng thời, tập trung khai thác phân khúc khách hàng, thị trường có khả năng sinh lời cao như Hàn Quốc, Nhật Bản; tận dụng tối đa các chứng chỉ về tái chế, các hiệp định thương mại để gia nhập các thị trường mới.
Năm 2024, xu hướng chung của thế giới là chuyển dịch sang các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường, hướng đến sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn, ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện để hạn chế rác thải nhựa từ các sản phẩm khó phân hủy. Công ty sẽ chú trọng tiếp tục nghiên cứu để đưa ra thị trường các sản phẩm mới như túi PP không dệt, đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với thị hiếu của khách hàng như túi dập nhiệt, túi T-Shirt, thảm, túi đựng áo vest…
Thuận Đức sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ số vào các quá trình vận hành, quản trị Công ty; cải tạo, cải tiến máy móc, công cụ, dụng cụ, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Về kế hoạch nguồn vốn, Thuận Đức dự kiến chào bán trái phiếu nhằm cơ cấu lại các khoản nợ ngắn hạn, tăng nguồn vốn dài hạn, đảm bảo cho nhu cầu đầu tư của Công ty; cấu trúc lại những khoản nợ có lãi suất cao, biến động theo thị trường, giảm phụ thuộc vào nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng.
Theo đánh giá của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII), giai đoạn 2023 - 2024 vẫn còn rất nhiều khó khăn chung. Tuy nhiên, năm 2023 là một năm tương đối thành công với CII khi đã cơ bản hoàn thành việc tái cấu trúc nguồn vốn các dự án BOT, là cơ sở để giảm đáng kể chi phí tài chính cũng như cải thiện dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong các năm sau.
Trong năm 2024, Công ty sẽ tiếp tục hoạt động này thông qua việc phát hành trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu.
CII đã hoàn thành việc tăng giá vé cho các dự án BOT, hoàn thành việc thu hồi vốn đầu tư theo Nghị quyết Hội đồng quản trị và đại hội đồng cổ đông. Doanh thu, lợi nhuận trong giai đoạn 2023 - 2024 chủ yếu đến từ các dự án hạ tầng cầu đường BOT.
Đối với mảng bất động sản, Công ty đang trong quá trình xử lý các vướng mắc pháp lý liên quan đến các dự án bất động sản, nên dự kiến sẽ chưa ghi nhận nhiều doanh thu, lợi nhuận từ mảng này trong năm 2024.
Việc hợp nhất kết quả kinh doanh của Công ty Năm Bảy Bảy (NBB) trong năm 2024 (nếu có) nhìn chung cũng chưa phải là yếu tố trọng yếu trong hoạt động kinh doanh của CII.