Tiếp tục đề xuất giảm 36 khoản phí, lệ phí, tiếp sức cho doanh nghiệp
Việc giảm các loại phí, lệ phí trong thời gian qua có tác động tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp. Ảnh tư liệu

Năm thứ 5 đề xuất giảm phí, lệ phí

Thuộc thẩm quyền của mình, để tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2024 theo Nghị quyết số 44/NQ-CP, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục thực hiện việc giảm các khoản phí, lệ phí trong năm 2024.

Đáp ứng lòng mong đợi của người dân và doanh nghiệp

Trả lời phỏng vấn TBTCVN, nhiều đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong đề xuất nhiều chính sách thuế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Có đại biểu cho rằng, sự hỗ trợ này “là kịp thời, đầy tính nhân văn, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri, người dân và doanh nghiệp”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, về lâu dài, Chính phủ, Bộ Tài chính cần cân nhắc kỹ các chính sách làm giảm thu ngân sách, để đảm bảo cân đối ngân sách, cũng như tính công bằng và khả thi cao khi triển khai thực hiện.

Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm mức thu khoảng 36 khoản phí, lệ phí, như năm 2023. Thời gian áp dụng từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024, với mức giảm từ 10 - 50%.

Có thể kể đến một số khoản phí, lệ phí được giảm đến 50%, như: Lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng có mức thu bằng 50% mức thu lệ phí, quy định tại điểm a Mục 1 Biểu mức thu lệ phí tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 150/2016/TT-BTC (quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng; giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho các tổ chức không phải là ngân hàng).

Ngoài ra, nhiều khoản phí được đề xuất giảm 50% như: Phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng; Phí thẩm định thiết kế kỹ thuật (phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở); Phí thẩm định dự toán xây dựng; Phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; Phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch…

Một số khoản đề xuất giảm từ 10 - 20%: Phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường giảm 30%. Phí khai thác, sử dụng nguồn nước do cơ quan trung ương thực hiện giảm 20%. Phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay giảm 10%...

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, kể từ ngày 1/1/2025 trở đi, mức thu các khoản phí, lệ phí quy định tại biểu nêu trên thực hiện theo quy định tại các thông tư gốc và các thông tư sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

Doanh nghiệp bắt nhịp tăng trưởng tích cực

Như vậy liên tục từ năm 2020 đến nay, Bộ Tài chính đề xuất giảm các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của mình, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Gần đây nhất, vào năm 2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 44/2023/TT-BTC quy định giảm mức thu từ 10 - 50% đối với 36 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Thông tư có hiệu lực kể từ 1/7/2023 đến hết năm 2023. Ước tính thực hiện theo quy định này số tiền giảm thuế khoảng 700 tỷ đồng.

Nếu chỉ tính riêng việc giảm các khoản phí, lệ phí trong 5 năm đã lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng là số tiền không nhỏ, trong bối cảnh nguồn thu sụt giảm do tăng trưởng kinh tế không đạt như dự kiến.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thuế, phí là lĩnh vực hết sức nhạy cảm đối với sản xuất, đời sống kinh tế - xã hội, có tác động rất lớn đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và tác động tới sự ổn định kinh tế vĩ mô (tăng trưởng, lạm phát, công ăn việc làm…). Do đó, những chính sách liên quan đến thuế, phí phù hợp với thực tiễn sẽ góp phần giúp doanh nghiệp ổn định, yên tâm làm ăn, phục hồi sau dịch Covid-19.

Việc giảm các loại phí, lệ phí trong thời gian qua có tác động khá tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bộ Tài chính phải tính toán để vừa hoàn thành nhiệm vụ điều hành chính sách tài chính - ngân sách nhà nước đề ra, vừa hỗ trợ được doanh nghiệp. Đây là bài toán khó không dễ tìm lời giải, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng khó khăn.

Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG, cho rằng chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, đã hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, nhất là hỗ trợ về tiền thuê đất. Ngoài ra, việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), được đánh giá là chính sách phát huy hiệu quả cao nhất, khi chính sách có hiệu lực. Doanh nghiệp của bà đã được thụ hưởng chính sách giãn, giảm thuế từ năm 2020 đến nay, ngay cả thời điểm dịch bệnh Covid-19, doanh thu của doanh nghiệp này vẫn tăng từ 10 - 20%.

Đánh giá về lợi ích của giảm thuế GTGT, ông Nguyễn Thanh Hạnh - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Intrepid Việt Nam cho biết, nếu như trước đây một chuyến du lịch đến Việt Nam, khách phải trả khoảng 1.000 USD thì bây giờ chỉ phải trả từ 950 - 980 USD, điều này không chỉ giúp doanh nghiệp có thể đưa ra những chương trình khuyến mãi với khách hàng mà còn tạo thế đứng cho doanh nghiệp càng vững hơn.

Chính sách thuế, phí rất nhân văn

Việc giảm trực tiếp nhiều khoản phí, lệ phí thể hiện sự đồng hành, chia sẻ giữa Nhà nước với người dân và doanh nghiệp. Cùng với việc thực hiện giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, trong điều hành, Bộ Tài chính tiếp tục cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính cùng với việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đã ban hành để doanh nghiệp, người dân nhanh chóng được hưởng hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi nhất.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Ngô Trí Long, việc kéo dài thời gian giảm các khoản phí, lệ phí sẽ ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi doanh nghiệp đang khát vốn thì “một đồng cũng quý” và đề xuất này của Bộ Tài chính là rất đáng mừng.

Trả lời phỏng vấn TBTCVN, nhiều đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong đề xuất nhiều chính sách thuế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Có đại biểu cho rằng, sự hỗ trợ này “là kịp thời, đầy tính nhân văn, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri, người dân và doanh nghiệp”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, về lâu dài, Chính phủ, Bộ Tài chính cần cân nhắc kỹ các chính sách làm giảm thu ngân sách, để đảm bảo cân đối ngân sách, cũng như tính công bằng và khả thi cao khi triển khai thực hiện.

Sự thấu hiểu, sẻ chia giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp ở thời nào cũng đúng. Tuy nhiên, nhìn vấn đề dưới nhiều góc độ, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn cũng như để có thể hoàn thành các mục tiêu tài chính - ngân sách đã đặt ra, bên cạnh các chính sách tài khóa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thì cộng đồng doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh đổi mới quản trị doanh nghiệp, cơ cấu lại để vươn lên, đặc biệt ở thời điểm hiện nay.

Qua đánh giá của Bộ Tài chính, tổng gói hỗ trợ về thuế hơn 4 năm qua là khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, các chính sách gia hạn, giảm khoảng 68 nghìn tỷ đồng.

Các chuyên gia cho rằng, giảm thuế nhằm tăng kích cầu, giảm lạm phát. Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh - chuyên gia kinh tế, sáng lập viên Think Future Consultancy, việc giảm thuế, phí lệ phí đã hỗ trợ đời sống người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Chính sách giảm thuế, đặc biệt là thuế GTGT vừa kích cầu, vừa rất nhân văn trong giai đoạn này.

“Giảm thuế GTGT làm giảm sức ép lạm phát, từ giờ tới cuối năm, tỷ giá dự báo tăng, hay như việc điều chỉnh tăng lương cuối năm cũng gây sức ép cho lạm phát, dù không cao nhưng vẫn có tác động. Trong bối cảnh đó, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm sức ép lạm phát, kích cầu tiêu dùng” - chuyên gia kinh tế Vũ Sỹ Cường cho hay.