Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn chia sẻ, năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và sự triển khai kịp thời có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý đã giúp cho nền kinh tế ổn định.

Nhờ đó, số thu ngân sách tính đến ngày 12/12/2024 đạt 1.863 nghìn tỷ đồng, bằng 109,56% so với dự toán năm 2024. Kết quả này nhờ sự đóng góp lớn của cộng đồng doanh nghiệp cùng quyết tâm cao, nỗ lực thực hiện các giải pháp chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội của các cơ quan Chính phủ thời gian qua.

Tính đến nay, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế (như giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10%; giảm phí, lệ phí; gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất...). Quy mô hỗ trợ của các giải pháp này là khoảng 191 nghìn tỷ đồng (trong đó: số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là khoảng 95 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí được giảm khoảng 96 nghìn tỷ đồng).

Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi 3 luật thuế: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Trong đó, Luật Thuế GTGT sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thực hiện vào ngày 1/1/2025. Hai luật còn lại đang tiếp tục xin ý kiến và dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 5/2025.

“Các giải pháp về tài chính - ngân sách như tiếp tục miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế phí, lệ phí và tiền thuê đất hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế đã và đang tiếp tục được triển khai một cách hiệu quả, nhận được sự đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao của toàn doanh nghiệp và người dân; góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh...” – Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nói.

Trong khuôn khổ chuỗi hội nghị này, Bộ Tài chính mong muốn lắng nghe những phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp về những vấn đề còn tồn tại trong việc thực hiện chính sách tài chính, cụ thể là chính sách, thủ tục thuế, hải quan, để nhằm tiếp tục ghi nhận, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tiếp tục đồng hành, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật thuế, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Tiếp tục đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện chính sách thuế, hải quan
Ông Cao Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính, phát biểu tại hội nghị.

Tại sự kiện, ông Võ Tấn Thành - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, năm 2024, ghi nhận quá trình phục hồi và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, với mức tăng trưởng kinh tế cả năm có thể đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng năm 2024 tăng 3,88%. Thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Thu NSNN tăng, trong khi ước cả năm miễn, giảm, gia hạn gần 200 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Kim ngạch xuất nhập khẩu tính đến 15/10/2024 đạt 610,5 tỷ USD; xuất siêu 21,24 tỷ USD.

"Tại chương trình hội nghị lần này, VCCI và Bộ Tài chính hoan nghênh các đơn vị tiếp tục có ý kiến, kiến nghị và sẽ được các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính xem xét, giải quyết, chuyển đến các DN liên quan nhằm tiếp tục giúp đỡ các DN ổn định và duy trì đà tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới” - ông Võ Tấn Thành nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã nêu các ý kiến tập trung vào những vướng mắc trong lĩnh vực như: hoàn thuế GTGT; kê khai thuế, hạch toán thuế; hoá đơn điện tử; những vướng mắc về thủ tục xuất nhập khẩu,…

Điển hình như, bà Trịnh Thị Thu Phương – Kế toán trưởng Công ty Bambo Air Way, phản ánh những khó khăn về thực hiện hoá đơn điện tử. Cụ thể, Bambo Air Way mỗi ngày xuất ít nhất 300 hoá đơn, thậm chí có ngày lên 600 hoá đơn, nhưng trên hệ thống hoá đơn điện tử việc kiểm tra dữ liệu của hoá đơn thì không hiển thị toàn bộ. Trong khi đó, nếu kiểm tra từng hoá đơn vẫn có, như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc đối chiếu dữ liệu giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế. Do đó, doanh nghiệp đề xuất cần có giải pháp cho trường hợp này.

Một số ý kiến khác như: Công ty TNHH Dệt may JURONG đề nghị hướng dẫn công ty được hoàn thuế đầu tư. Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi gặp khó về nhập khẩu nguyên liệu (đường lỏng). Công ty cổ phần Điện gió Trà Vinh 1 nêu một số khó khăn về thủ tục hải quan khi nhập khẩu và đóng thuế GTGT. Đại diện Công ty TNHH Fashion Garmen Mekong nêu khó khăn về việc xác định trị giá hải quan trong việc nhập nguyên liệu về để phát triển mẫu... Nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị bổ sung rõ về việc xử lý hồ hoàn thuế xuất nhập khẩu tại chỗ đối với thương nhân nước ngoài hiện diện tại Việt Nam...

Giải đáp những ý kiến, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đại diện lãnh các cơ quan Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đã có những trả lời cụ thể đến từng doanh nghiệp. Với một số vấn đề vượt thẩm quyền, đại diện các cơ quan của Bộ Tài chính khẳng định sẽ ghi nhận, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá và tham mưu việc sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, hải quan, các chính sách phù hợp trong thời gian tới.

Tiếp tục đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện chính sách thuế, hải quan
Toàn cảnh hội nghị.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đã khẳng định, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt về thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn; tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành Tài chính, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy,… đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.

Số thu ngân sách tính đến ngày 12/12/2024 đạt 1.863 nghìn tỷ đổng, bằng 109,56% so với với dự toán năm 2024. Kết quả này nhờ sự đóng góp lớn của cộng đồng doanh nghiệp cùng quyết tâm cao, nỗ lực thực hiện các giải pháp chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.