Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng quà, động viên người lao động của Liên danh nhà thầu thi công dự án. Ảnh: Thu Hà |
Cả nước có 22 cảng hàng không đang khai thác
Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), hiện tại, cả nước có 22 cảng hàng không đang khai thác với tổng diện tích khoảng 11.859 ha; trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không quốc nội được phân chia theo 3 khu vực Bắc, Trung, Nam: Khu vực miền Bắc có 7 cảng hàng không là Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Điện Biên và Đồng Hới; Khu vực miền Trung có 7 cảng hàng không là Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Chu Lai; Khu vực miền Nam có 8 cảng hàng không là Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Côn Đảo, Cà Mau.
Đến năm 2050 đạt 100 triệu khách hàng/nămTheo quy hoạch tổng thể cảng hàng không, sân bay, trong giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050, đến năm 2030, Cảng Hàng không Nội Bài có sản lượng 60 triệu khách/năm, giai đoạn 2050 là trên 100 triệu khách/năm và nghiên cứu sân bay thứ 2 tại Hà Nội. Trong khi đó, Nhà ga hành khách T2 được đưa vào khai thác từ năm 2015 là 10 triệu nhưng đến năm 2018 đã mãn tải nên việc mở rộng dự án để đáp ứng tình trạng quá tải là rất cần thiết và không chậm trễ. |
Điểm nổi bật của lĩnh vực hàng không năm 2023 và gần nửa đầu năm 2024 là sự phục hồi mạnh mẽ sản lượng hành khách sau 02 năm bị tác động bởi đại dịch Covid-19 và việc khởi công đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Đồng thời, cũng trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 648/QĐ-TTg, ngày 7/6/2023 về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, năm 2030, quy hoạch 28 cảng hàng không bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế, 14 cảng hàng không nội địa. Định hướng đến năm 2050 quy hoạch 29 cảng hàng không bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế và 15 cảng hàng không nội địa.
Cũng theo quy hoạch, ưu tiên bố trí các trung tâm logistics làm đầu mối tập kết hàng hóa tại các cảng hàng không có nhu cầu vận tải lớn hơn 250.000 tấn/năm. Các trung tâm logistics đảm bảo các điều kiện về kho vận và kết nối các loại hình giao thông thích hợp để vận tải hàng hóa. Quy hoạch trung tâm logistics tại các cảng hàng không gồm: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Long Thành, Chu Lai, Vân Đồn, Cần Thơ và một số cảng hàng không khác khi có nhu cầu vận tải hàng hóa đạt tiêu chí nêu trên. Hình thành trung tâm logistics hàng hóa lớn, trung chuyển quốc tế tại Cảng hàng không quốc tế Chu Lai.
Mở rộng nhà ga hành khách T2 Nội Bài
Toàn cảnh nhà ga T2, sân bay Nội Bài hiện tại. Ảnh tư liệu |
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chính thức phát lệnh khởi công Dự án mở rộng Nhà ga hành khách T2 Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong những năm qua đã tâp trung nhiều nguồn lực của Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội hóa triển khai các dự án giao thông, trong đó có các Dự án Sân bay Long Thành hoặc một số sân bay được khánh thành như Điện Biên, Phú Bài và tiếp tục nghiên cứu mở rộng các sân bay gồm Thành Sơn (Ninh Thuận), Cà Mau, Chu Lai (Quảng Nam)… bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Các sân bay được đầu tư, nâng cấp mở rộng sẽ mở ra không gian phát triển gắn với kinh tế-du lịch, do vậy cần thiết nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục hành lang pháp lý để thu hút nguồn vốn đầu tư, góp phần giảm chi phí logistics của nước ta.
Theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV, Dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài được nghiên cứu xây dựng trong phạm vi phần đất có diện tích khoảng 412.203m2 (bao gồm phần diện tích hiện hữu và phần mở rộng), với mục tiêu nâng công suất khai thác từ 10 triệu hành khách/năm lên 15 triệu hành khách/năm.
Công trình gồm 2 phần gồm thi công mở rộng nhà ga và các công trình phụ trợ gồm thi công mở rộng cánh Tây, cánh Đông và khu vực trung tâm; thi công từ kết cấu đến hoàn thiện kiến trúc, cơ điện và lắp đặt công trình, bổ sung hệ thống cầu ống lồng; thi công cải tạo và chuyển đổi công năng bên trong nhà ga hiện hữu từ tầng 1 đến tầng 4 nhằm nâng cao năng lực khai thác của dây chuyền hàng không.
Dự án có tổng mức đầu tư dự án là 4.996 tỷ đồng, trong đó gói thầu chính thi công xây lắp có giá trị 4.600 tỷ đồng thực hiện hoàn toàn bằng nguồn vốn của ACV.
ACV cam kết tập trung mọi nguồn lực để triển khai gói thầu đảm bảo an toàn, chất lượng và vượt tiến độ trước 31/12/2025 để đủ điều kiện đăng ký công trình khánh thành đưa vào khai thác chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Là đơn vị được lựa chọn thi công gói thầu xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị công trình, đại diện Liên danh nhà thầu Việt Bắc (Tổng công ty Cổ phần Vinaconex, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai) cho biết đây là gói thầu khó, phức tạp, yêu cầu rất cao về năng lực tổ chức điều hành, thi công, lắp đặt kết nối với các hệ thống hiện hữu của nhà ga.
Liên danh nhà thầu sẽ tập trung nhân lực, thiết bị và áp dụng triệt để hệ thống quản trị chuyên nghiệp, nỗ lực vượt qua mọi thách thức, hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an ninh và an toàn lao động trong quá trình thi công dự án./.