Tiếp tục xử lý sở hữu chéo trong ngân hàng

Sở hữu chéo từng bước được xử lý

So với thời kỳ trước, sở hữu chéo ngân hàng đã giảm mạnh nhờ sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng và bổ sung hệ thống pháp luật. Trong đó, Luật Các TCTD năm 2024 đã bổ sung các quy định giúp tăng cường ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD.

NHNN cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện giám sát an toàn hoạt động của TCTD qua công tác thanh tra về vốn, tình hình sở hữu cổ phần của TCTD, hoạt động cho vay, đầu tư, góp vốn... Đồng thời NHNN tiếp tục đưa nội dung thanh tra hoạt động chuyển nhượng, sở hữu cổ phần, cổ phiếu có thể dẫn đến việc thâu tóm, chi phối TCTD vào kế hoạch thanh tra năm 2024.

Một trong những quy định được quan tâm nhất là việc giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần cho cổ đông là tổ chức giảm từ 15% xuống 10% vốn điều lệ, cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15% vốn điều lệ. Đồng thời yêu cầu các TCTD phải công khai thông tin các cổ đông và người liên quan có tỷ lệ sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên tại TCTD. Vì thế, đến nay, hàng loạt ngân hàng thương mại đã nghiêm chỉnh chấp hành công bố danh sách này.

Tại báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XV đối với lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo trong hệ thống TCTD từng bước được xử lý, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng đã được hạn chế.

Tình trạng sở hữu cổ phần vượt giới hạn, sở hữu chéo giữa TCTD, TCTD và doanh nghiệp theo báo cáo của TCTD qua xử lý đã giảm đáng kể so với các giai đoạn trước đây. Cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định chủ yếu còn tại các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.

Còn tình trạng vượt quy định

Báo cáo về tỷ lệ cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của OCB cho thấy 20 cổ đông nắm từ 1% vốn điều lệ trở lên chưa kể người có liên quan đã sở hữu gần 80% vốn ngân hàng, gồm 13 cổ đông tổ chức nắm 54,6% vốn và 7 cổ đông cá nhân nắm 24,8% vốn còn lại. Riêng Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Tuấn và người có liên quan sở hữu hơn 19,9% vốn, bà Cao Thị Quế Anh (vợ ông Tuấn, đồng thời là thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ) và người có liên quan sở hữu gần 19,8% vốn, 3 con gái của ông Tuấn và người có liên quan cũng đang sở hữu trên 19% vốn điều lệ - đều vượt quy định tại Luật.

Tại VIB, 2 cổ đông và người có liên quan sở hữu vượt tỷ lệ theo quy định mới, thậm chí ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT VIB và người có liên quan sở hữu trên 20,2% vốn điều lệ - vượt cả quy định cũ và mới.

Tại Techcombank, theo cập nhật vào tháng 9/2024, ông Hồ Hùng Anh và người có liên quan đang sở hữu 19,96% vốn điều lệ; Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan và người có liên quan sở hữu 20,09% vốn điều lệ - tăng so với mức 15,15% công bố hồi tháng 7/2024. Ngoài ra, Techcombank còn có 4 cổ đông cá nhân và người có liên quan sở hữu từ 17% đến gần 33% vốn điều lệ ngân hàng.

Không chỉ 3 ngân hàng được điểm tên nêu trên, báo cáo về tỷ lệ cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của một số ngân hàng cũng cho thấy tỷ lệ sở hữu khá lớn của một nhóm cổ đông, doanh nghiệp, tổ chức và người có liên quan, hoặc tỷ lệ sở hữu vượt giới hạn quy định...

Theo NHNN, việc xử lý vấn đề sở hữu vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo vẫn khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định dẫn đến TCTD có thể bị chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ thiếu công khai, minh bạch. Một số TCTD có mức độ tập trung sở hữu cổ phần tại một số cổ đông và người liên quan mặc dù không vi phạm quy định của pháp luật, tuy nhiên cần quan tâm lưu ý nhằm ngăn ngừa những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra…

Mặt khác, pháp luật hiện nay không có quy định về khái niệm đầu tư chéo. Trong quá trình hoạt động, các TCTD phải tuân thủ quy định của pháp luật (bao gồm cả việc cấp tín dụng, đầu tư, góp vốn, sở hữu cổ phần,...). Hiện nay, một số TCTD cấp tín dụng (cho vay, đầu tư...) đối với cổ đông (tổ chức, cá nhân) và người liên quan của cổ đông. Tuy nhiên, quy định của pháp luật không cấm trường hợp TCTD cấp tín dụng cho cổ đông và người có liên quan nếu tuân thủ quy định.

Ngoài ra, theo NHNN, việc phát hiện mối liên quan giữa các doanh nghiệp còn hạn chế do thông tin để xác định tính liên quan về sở hữu của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng rất khó khăn. NHNN không chủ động được trong việc tra cứu thông tin cũng như xác định được độ chính xác, tin cậy của các nguồn thông tin.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn