Tiết giảm chi phí cho kết quả kinh doanh khả quan hơn
Chi phí giảm giúp cải thiện biên lợi nhuận
Trong báo cáo tài chính quý 3/2023 của Tổng công ty Thiết bị Điện Đông Anh - CTCP, lợi nhuận sau thuế quý 3 tăng mạnh tới 89% so với cùng kỳ năm trước khi đạt gần 6,4 tỷ đồng mặc dù lũy kế 9 tháng, lợi nhuận của doanh nghiệp này giảm 43% so với 9 tháng năm 2022, chỉ đạt hơn 13,15 tỷ đồng.
Để có mức lợi nhuận tăng đột biến trong quý 3 như vậy, Tổng công ty Thiết bị Điện Đông Anh cho biết đã giảm chi phí sản xuất một số sản phẩm chính, cùng với đó là giảm chi phí bán hàng nhờ giảm chi phí bảo hành; chi phí tài chính cũng giảm 5% bất chấp chi phí lãi vay tăng.
Tương tự, tại Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh, nhờ tiết giảm chi phí nên dù doanh thu giảm thì Công ty vẫn đạt được lợi nhuận tăng mạnh. Theo báo cáo tài chính của Nhựa Bình Minh, trong quý 3/2023, doanh thu thuần giảm 38% về 926 tỷ đồng, nhưng nhờ biên lãi gộp cải thiện, tăng doanh thu tài chính và tiết giảm các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp nên lãi ròng đạt 209 tỷ đồng, tăng 19%. Nhờ vậy, lũy kế 9 tháng đầu năm, lãi ròng Nhựa Bình Minh lập mức cao nhất từ trước đến nay là 784 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ và vượt 20% kế hoạch lợi nhuận năm (651 tỷ đồng).
Công ty Cổ phần Gemadept cũng ghi nhận mức lãi ròng tăng nhẹ ở quý 3 nhờ cải thiện biên lợi nhuận gộp và cắt giảm nhiều khoản chi phí. Theo đó, trong quý 3/2023, Công ty giảm được nhiều khoản chi phí như: chi phí tài chính giảm 17% và chi phí bán hàng giảm 59%, đồng thời giảm 52% khoản lãi từ các công ty liên doanh, liên kết. Nhờ vậy, Gemadept lãi ròng 254 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ quý 3/2022. Lũy kế 9 tháng, Gemadept lãi ròng 2.107 tỷ đồng, tăng mạnh 161% so với cùng kỳ năm trước.
Với Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), trong quý 3/2023, Vinamilk báo lãi gần 3.076 tỷ đồng, tăng 7,55% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng cải thiện đáng kể so với con số 5,9% của quý liền trước, hơn nữa lợi nhuận vẫn giữ đà tăng dù doanh thu thấp hơn cùng kỳ. Đại diện Vinamilk cho biết, chi phí vận hành tiếp tục được kiểm soát tốt đã giúp biên lợi nhuận gộp hồi phục, qua đó sẽ cải thiện kết quả kinh doanh cuối năm.
Vẫn nhiều áp lực chi phí
Mặc dù vậy, tình hình khó khăn trong nước và thế giới vẫn bủa vây các doanh nghiệp, nhất là bối cảnh chi phí giá nguyên vật liệu, chi phí tài chính có thể tăng cao. Nên thực tế là nhiều doanh nghiệp đang phải “gồng mình” chịu những khoản chi phí kinh doanh ở mức cao.
Trong đó, các doanh nghiệp dệt may đang chịu nhiều ảnh hưởng, khi đơn hàng giảm, chi phí nguyên liệu tăng đã đẩy lợi nhuận đi lùi. Như tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, tính chung 10 tháng, doanh thu của TNG đạt 6.007 tỷ đồng, tăng 178 tỷ đồng, tương đương tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. TNG cho biết trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, Công ty đã phải chấp nhận các đơn hàng có biên lợi nhuận thấp để duy trì sản lượng và đảm bảo việc làm cho công nhân.
Nhưng theo báo cáo tài chính 9 tháng của TNG, dù doanh thu thuần tăng nhẹ nhưng gánh nặng chi phí đã bào mòn 35% lãi sau thuế, chỉ còn 69 tỷ đồng trong quý 3/2023 và đạt gần 171 tỷ đồng lãi sau thuế trong 9 tháng năm 2023.
Tại một số doanh nghiệp chăn nuôi, chi phí lãi vay cũng đang ảnh hưởng đáng kể tới kết quả kinh doanh. Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 1.219 tỷ đồng trong quý 3/2023, giảm 36% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các chi phí, BAF báo lãi giảm 75% xuống còn 40 tỷ đồng. Báo cáo tài chính của BAF cho thấy, chi phí tài chính tăng rất mạnh, từ 162 triệu đồng của 9 tháng năm 2022 lên 109 tỷ đồng sau 1 năm.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần giảm 24% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 2.709 tỷ đồng. Lợi nhuận giảm 94%, còn gần 12,5 tỷ đồng. Trong đó, chi phí tài chính của Dabaco cũng tăng mạnh trong quý 3/2023 khi tăng tới 60% so với cùng kỳ năm trước, lên gần 70 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay. Tại ngày 30/9/2023, Dabaco có nợ vay tài chính 5.033 tỷ đồng, phần lớn là nợ vay ngắn hạn.
Có thể thấy, trong bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp, yếu tố chi phí tác động đáng kể đến lợi nhuận và hiệu quả hoạt động. Do đó, giảm chi phí trong kinh doanh phải là nỗ lực mà các doanh nghiệp phải hướng tới bằng nhiều giải pháp, trong đó chuyển đổi số đang là giải pháp hữu hiệu nhất. Ngoài ra, điều đáng mừng là hiện cơ quan chức năng cũng đang cố gắng đồng hành với doanh nghiệp bằng loạt giải pháp giúp giảm chi phí như giảm thuế, giảm tiền thuê đất, giảm lãi suất… cùng việc cải cách thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn