Tìm cổ đông chiến lược ngoại: Hành trình mới của ngân hàng Việt
Tái khởi động làn sóng tìm đối tác chiến lược nước ngoài
Tháng 3/2025, quỹ ngoại Commonwealth Bank of Australia (CBA) chính thức rút vốn khỏi Ngân hàng VIB, chấm dứt hành trình 15 năm gắn bó. Việc CBA “dứt áo ra đi” không phải là quyết định một sớm, một chiều. Thực tế, cuộc rút lui của CBA đã nằm trong chiến lược tái cấu trúc toàn cầu của quỹ này kể từ thời điểm dịch Covid-19. CBA cũng đã rút lui khỏi HĐQT của VIB từ nhiều năm trước.
Giới phân tích nhận định, sự rời đi của CBA dường như đã khép lại chặng đường gắn bó dài hơi của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài ở giai đoạn trước. Trước CBA, IFC cũng đã thoái vốn khỏi ABBank vào năm 2024, hay xa hơn là trường hợp của HSBC với Techcombank. Những nhà đầu tư chiến lược nước ngoài giai đoạn trước còn lại ở ngân hàng Việt hiện chỉ còn số ít. Thương vụ giữa VPBank và đối tác chiến lược SMBC vào năm 2023 là trường hợp hiếm hoi còn lại giữa làn sóng thoái lui.
Làn sóng nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vào các ngân hàng Việt bắt đầu rộ lên từ giữa những năm 2000, khi nhiều ngân hàng thương mại trong nước đồng loạt triển khai kế hoạch tìm kiếm đối tác ngoại. Thời điểm đó, sự hiện diện của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không chỉ được kỳ vọng mang lại nguồn vốn, mà còn là đòn bẩy quan trọng giúp nâng tầm thương hiệu và thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các ngân hàng Việt.
Ở giai đoạn này, hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập đã được thực hiện thành công giữa các ngân hàng Việt Nam và các định chế tài chính quốc tế. Đơn cử như ANZ chi 27 triệu USD để sở hữu 10% cổ phần Sacombank vào tháng 3/2005, hay HSBC trở thành cổ đông chiến lược nắm giữ 20% cổ phần Techcombank cùng năm. Bên cạnh đó, thị trường còn chứng kiến những cái bắt tay đình đám của ACB với Standard Chartered, VPBank với OCBC, ABBank với Maybank, Eximbank với SMBC, tạo nên một giai đoạn sôi động của dòng vốn ngoại đổ vào hệ thống ngân hàng Việt.
Bước ngoặt đã xảy ra vào năm 2008 khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát, buộc nhiều định chế tài chính quốc tế phải điều chỉnh chiến lược đầu tư. Trước áp lực tái cấu trúc và ưu tiên ổn định hoạt động tại thị trường nội địa, các nhà đầu tư ngoại đồng loạt thu hẹp quy mô, tạm ngừng kế hoạch mở rộng ra nước ngoài, trong đó có thị trường Việt. Hệ quả là dòng vốn ngoại dần chững lại, nhiều ngân hàng Việt Nam không thể tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài.
Đến năm 2011, các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài quay trở lại thị trường Việt Nam với tín hiệu khởi sắc hơn sau giai đoạn trầm lắng, mở đầu với hai thương vụ lớn là VietinBank bắt tay với IFC và Vietcombank đạt được thỏa thuận chiến lược với Ngân hàng Mizuho.
Tiếp theo đó là sự xuất hiện của nhiều định chế tài chính hàng đầu tại châu Á - đặc biệt là từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, khác với giai đoạn trước, đầu tư ở giai đoạn này mang tính chọn lọc cao hơn: bên mua thường là các tổ chức thuộc top 3 về tổng tài sản tại thị trường nội địa, còn bên được đầu tư là những ngân hàng Việt đã đạt đến một độ “chín” nhất định về uy tín, năng lực tài chính và mô hình hoạt động.

Giới phân tích cho rằng, sau một giai đoạn chững lại, năm 2025 có thể sẽ đánh dấu sự khởi đầu của làn sóng đầu tư chiến lược tiếp theo khi nhiều ngân hàng Việt đang lên kế hoạch tìm kiếm các ông lớn ngoại.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ cho biết sau khi CBA thoái vốn, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại VIB còn trống khoảng 25%. HĐQT ngân hàng hiện đang tích cực trao đổi với các ngân hàng, quỹ đầu tư, cũng như các đơn vị tư vấn để tìm kiếm một hoặc một số đối tác chiến lược phù hợp. Mục tiêu là không chỉ đảm bảo giá trị tốt nhất mà còn tìm kiếm sự hỗ trợ thêm về huy động vốn, công nghệ, giúp VIB tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong tương lai.
Trong tài liệu gửi ĐHĐCĐ, Vietcombank thông báo sẽ chào bán 543.100.000 cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 6,5% vốn điều lệ của ngân hàng, cho tối đa 55 nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Vietcombank nêu rõ trong trường hợp đối tác chiến lược - Ngân hàng Mizuho Nhật Bản (Mizuho) thực hiện mua cổ phiếu để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Vietcombank lên đến 20%, Mizuho được quyền đề cử thêm 1 người vào HĐQT của Vietcombank và đảm bảo số lượng thành viên HĐQT đại diện cho phần vốn góp của Mizuho tại Vietcombank không vượt quá 2 thành viên HĐQT.
Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài (khác Mizuho) mua và nắm giữ từ 5% tổng số cổ phần phổ thông của Vietcombank sau phát hành trở lên sẽ được quyền đề cử 1 người vào HĐQT của Vietcombank.
Ở nhóm ngân hàng tư nhân, nhiều nhà băng cũng đang lên kế hoạch tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài, trong đó nổi bật là HDBank. Trước đó, ngân hàng này cho biết đang thực hiện một lộ trình kỹ lưỡng trong việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.
Tại hội nghị nhà đầu tư diễn ra vào đầu tháng 3/2024, ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Ban quan hệ Nhà đầu tư Ngân hàng HDBank, đã chia sẻ rằng ngân hàng hiện đang dành khoảng 10% room ngoại để phục vụ cho việc phát hành tăng vốn. Đồng thời, HDBank cũng đã sẵn sàng đón nhận các đối tác chiến lược. Câu chuyện này dự kiến sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý và trở thành một chủ đề nóng trong kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2025 sắp tới của ngân hàng này.
Trợ lực nào cho làn sóng tiếp theo?
Nhìn vào bức tranh hiện nay của ngành ngân hàng, có thể dễ dàng nhận thấy sự bất cân xứng rõ rệt, khi một số ngân hàng luôn kín “room ngoại”, trong khi những ngân hàng khác lại không, thậm chí tỷ lệ sở hữu của khối ngoại gần như bằng 0.
Hiện một số ngân hàng chủ động “khóa room ngoại” ở ngưỡng thấp nhằm tạo điều kiện để tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược phù hợp. Hiện tại, nhiều ngân hàng thương mại đã tự giới hạn room ngoại dưới mức 30% (mức tối đa theo luật định) để chờ đợi cơ hội chào bán cổ phần cho các đối tác chiến lược quốc tế.
Trái lại, cũng có những ngân hàng lại ưu tiên gọi vốn từ nhà đầu tư nội. Đồng thời, cũng có không ít ngân hàng đang nỗ lực tìm kiếm nhà đầu tư ngoại, nhưng chưa thành công, một phần do bối cảnh thị trường trong những năm gần đây không thực sự thuận lợi.
Ở góc độ của nhà đầu tư ngoại, các chuyên gia cho rằng, việc trần room ngoại ở mức 30% đang tạo ra rào cản lớn, khiến các nhà đầu tư quốc tế thường cảm thấy không hào hứng. Điều này làm hạn chế khả năng tham gia sâu hơn vào ngành ngân hàng Việt Nam, mặc dù thị trường ngân hàng của Việt Nam có tiềm năng lớn về quy mô và sức tiêu dùng.
Ông Ivan Tan, Giám đốc Xếp hạng Định chế Tài chính, S&P Global Ratings, nhận định, chính sách áp mức trần sở hữu nước ngoài 30% tại các ngân hàng Việt Nam đang kìm hãm các khoản đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, nhất là khi Việt Nam đang là một quốc gia Đông Nam Á phát triển nhanh chóng và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư toàn cầu. Mức trần này tạo ra sự thiếu linh hoạt trong việc thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài quan trọng cho sự phát triển của ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ để các ngân hàng Việt Nam đón nhận làn sóng nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tiếp theo. Ngành ngân hàng Việt Nam vẫn duy trì triển vọng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt khi xét đến sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của đất nước trong những năm gần đây và triển vọng tươi sáng trong những năm tới. Việt Nam đã và đang thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ và sản xuất, nhất là khi chuỗi cung ứng toàn cầu được điều chỉnh lại.
S&P Global Ratings dự báo, năm 2025, Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Tăng trưởng này có thể sẽ được thúc đẩy bởi tín dụng từ khu vực ngân hàng, từ đó, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận nguồn vốn này thông qua việc trở thành cổ đông chiến lược tại các ngân hàng Việt.

Tiếp đến, sự cởi mở hơn về quy định cũng sẽ là trợ lực để các ngân hàng Việt thu hút thêm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Theo Nghị định 69/2025 của Chính phủ, tổng mức sở hữu cổ phần của khối ngoại tại các ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc (trừ các ngân hàng nhà nước nắm giữ trên 50% cổ phần) sẽ được nâng lên tối đa mức 49%, thay vì 30%. Quy định này mở ra cơ hội huy động vốn mới cho các ngân hàng như MB, HDBank và VPBank, khi các ngân hàng này nhận chuyển giao Oceanbank, DongABank và GPBank. Quy định này có hiệu lực từ ngày 19/5 tới đây, hứa hẹn tạo ra một bước đột phá trong việc thu hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Giới phân tích nhận định, trong ba ngân hàng tham gia nhận chuyển giao bắt buộc, việc nới room ngoại được xem là một cơ hội lớn cho kế hoạch huy động vốn của HDBank, đồng thời hỗ trợ mạnh mẽ cho hoạt động kinh doanh và tái cấu trúc DongA Bank. Với sự tham gia của cổ đông chiến lược nước ngoài, HDBank sẽ có thêm dư địa về nguồn vốn, đặc biệt là để phục vụ cho các khách hàng doanh nghiệp lớn, đồng thời mở rộng khả năng tham gia vào các dự án hạ tầng và chiến lược quốc gia trong kế hoạch hoạt động năm 2025.
Ở góc độ khác, ông Ngô Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Chứng khoán VPBankS nhận định, sự xuất hiện của các ngân hàng số thế hệ mới cũng đang góp phần hình thành hành lang pháp lý mới cho khối ngoại gia nhập lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam.
Theo ông Long, năm 2025 ví như một dấu mốc quan trọng đối với ngành ngân hàng, khi lần đầu tiên về mặt lý thuyết, các nhà đầu tư đến từ các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan có khả năng tiếp cận quyền sở hữu 100% đối với một giấy phép ngân hàng trong bối cảnh NHNN đã tạm dừng cấp phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài kể từ năm 2017.
Thông qua việc chuyển giao các ngân hàng 0 đồng dưới hình thức pháp nhân là công ty TNHH MTV, các ngân hàng này có thể được bán 100% cho nhà đầu tư nước ngoài mà không cần sửa đổi luật hiện hành.
Tuy nhiên, cơ hội này hiện vẫn mang tính lý thuyết, do các “ngân hàng số thế hệ mới” cần thời gian đáng kể để tái cấu trúc, đặc biệt là xử lý tình trạng âm vốn chủ sở hữu và xây dựng lại quy mô khách hàng, ông Long lưu ý.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn