Tìm điểm tựa thị trường

Thứ nhất là mức thuế tối đa 46% cho hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ không thay đổi thì tác động tới GDP từ 1,4% đến 2% theo tính toán của Dragon Capital. Trong kịch bản ít xấu hơn, Chính phủ hai nước đàm phán cùng có lợi, mức thuế có thể là 15 - 25%. Kịch bản khả quan nhất là mức thuế sàn 10% mà Mỹ dành cho các nước.

Cho dù kịch bản nào thì động lực tăng trưởng trong nước cũng phải được khơi thông để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định là không đổi trong điều kiện mới.

Nhiệm vụ này đang trở nên thách thức hơn!

Hai giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quan trọng được nhắc tới là tăng trưởng tín dụng tới 15% và đầu tư công. Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân đầu tư công đến ngày 31/3/2025 đạt 9,53% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 đạt 12,27%. Ngay khi có thông tin về chính sách thuế của Mỹ, trang Thông tin Chính phủ đã nêu, “thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay”. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong điều kiện mới cũng trở nên quan trọng giúp các doanh nghiệp có nguồn lực vượt qua những khó khăn trước mắt.

Những định hướng chính sách trong nước đã tạo “điểm tựa” cho hoạt động bắt đáy ngắn hạn trên thị trường cuối tuần qua, thậm chí có thể tạo thành xu thế mạnh mẽ thu hút vốn vào một số nhóm ngành khi câu chuyện về thuế lắng xuống.

Ngay sau ngày thứ Năm đen tối với việc các chỉ số giảm hết biên độ, cùng với một số cổ phiếu đơn lẻ có nội lực tốt, nhóm cổ phiếu ngân hàng như VPB, CTG, TCB, OCB, MSB, ACB… bật lại từ giá sàn, thậm chí STB còn xanh trở lại trong phiên thứ Sáu (4/4). Dòng tiền đầu tư đã quyết định sớm tìm đến nhóm cổ phiếu trụ để đón một năm tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng khả quan nhờ tăng trưởng tín dụng cao, qua đó cứu VN-Index khỏi một phiên giảm quá sâu.

Trong nhóm đầu tư công, cổ phiếu VCG có khối lượng giao dịch đến 14,8 triệu cổ phiếu nhưng giá không chạm sàn và nhanh chóng xanh trở lại nhờ lực cầu bắt đáy mạnh mẽ.

Diễn biến thị trường cho thấy, không ít nhà đầu tư nắm giữ lượng tiền mặt lớn đã quay trở lại “bắt đầu đặt một chân vào thị trường”. Thị trường dù giá giảm mạnh nhưng thanh khoản lại tăng cao.

Tâm lý thị trường sớm ổn định, dòng tiền bắt đáy xuất hiện ở vùng giá này chủ yếu đến từ niềm tin vào những giải pháp của Chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng và vào sự chủ động trong việc ứng phó với chính sách thuế của Mỹ. Đoàn công tác đàm phán thuế đã sang Mỹ. Trang thông tin Chính phủ cho biết Việt Nam hoàn toàn có cơ hội đàm phán, vì mức thuế này còn là một công cụ thúc đẩy đối thoại thương mại…

Lần này, chúng ta cần cải cách có tính cấu trúc, nghĩa là thực sự mở cửa và tạo điều kiện rõ ràng để Hoa Kỳ thấy được thiện chí của Việt Nam. Cần coi Hoa Kỳ như một đối tác thương mại đặc biệt, chủ động áp dụng các chính sách ưu đãi để thể hiện sự trân trọng đối với thị trường này.

Một Tổ công tác đặc biệt cũng đã được thành lập có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực, nhất là điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ để chủ động tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp nhằm thích ứng linh hoạt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả…

Khi mà bối cảnh thương mại quốc tế còn phức tạp và đảo lộn trật tự cũ thì sự chủ động ứng phó của Chính phủ giữ vững niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp cũng như TTCK sớm tìm được điểm cân bằng. Tất nhiên, các doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng cần chủ động thích ứng và hoạch định các giải pháp riêng cho mình, như những câu chuyện được đề cập trong Tiêu điểm của số báo này.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn