Tín dụng đến cuối tháng 5 tăng 2,41%, cách xa mục tiêu Chính phủ đặt ra
Theo Chứng khoán SSI, trong cuộc họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ cho biết tín dụng tính đến cuối tháng 5 chỉ tăng 2,41% so với cuối năm 2023 (tương đương với mức tăng 12,8% so với cùng kỳ). Như vậy kể từ đầu năm, dư nợ tín dụng đã tăng thêm hơn 326.800 tỷ đồng.
SSI đánh giá tăng trưởng tín dụng thấp giúp cho thanh khoản hệ thống không gặp nhiều vấn đề mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện các nghiệp vụ hút ròng trong tháng 5 nhằm ổn định tỷ giá. Theo thông tin từ WiGroup, trong tháng 5, NHNN đã bán khoảng 5 tỷ USD dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá, tương ứng việc hút 125.000 tỷ đồng.
Đối với nhiệm vụ trong thời gian tới, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm vào khoảng 5%, cả năm khoảng 15%. Hiện chỉ còn chưa đầy 1 tháng là quý II kết thúc nhưng tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt chưa được nửa mục tiêu mà Chính phủ đề ra.
Trong văn bản gần đây, NHNN đã đề nghị các tổ chức tín dụng nỗ lực phấn đấu giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay, phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý II ở mức 5- 6%.
Trước đó, tại báo cáo gửi tới Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết đến ngày 10/5/2024, tín dụng tăng 1,95% so với cuối năm 2024.
Theo báo cáo, trong những tháng đầu năm 2024, mặc dù thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các TCTD có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay ra nền kinh tế nhưng tín dụng vẫn gặp khó khăn.
Hai tháng đầu năm tín dụng toàn hệ thống vẫn giảm so với cuối năm 2023. Cụ thể, đến ngày 31/1, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 13.479.677 tỷ đồng, giảm 0,6% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,10%). Đến ngày 29/2, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 13.472.474 tỷ đồng, giảm 0,72% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,87%).
Mãi đến cuối tháng 3, tín dụng mới quay đầu tăng trưởng 1,34%. Tuy nhiên, từ 29/3 đến 10/5 (42 ngày), tín dụng mới tăng thêm 0,61%, tương đương 82.700 tỷ đồng, chậm lại đáng kể so với kết quả của tháng 3. Từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 3, dư nợ tín dụng từng tăng hơn 279.000 tỷ đồng. Trong thời gian 20 ngày từ 10/5 đến 31/5, tín dụng đã nhích thêm 0,46%, tương ứng dư nợ tăng gần 62.400 tỷ đồng.
Xem thêm tại vietnambiz.vn