Tín dụng ồ ạt đổ vào lĩnh vực hạ tầng

Thủ tướng Chính phủ đã giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực đầu tư hạ tầng và công nghệ số.

Hàng chục tỷ USD đổ vào dự án hạ tầng

Theo đánh giá của các chuyên gia, thuế quan mới của Mỹ đặt ra nhiều thách thức kinh tế, trong đó mang lại nhiều tác động đến các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Trong chính sách tiền tệ, khi các doanh nghiệp gặp khó khăn thì tăng trưởng tín dụng cũng đối diện nhiều mối lo.

Tăng trưởng tín dụng trong quý I/2025 khởi sắc, đạt 3,93%, gấp 2,5 lần so với mức 1,42% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, việc áp thuế đối ứng của Mỹ nếu có hiệu lực sẽ tác động mạnh đến lĩnh vực xuất nhập khẩu – một trong những lĩnh vực ưu tiên và cũng là lĩnh vực được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

-8142-1744601120.jpg

Sắp có gói tín dụng 500.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi cho lĩnh vực đầu tư hạ tầng và công nghệ số.

Do đó, các chuyên gia và doanh nghiệp đều khuyến nghị Việt Nam cần linh hoạt, chủ động để ứng phó với mọi tình huống, cũng như tìm giải pháp để tiếp tục thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp, kéo tăng trưởng tín dụng đạt cả về chất và lượng như mục tiêu đề ra.

Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Giám đốc SSI Research cho rằng, động lực tăng trưởng sẽ đến từ nội địa, giúp định hướng tăng trưởng tín dụng hơn 16% trong năm nay của NHNN vẫn có thể thực hiện được.

Ví dụ, trước đây cho vay cơ sở hạ tầng được xếp vào lĩnh vực rủi ro vì thời gian hoàn vốn lâu, ngân hàng đối mặt với nguy cơ mất cân đối cơ cấu kỳ hạn. Nhưng hiện nay, Chính phủ chủ trương đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, thủ tục liên quan đến đầu tư công cũng được rút ngắn, doanh nghiệp lấy lại tiền đầu tư nhanh hơn, ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay cơ sở hạ tầng nhiều hơn.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam nhấn mạnh, đầu tư công vào hạ tầng không chỉ là động lực ngắn hạn mà còn là nền tảng cho tăng trưởng bền vững.

Dự kiến từ cuối năm 2025, hàng loạt dự án trọng điểm sẽ được triển khai với tổng vốn đầu tư hàng chục tỷ USD mỗi năm. Từ năm 2026, mỗi năm dự kiến có ít nhất 8 - 10 tỷ USD được rót vào nền kinh tế.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa, để đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án hạ tầng, ngoài ngân sách nhà nước, các ngân hàng thương mại (NHTM) cần tham gia mạnh mẽ hơn, đặc biệt thông qua việc mua trái phiếu chính phủ nhằm cung cấp nguồn lực cho đầu tư công.

Trên thực tế, ngay từ đầu năm, một số ngân hàng đã bắt đầu giải ngân vốn cho các dự án BOT giao thông, các dự án trọng điểm quốc gia. Đơn cử, Vietcombank đã tham gia tài trợ dự án Đường dây truyền tải điện Lào Cai - Vĩnh Yên, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, Sân bay quốc tế Long Thành. Trong khi VIB cũng tài trợ các dự án hạ tầng như BOT, sản xuất, truyền tài điện, trong đó gần đây nhất tham gia tài trợ một phần dự án đường dây 500kV.

Tương tự, TPBank đã ký hợp đồng tài trợ 2.500 tỷ đồng cho Công ty cổ phần cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng, đảm bảo nguồn lực đưa dự án về đích vào năm 2025. Tính đến nay, TPBank đã giải ngân gần 7.900 tỷ đồng cho các dự án BOT như cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, đường ven biển Thái Bình – Nam Định – Hải Phòng và các tuyến giao thông tại Long An.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank cho biết, ngân hàng xác định tín dụng hạ tầng là lĩnh vực khó do thời gian hoàn vốn dài và rủi ro dòng tiền. Tuy nhiên, với cam kết đồng hành cùng sự phát triển kinh tế, TPBank quyết tâm góp phần tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng, một trong ba đột phá chiến lược của quốc gia.

Sắp có gói tín dụng 500.000 tỷ đồng

Về phía nhà điều hành, liên quan đến các khó khăn và thách thức hiện nay, đặc biệt là tác động từ chính sách thuế mới của Mỹ, nhiều doanh nghiệp và lĩnh vực kinh tế trọng yếu đang bị ảnh hưởng, kéo theo tác động đến người lao động.

Trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng nhận định phát triển các dự án hạ tầng trở thành động lực tăng trưởng kinh tế.

Vì vậy, tại cuộc họp giữa NHNN với các NHTM được tổ chức cuối tuần qua, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, thời gian qua, ngành ngân hàng đã tích cực thực hiện các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp nói chung, cũng như các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số. “Việc triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho lĩnh vực đầu tư hạ tầng và công nghệ số, cùng các chính sách hỗ trợ khác kịp thời là rất cấp bách", ông Tú nhấn mạnh.

Về cơ chế, nguồn vốn chủ yếu từ các NHTM, được cân đối từ nguồn huy động. Các khoản vay phải đảm bảo điều kiện tín dụng, không hạ chuẩn, nhưng sẽ có hỗ trợ về lãi suất, thời hạn, đồng tài trợ.

Sau lời kêu gọi của Chính phủ, NHNN, các nhà băng đều đồng thuận triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng. Đại diện VIB cho biết ngân hàng sẵn sàng triển khai gói tín dụng từ 5.000-10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn khoảng 1% so với mặt bằng thông thường, nhằm đồng hành cùng các chính sách trọng điểm của Nhà nước.

Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank khẳng định ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là về lãi suất, nhưng cần rõ ràng về trách nhiệm trong việc cho vay để các ngân hàng yên tâm mạnh dạn triển khai.

Trong khi đó, ông Lê Quang Vinh, Tổng giám đốc Vietcombank đề xuất xem xét cơ chế góp vốn, chia sẻ lợi ích thay vì chỉ cho vay truyền thống, đặc biệt với các doanh nghiệp công nghệ đổi mới sáng tạo.

Các chuyên gia khuyến nghị, cơ chế đối với lĩnh vực này cần rõ ràng, nhất quán, tránh tình trạng ngân hàng gặp rủi ro tín dụng. Bởi hiện nay, 80-90% vốn huy động của ngân hàng là ngắn hạn, trong khi cho vay hạ tầng đều là vốn dài hạn, nên rủi ro tiềm ẩn cho ngân hàng là rất lớn. Vì vậy, để tránh dẫm vào vết xe đổ, các ngân hàng thương mại đề nghị cơ chế phát triển dự án BOT, BT phải rõ ràng.

Nhiều ngân hàng phản ánh cho vay các dự án này không dễ, bởi các khách hàng trên về cơ bản đã chạm mức giới hạn tối đa cho vay với một khách hàng. Ông Đỗ Minh Phú đề nghị NHNN xem xét miễn áp dụng room tín dụng đối với các khoản vay BOT, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức tín dụng có thêm dư địa tài trợ vốn cho các dự án hạ tầng trọng điểm.

Huyền Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn