Tín dụng sẽ cán đích 15%

Đích đến không còn xa

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng đạt 11,9% vào ngày 29/11/2024, nhưng đến ngày 7/12/2024 đã tăng lên 12,5%.

Theo Phó Thống đốc, tăng trưởng tín dụng năm nay cao hơn cùng kỳ năm ngoái, dù ngay từ đầu năm đã bộc lộ nhiều khó khăn. Bởi thời điểm này của năm ngoái mới tăng được khoảng 9%, còn năm nay đã tăng đến 12,5%.

Cũng theo Phó Thống đốc, tổng dư nợ của nền kinh tế đến thời điểm hiện tại đạt khoảng 15,3 triệu tỷ đồng, huy động vốn đạt 14,8 triệu tỷ đồng, tốc độ gia tăng huy động vốn đạt 7,36%.

Như vậy, tốc độ tăng dư nợ khá lớn so với tốc độ huy động vốn. Điều này chứng tỏ rằng, ngoài việc huy động vốn từ nền kinh tế của các ngân hàng thương mại, NHNN cũng phải có động tác điều chỉnh, hay nói cách khác là hỗ trợ thanh khoản cho thị trường bằng các công cụ điều hành chính sách.

Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh, NHNN mới thông báo điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 đối với các tổ chức tín dụng theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch. Việc bổ sung hạn mức tín dụng này là sự chủ động của NHNN, mà các tổ chức tín dụng không cần phải đề nghị.

Trước đó, vào cuối tháng 8/2024, các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng cho vay năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN giao đầu năm 2024 được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của tổ chức tín dụng.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh tính đến ngày 26/8, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63% so với cuối năm 2023, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm.

Mức tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng không đồng đều, có nơi tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm, trong khi có nơi tăng sát chỉ tiêu được giao. Các ngân hàng đã hoàn thành mức 80% trở lên như ACB, HDBank, LPBank, Techcombank… đã được nâng hạn mức cho vay lên 18-18,7% trong đợt cấp thêm vào cuối tháng 8/2024.

Việc NHNN vẫn tiếp tục nới room tín dụng cho thấy, tăng trưởng cho vay giữa các ngân hàng đang phân hóa rất mạnh, không phải ngân hàng nào cũng có khả năng mở rộng tín dụng.

Vì vậy, giới phân tích cho rằng, NHNN nới room để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có khả năng tăng trưởng cho vay, tránh cảnh nơi thừa, nơi thiếu, đảm bảo tín dụng toàn hệ thống cả năm có thể đạt mục tiêu 15%.

Lý giải nguyên nhân tăng trưởng tín dụng năm nay tăng nhanh hơn năm ngoái, Phó Thống đốc cho biết, nền kinh tế năm nay có nhiều điểm tích cực, xuất khẩu tăng nhanh, các doanh nghiệp nhìn chung đã trở lại guồng quay tăng trưởng. Đây là điều đáng mừng khi môi trường vĩ mô chung tích cực, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế cũng như tăng trưởng tín dụng.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế đưa ra nhận định, tăng trưởng tín dụng năm 2024 có thể đạt được mục tiêu 15% hoặc cao hơn chút đỉnh, do cầu vốn thường tăng cao trong mùa kinh doanh cao điểm ở quý cuối năm.

Cần kiểm soát chất lượng tài sản

PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân đến từ Trường đại học Kinh tế TP.HCM nhìn nhận, đến ngày 7/12/2024, tín dụng tăng 12,5% thì để đạt được mục tiêu 15% là không quá khó, song việc giải ngân ồ ạt trong thời gian ngắn cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo ông Huân, không thể tính chính xác nợ xấu thực tế tại các ngân hàng hiện nay, nhưng chắc chắn cao hơn số liệu công bố. Khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ hết hiệu lực (ngày 30/6/2024), nợ xấu sẽ tăng cao, buộc các ngân hàng phải gia tăng trích dự phòng rủi ro.

Một chuyên gia tài chính khác cũng cho hay, nếu để chạy đua chỉ tiêu mà các ngân hàng nới lỏng tiêu chuẩn cấp tín dụng, các khoản vay có thể tiềm ẩn rủi ro, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, chứng khoán...

Hoặc nếu dòng vốn tín dụng tập trung quá mức vào các lĩnh vực tiêu dùng hoặc đầu cơ, có thể đẩy giá cả leo thang, gây áp lực lên mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ. Để tín dụng thực sự trở thành động lực, điều cần nhất là chất lượng tín dụng và kiểm soát nợ xấu.

Để tín dụng thực sự trở thành động lực, điều cần nhất là chất lượng tín dụng và kiểm soát nợ xấu.

Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng là 4,55% - gần bằng mức cuối năm 2023 nhưng tăng so với mức 2% của năm 2022.

Đứng đầu về số dư nợ xấu trong hệ thống là BIDV với hơn 33.386 tỷ đồng, tăng hơn 49% so với cuối năm 2023, nhưng do tổng dư nợ tín dụng ở mức cao nên tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ không quá cao, đạt 1,71%.

Tương tự, VietinBank ghi nhận số dư nợ xấu tăng gần 40% lên 23.225 tỷ đồng, nhưng do tín dụng tăng cao nên tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ đạt 1,45% - tăng so với mức 1,13% hồi cuối năm 2023.

Vietcombank cũng ghi nhận số dư nợ xấu tăng hơn 37% lên 17.133 tỷ đồng, nhưng có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ thấp nhất hệ thống, chỉ ở mức 1,22% - cho dù cũng tăng hơn so cuối năm trước.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, nợ xấu là vấn đề lớn cần quan tâm, bởi đây là hệ quả của cả quá trình.

Nhìn chung, đó là những khoản nợ sau 2 năm có dịch Covid-19 và năm 2023 là do yếu tố khách quan khó khăn của nền kinh tế, chứ không phải sự yếu kém của ngành ngân hàng. NHNN sẽ có biện pháp xử lý tích cực hơn, đảm bảo chất lượng tín dụng và kiểm soát nợ xấu, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro để đảm bảo an toàn ngân hàng.

“Nợ xấu tăng, nhất là trong tình hình kinh tế khó chồng thêm khó sau cơn bão Yagi vừa qua, các ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng để phòng ngừa rủi ro.

Tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của 28 ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2024 là 100.045 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Có đến 23/28 ngân hàng gia tăng trích lập dự phòng, thậm chí tăng bằng lần, làm sụt giảm lợi nhuận”, Phó Thống đốc cho hay.

Mới đây, NHNN đã ban hành Thông tư 53/2024 quy định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão Yagi, có hiệu lực từ ngày 4/12/2024, bao gồm 9 điều, trong đó quy định: Đối tượng là các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 trên địa bàn 26 địa phương; tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét cơ cấu số dư nợ gốc và lãi của khoản cho vay, cho thuê tài chính có số dư nợ gốc phát sinh trước ngày 7/9/2024 và phát sinh nghĩa vụ trả nợ từ ngày 7/9/2024 đến 31/12/2025.

Đồng thời, số dư nợ được xem xét cơ cấu còn trong hạn hoặc quá hạn không quá 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, trả nợ đã thỏa thuận.

Tuy nhiên, để hỗ trợ khách hàng có thời gian khắc phục hậu quả sau bão, Thông tư 53/2024 cũng cho phép xem xét được cơ cấu lần đầu tiên đối với số dư nợ quá hạn trên 10 ngày trong khoảng thời gian kể từ ngày 7/9/2024 đến hết 10 ngày kể từ ngày Thông tư có hiệu lực…

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện đến hết ngày 31/12/2025 và không giới hạn số lần cơ cấu. Thời điểm trả nợ cuối cùng của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ được xác định phù hợp với mức độ khó khăn của khách hàng, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2027.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá, việc NHNN ban hành Thông tư 53/2024 giúp giảm áp lực tài chính, tạo điều kiện để khách hàng có thể tiếp cận vốn vay mới, từ đó có thêm nguồn lực để khôi phục sản xuất - kinh doanh sau bão.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn