Tín dụng tăng thấp, Vietcombank ước tăng thêm 2,2% trong 13 ngày cuối tháng 6, các ông lớn BIDV, Agribank thì sao?
Tăng trưởng tín dụng không đồng đều giữa Big4
Tính đến 14/6, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng 3,79% so với cuối năm 2023, trong đó tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng. Tuy nhiên, tại một số địa phương tăng trưởng tín dụng còn thấp, có những tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, thậm chí tăng trưởng âm.
Chia sẻ về vấn đề này tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024 sáng 19/6, Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết tính đến hết 17/6, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mới đạt 2,1%, tức tăng 29.000 tỷ đồng, thấp hơn so với các năm trước.
Trong đó, dư nợ đối với khách hàng bán buôn tăng 3,6% và khác hàng bán lẻ tăng 1,3%. Trong đó, tín dụng bán lẻ trong toàn bộ hai quý cuối năm 2023, đầu 2024 đều giảm, chỉ tăng ở tháng 6. Hiện bán lẻ chiếm hơn 20% tổng dư nợ của Vietcombank, trong đó dư nợ tiêu dùng bất động sản rất lớn.
Tuy nhiên, ông dự kiến đến hết 30/6 tăng trưởng tín dụng đạt 4,3%, đến hết 30/9 là 8,2% và cả năm là 12%. Tức trong vòng chưa đầy nửa tháng, mức tăng trưởng đạt được gần ngang bằng trong hơn 5 tháng trước đó.
Giải thích về nguyên nhân tín dụng bán lẻ tăng chậm, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết trong thời gian vừa qua, do khó khăn pháp lý, cung bất động sản rất hạn chế, người dân thu nhập giảm … dẫn đến người dân e dè trong đầu tư mua sắm.
Ngoài ra, Thông tư 06 thúc đẩy các ngân hàng cạnh tranh lãi suất, nhưng cũng đồng thời khiến khách hàng chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. "Khẩu vị mỗi ngân hàng khác nhau, không phải chỉ lãi suất mà còn tỷ lệ cho vay/tài sản đảm bảo. Nguyên nhân khiến khách hàng rời đi không chỉ do lãi suất", ông Tùng nói.
Xét theo kỳ hạn, cho vay trung dài hạn giảm suốt năm 2024 và đến 17/6 thì mới tăng 2,4%. Tuy vậy, ông Tùng đánh giá đây là nỗ lực lớn của Vietcombank, vì trong những tháng đầu năm, dư nợ tín dụng có lúc giảm tới 4%.
Theo ông, tín dụng trung dài hạn tăng chậm là do Vietcombank có nhiều khách hàng FDI, xuất khẩu. Trong thời gian vừa qua, do tình hình thế giới đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đến nhu cầu đơn hàng sụt giảm.
Cũng trong hội nghị, Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm thông tin rằng tăng trưởng tín dụng của BIDV cập nhật hết 17/6 là 4,7%, tương ứng dư nợ 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 81.000 tỷ so với cuối năm 2023. Tính theo doanh số giải ngân là 34 triệu tỷ đồng, vòng quay vốn là 2,78 lần.
"Cuối năm ngoái tăng trưởng khá nhanh nên trong tháng 1,2 là tăng trưởng âm, bắt đầu tăng trưởng vào tháng 5 và đến nay là tăng 4,7%. Nhưng thực tế dư nợ so với cùng kỳ năm ngoái tăng 15,6%, con số này không phải thấp", ông Lâm nhấn mạnh.
Xét theo địa bàn, tín dụng Hà Nội tăng trưởng 9,6%, TP HCM tăng 4,1%, Nam Trung Bộ tăng 6,3%. Những khu vực còn lại tăng thấp, có cụm âm. Hiện nay có nhiều đơn vị tăng trưởng âm so với năm 2023.
Ngoài ra, Tổng Giám đốc BIDV thông tin thêm rằng ngân hàng hiện có 16 gói tín dụng quy mô 80.000 – 90.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn 0,5 – 2,5 điểm % so với khách hàng thông thường, để thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, trong gần 6 tháng, ngân hàng giảm lợi nhuận 3.500 tỷ để hỗ trợ khách hàng.
Báo cáo tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết đến hết 31/5, tổng tài sản của Agribank đạt trên 2 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ đạt 1,57 triệu tỷ đồng, tăng 1,24%. Dự kiến đến hết 30/6 tăng 2,5% và hết năm tăng trưởng 8,5%.
"Mặc dù Phó Thống đốc cho biết Agribank tăng trưởng thấp nhưng với đặc thù tín dụng Agribank, tệp khách hàng thì đây cũng là một kết quả tốt. Đồng thời, Agribank cũng tăng trưởng tốt hơn với cùng kỳ năm trước", ông Vượng nhận định.
Báo cáo thêm, Tổng Giám đốc Agribank cho biết một số ngành, lĩnh vực tăng cao: bán buôn, bán lẻ tăng 5,1%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 3,1%, sản xuất điện tăng 2,8%. Chương trình NOXH đã phê chuẩn 11 dự án với 39 khách hàng, kết quả cao nhất trong các ngân hàng thương mại. Cam kết thêm 13 dự án với dư nợ dự kiến 50.000 tỷ đồng. Nông thủy sản đã tăng gói từ 5.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng, đến 31/5 đạt 6.200 tỷ đồng và dự kiến đến cuối tháng 6 sẽ hết chương trình.
Ngân hàng rất nỗ lực nhưng gặp vướng mắc tại địa phương
Theo Tổng Giám đốc Vietcombank, tăng trưởng tín dụng thấp có một phần nguyên nhân tới từ vướng mắc tại địa phương: "Vietcombank đã ký nhiều cam kết tín dụng lớn, nhưng đến khi tới địa phương thì lại gặp khó khăn trong giải quyết các giấy phép con như phòng cháy chữa cháy ... Những yếu tố này vượt quá khả năng của ngân hàng".
Ngoài ra, ông khẳng định Vietcombank sẽ cùng Big4 tiếp tục giảm lãi suất. Tuy nhiên, thực tế nhiệm vụ này là vô cùng khó khăn trong bối cảnh lãi suất huy động bắt đầu nhích lên.
Cũng chung quả điểm này, Tổng Giám đốc Agribank cho biết Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo rất nhiều biện pháp, nhưng xuống đến cơ sở thì vẫn khó khăn. Có tình trạng không làm, thiếu trách nhiệm, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực đất đai.
Đồng thời, ông cho biết việc điều chỉnh quy hoạch, chuyển nhượng hay giảm dịch đảm bảo vẫn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, ông Vượng nhận định rằng nền kinh tế thế giới cũng đang có tác động lớn tới kinh tế Việt Nam.
Theo Tổng Giám đốc BIDV, thời gian qua, hoạt động ngân hàng có thuận lợi là kinh tế Việt Nam hồi phục, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, mặt bằng lãi suất khá thấp và có sự quan tâm của Chính phủ. Tuy nhiên, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế và doanh nghiệp còn thấp, nhiều doanh nghiệp ngừng kinh doanh, rút khỏi thị trường.
"Bản thân ngân hàng rất muốn cho vay, rất sốt ruột", ông nói. Ngoài ra, ông Lâm cho biết nhiều dự án không hoàn thành được pháp lý trong nghiệm thu dự án, nên nguồn tiền bị ảnh hưởng.
Đề nghị gỡ khó tại địa phương, sớm hướng dẫn luật
Theo đại diện Vietcombank, trong thời gian tới, ngân hàng vẫn tập trung cho vay các dự án trọng điểm, dự án lớn, các phân khúc bất động sản có nhu cầu thực, bất động sản khu công nghiệp. Nhóm khách hàng mục tiêu của ngân hàng vẫn sẽ là nhóm FDI và xuất khẩu.
Ông Tùng có kiến nghị NHNN báo cáo với Chính phủ, các bộ ngành về việc tăng trưởng tín dụng không đạt mục tiêu không hoàn toàn nằm ở ý chí ngân hàng, mà phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và sự hỗ trợ của các bộ ngành, địa phương trong việc cấp phép, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Ngoài ra, ông cũng đề xuất có cơ chế đặc thù cho những ngân hàng tốt để cấp tín dụng cho những dự án lớn, tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Luật TCTD 2024 đã hạ tỷ lệ cho vay tối đa trong một khách hàng và người liên quan từ 15%/25% xuống 10%/15%.
"Chính phủ chỉ đạo nhiều về định hướng tín dụng xanh, nhưng bản thân chúng tôi cũng loay hoay về tiêu chuẩn, chuẩn mực tín dụng xanh. Ngân hàng đang thiếu công cụ để xác định. Mong NHNN kiến nghị Chính phủ sớm ban hành tiêu chuẩn về tín dụng xanh", ông Tùng phát biểu thêm.
Đại diện Agribank cho biết trong những tháng tới, ngân hàng sẽ tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, thủy sản, phân bón ... cũng như công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất thép, phân bón, dệt may. Về cho vay lĩnh vực bất động sản, Agribank sẽ hướng đến phân khúc NOXH để đáp ứng nhu cầu thị trường và bất động sản khu công nghiệp.
Ông Vượng cho biết năm nay nhiều luật ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng như Luật TCTD, Luật đất đai. Tuy nhiên, hướng dẫn luật rất chậm, càng hướng dẫn càng thấy vướng, đề nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan sớm tháo gỡ.
Về lĩnh vực nông nghiệp, ông đề nghị NHNN sớm tổng kết các chương trình cho vay không hiệu quả, không khả thi. Đồng thời, Tổng Giám đốc Agribank cũng đề xuất hỗ trợ xây dựng một thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh và phân biệt rõ trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu ngân hàng.
Xem thêm tại vietnambiz.vn