Tín dụng tháng 1 tăng trưởng âm
Tại Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.
Đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp khi so sánh với cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, điều này là dễ hiểu khi cuối năm 2023 đã có một đợt tăng trưởng tín dụng nóng.
Cụ thể, tính riêng tháng 12/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 4,56 điểm % (tương đương hơn 540.000 tỷ đồng), chiếm 1/3 tổng mức tăng thêm của cả năm 2023.
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện một số ngân hàng cho biết, nguyên nhân chính của sự sụt giảm tăng trưởng tín dụng vẫn chủ yếu đến từ sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, trong tháng 1/2024, tín dụng của ngân hàng này sụt giảm 2,3% so với cuối năm 2023, tương ứng giảm 30.000 tỷ. Nguyên nhân là tín dụng tiêu dùng bất động sản tiếp tục đà suy giảm từ năm 2023 đến nay.
"Tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập người dân sụt giảm, thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, các dự án bất động sản mới được cấp phép trong năm 2023 ít, các vướng mắc pháp lý vẫn còn nhiều… dẫn tới tình trạng trên. Bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, sức cầu giảm, đơn hàng sụt giảm cũng dẫn tới cầu vốn ngân hàng thấp", ông Tùng nói.
Tuy nhiên, đại diện của Vietcombank nhận định, dư nợ tín dụng có xu hướng giảm vào tháng 1, tháng 2 hàng năm và sẽ tăng trở lại vào các tháng tới, không có gì bất thường.
Tương tự, tại BIDV, tín dụng tháng 1/2024 cũng giảm 1,25% so với cuối năm ngoái.
Ông Trần Long, Tổng Giám đốc BIDV cho biết, nguyên nhân khiến tín dụng suy giảm tháng đầu năm là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chậm, các động lực tăng trưởng phục hồi chậm, hoạt động của doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn vướng mắc, năng lực tài chính của doanh nghiệp sút giảm…
Một số chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng, lãi suất hiện nay kết quả giải ngân còn khá khiêm tốn, như: Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư, các NHTM đã giải ngân cho 6 dự án với số tiền là 531 tỷ đồng và giải ngân cho người mua nhà với số tiền là 4,5 tỷ đồng.
Chương trình tín dụng 20.000 tỷ đồng cho công nhân theo thỏa thuận hợp tác giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và 2 công ty tài chính HDSaison và FECredit, đã giải ngân cho công nhân khoảng 10.056 tỷ đồng.
Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, tổng lũy kế đến 31/12/2023, đã có gần 188 nghìn lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là trên 183,5 nghìn tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, lũy kế số tiền HTLS từ đầu chương trình đến 31/12/2023 (thời điểm kết thúc chính sách theo quy định) đạt khoảng 1.218 tỷ đồng cho gần 2.300 khách hàng.
Xem thêm tại nhadautu.vn