Tín dụng thoát đáy, lợi nhuận quý I tại nhiều ngân hàng khả quan
SeABank là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý I/2024 với con số lợi nhuận khả quan, đạt hơn 1.500 tỷ đồng, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm 2022.
Một số nhà băng báo lãi tăng hơn 40%
Tổng thu nhập hoạt động quý I của SeABank đạt 2.706 tỷ đồng, tăng 19,54%; tổng doanh thu đạt 6.438 tỷ đồng, tăng 4,6%. Đồng thời, thu thuần ngoài lãi (NOII) cũng ghi nhận con số tăng trưởng gần 51% so với cùng kỳ, đạt 705 tỷ đồng.
Các chuyên gia dự báo lợi nhuận của hầu hết các ngân hàng trong quý I/2024 tương đối tích cực. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết lợi nhuận trước thuế của OCB trong quý I/2024 đạt khoảng 1.000 - 1.200 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2023 đạt 983 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022).
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 tổ chức ngày 4/4, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB thông tin, kết thúc quý I/2024, tín dụng của ACB tăng 3,7% so với cuối năm 2023, cao hơn gần gấp đôi so với tăng trưởng tín dụng toàn ngành và tăng trưởng tích cực hơn so với các tháng trước đó.
Trong báo cáo vừa công bố, Công ty chứng khoán MB (MBS) đã đưa ra dự báo lợi nhuận của các ngân hàng trong quý I/2024 với phần lớn các kết quả tương đối tích cực.
Điển hình là VPBank đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 180% so với cuối năm 2023; dự báo cả năm 2024 sẽ tăng hơn 90%, đạt khoảng hơn 16.000 tỷ đồng.
Tiếp đó là HDBank với mức tăng lợi nhuận quý I ước đạt 48% dựa trên mức nền thấp của quý I/2023, tương đương lãi sau thuế hơn 3.200 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 2024 của ngân hàng này được dự báo tăng 31,5% nhờ vào tín dụng tiếp tục tăng trưởng tốt và biên lãi thuần (NIM) tiếp tục cải thiện.
Hai ngân hàng VietinBank và OCB được dự báo lợi nhuận sau thuế cùng tăng hơn 44%, tương đương khoảng 6.976 tỷ đồng và 1.135 tỷ đồng; Sacombank được dự báo lãi tăng 31,6%; MB ước tăng 14,8%; Vietcombank ước tăng dưới 10%.
Bên cạnh lợi nhuận tăng trưởng tích cực ở một số ngân hàng, vẫn có nhà băng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm trong quý I.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ năm 2024, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB cho biết, kết thúc quý I/2024, ngân hàng đạt 2.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (quý I/2023 đạt 2.694 tỷ đồng).
Lý giải nguyên nhân khiến lợi nhuận sụt giảm, ông Vỹ cho rằng do quý I đã có một tháng là kỳ nghỉ tết, cùng với đó hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancassurance) trong quý đầu năm nay cũng ghi nhận kết quả giảm sút. Tuy nhiên, Chủ tịch VIB cho biết mặc dù kết quả giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng so với kế hoạch năm 2024 (12.000 tỷ đồng) thì vẫn khả thi, vẫn là điểm sáng trong hoạt động kinh doanh.
Trong khi đó, TPBank cũng được MBS dự báo có lợi nhuận quý I/2024 giảm 11,2%.
Tăng trưởng tín dụng đã thoát đáy
Theo các chuyên gia, lợi nhuận ngân hàng quý I tăng là nhờ tăng trưởng tín dụng trong tháng 3 đã phục hồi sau 2 tháng đầu năm khá ảm đạm.
Tại ĐHĐCĐ, chia sẻ với các cổ đông, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB cho biết, kết thúc quý I, tăng trưởng tín dụng tại ACB đạt 3,7%, cao hơn gấp đôi so với mức tăng toàn ngành và cũng tốt hơn cùng kỳ.
Trong khi đó, tại lễ ký kết thỏa thuận tư vấn chuyển đổi ngân hàng xanh và dịch vụ ngân hàng số bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ giữa OCB và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) chiều 2/4, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, cũng cho hay tín dụng tại ngân hàng này tăng trưởng 4,6% trong quý I, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của ngành, huy động vốn tăng khoảng 5%.
Với các ngân hàng khác chưa đưa ra con số báo cáo tài chính quý I/2024, song theo nhận định của MBS, nhiều nhà băng ghi nhận lợi nhuận tăng nhờ tín dụng tăng trưởng trong kỳ.
Chẳng hạn, lợi nhuận của VietinBank tăng nhờ tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 5% trong quý I với NIM đi ngang đạt 2,9%. Thu nhập ngoài lãi tăng 12% nhờ hoạt động kinh doanh ngoại hối và thu phí.
Hay như Sacombank được dự báo lợi nhuận tăng nhờ tăng trưởng tín dụng đạt 4% so với cuối năm 2023, NIM đi ngang so với quý IV/2023 đạt 3,6%; MB được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng tín dụng khoảng 5% trong quý I.
Trong khi đó, lợi nhuận của BIDV tăng chủ yếu nhờ giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Dự báo chung cho toàn ngành, MBS kỳ vọng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng theo dõi tăng 23,6% trong năm 2024 với 3 động lực chính là tăng trưởng tín dụng cao hơn của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước; NIM tăng nhẹ hoặc đi ngang và sự phục hồi của thu nhập ngoài lãi nhờ hoạt động thu phí được phục hồi.
Bên cạnh đó, kinh doanh vàng và ngoại hối cũng sẽ được dự báo có thu nhập tốt trong 6 tháng đầu năm 2024 nhờ những biến động gần đây.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho rằng trong năm nay, ngành ngân hàng sẽ có kết quả kinh doanh khả quan hơn năm ngoái nhờ vào 3 động lực, đó là tỷ lệ NIM được cải thiện, tăng trưởng tín dụng phục hồi nhờ nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc và tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm, chất lượng tài sản tăng lên.
Ông Phan Duy Hưng, Giám đốc phân tích cao cấp Khối Xếp hạng và Nghiên cứu, Mảng định chế tài chính của Công ty xếp hạng tín nhiệm VIS Rating nhận định, năm nay có 3 yếu tố là môi trường kinh doanh, chất lượng tài sản và khả năng sinh lời sẽ được cải thiện.
Theo đó, lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ hồi phục trong năm 2024 nhờ điều kiện kinh doanh trong nước khả quan hơn cùng môi trường lãi suất thấp giúp cải thiện khả năng trả nợ của khách hàng.
Đồng thời, nợ xấu toàn ngành ngân hàng sẽ giảm về mức 1,7% - 1,8% so với mức 1,9% trong năm 2023. Việc tái cơ cấu các khoản vay sẽ chậm dần do dòng tiền của doanh nghiệp sẽ được cải thiện đến từ việc mặt bằng lãi suất thấp và sự hỗ trợ chính sách từ Chính phủ nhằm thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng nội địa sẽ có hiệu lực, từ đó góp phần đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Do vậy, NIM của các ngân hàng sẽ được cải thiện nhờ đóng góp từ chi phí vốn của toàn ngành được điều chỉnh từ mức thấp nhanh hơn so với lãi suất đầu ra. Đồng thời, gần đây, các ngân hàng đã cải thiện được tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn/tổng huy động vốn) từ đó hỗ trợ cho chi phí vốn.
Huyền Anh
Xem thêm tại vnbusiness.vn