Tín dụng tiêu dùng đã thấy "ánh sáng cuối đường hầm"

Kết thúc 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank đạt gần 13,9 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 67% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Ngân hàng mẹ đóng góp hơn 13 nghìn tỷ đồng, trong khi các công ty con tiếp nối đà tăng từ các quý trước.

Nhưng trong bức tranh kết quả kinh doanh 9 tháng của VPBank có dấu ấn không nhỏ của FE Credit khi quý III/2024 báo lãi gần 300 tỷ đồng. Đây là kết quả của quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ của công ty tài chính tiêu dùng này, ưu tiên lựa chọn, lọc phân khúc khách hàng chất lượng, đẩy mạnh thu hồi nợ và tinh chỉnh bộ máy hoạt động.

Đáng chú ý, nỗ lực thúc đẩy thu hồi nợ và ứng dụng công nghệ số xuyên suốt cũng mang lại trái ngọt cho cả tập đoàn khi thu từ nợ đã xử lý rủi ro hợp nhất đạt hơn 3,2 nghìn tỷ đồng trong 3 quý, tăng hơn 90% so với cùng kỳ. Nhờ áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu đa dạng, tỷ lệ nợ xấu (NPL) theo Thông tư 11 của ngân hàng mẹ được giữ vững ở dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tại HD SAISON, mảng tài chính tiêu dùng tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong 9 tháng đầu năm nay, với dư nợ tăng 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế Công ty đạt 906 tỷ đồng, tăng 126% so với cùng kỳ, ROE đạt 22,9%, là công ty tài chính tiêu dùng hiệu quả dẫn đầu ngành. Công ty hiện sở hữu gần 26.000 điểm giao dịch tài chính tại 63 tỉnh thành, phục vụ trên 13 triệu khách hàng.

Trong khi đó, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance, mã EVF - sàn HOSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 226,6 tỷ đồng, tăng 58,2% so với cùng kỳ và lũy kế 9 tháng đạt 537,3 tỷ đồng, tăng 56,8% so với cùng kỳ 2023, thực hiện được hơn 91% kế hoạch năm (585 tỷ đồng).

Quý III/2024, động lực tăng trưởng lợi nhuận chính của EVN Finance đến từ thu nhập lãi thuần, khoản mục này đã tăng 48% so với cùng kỳ, mang về 391 tỷ đồng. Cùng với đó, lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh đem về 2,9 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác cũng tăng từ 3,9 tỷ đồng trong quý III năm ngoái lên 4,1 tỷ đồng trong quý IV/2024.

Tuy nhiên, trong kỳ, các mảng kinh doanh khác, bao gồm hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, chứng khoán đầu tư, thu nhập từ góp vốn mua cổ phần đều ghi nhận lợi nhuận giảm hoặc thua lỗ. Cụ thể, lãi thuần từ dịch vụ và góp vốn mua cổ phần giảm lần lượt 33,6% và 67,9%, xuống còn 8,7 tỷ đồng và 0,9 tỷ đồng; mảng kinh doanh ngoại hối lỗ 16,3 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm trước; và chứng khoán đầu tư lỗ 29,2 tỷ đồng.

Tổng thu nhập hoạt động của EVN tăng 59,1%, lên 362,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động tăng từ 40,3 tỷ đồng lên 98 tỷ đồng, tương ứng 143,1%, tuy nhiên chi phí dự phòng giảm 14,5% đã hỗ trợ cho lợi nhuận của doanh nghiệp. Kết quả, công ty tài chính này thu về 180,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế quý III/2024, tăng 57% so với cùng kỳ và lũy kế 9 tháng đạt 429,8 tỷ đồng, tăng 56,2% so với cùng kỳ 2023.

Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) cũng vừa công bố Báo cáo tài chính quý III/2024 với nhiều thông tin lạc quan hơn thời điểm quý trước cũng như cùng kỳ năm ngoái. 

Cụ thể, tính đến 30/9, tổng tài sản của VietCredit đạt hơn 4.489 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tài sản từ cho vay và huy động vốn từ các tổ chức tín dụng. Chất lượng tài sản cải thiện, trong đó tỷ lệ nợ xấu đạt 11,87%, giảm so với con số 13,08% của cuối quý II/2024. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 74,27%, tăng so với 63,3% cuối quý II/2024. 

Về thu nhập, tổng thu nhập hoạt động đạt 241,64 tỷ đồng, giảm 16,43% so với cùng kỳ và tăng 120,79% so với quý II/2024. Thu nhập lãi thuần quý III đạt 179,65 tỷ đồng, tăng 7% so với quý II/2024, tuy nhiên vẫn thấp hơn 34,17% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động khác đạt 83,6 tỷ đồng, tăng 379,79% so với cùng kỳ. Tỷ trọng thu nhập từ hoạt động cho vay kỹ thuật số, thu hồi và quản lý tín dụng được cải thiện đáng kể.  

Về chi phí, nhìn chung các khoản chi phí lớn có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Quý III/2024, VietCredit ghi nhận chi phí hoạt động giảm 30,6% so với cùng kỳ, đạt 100,5 tỷ đồng. Công ty cũng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 177,5 tỷ đồng, giảm 14,05% so với cùng kỳ. Với CIR ở mức 41,62%, Công ty đã kiểm soát chi phí hoạt động hiệu quả hơn, cắt giảm được chi phí hoạt động so với cùng kỳ quý III/2023 là 50,12%.  

Kết quả, các dữ liệu tăng doanh thu và giảm chi phí có phần triển vọng, mặc dù vậy, lợi nhuận sau thuế quý III/2024 của VietCredit vẫn ghi nhận lỗ 36,5 tỷ đồng. Điều khả quan là con số lỗ này đã giảm được rất nhiều so với quý II/2024 (lỗ 193,9 tỷ đồng) và so với cùng kỳ (lỗ 62,3 tỷ đồng).  Về chiến lược kinh doanh, việc giảm được đáng kể chi phí hoạt động (hơn 30%) là kết quả của việc tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy hoạt động, hiệu quả hóa các nguồn lực để phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay. Tỷ lệ nợ xấu đang được cải thiện đáng kể cũng giúp cho chi phí dự phòng giảm 14%.

Giới phân tích cho rằng, tín dụng tiêu dùng đã trải qua 2023 khốc liệt nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, với các chính sách kích cầu, tăng sức mua cùng sự thay đổi từ chính nội lực của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính bức tranh được kỳ vọng sẽ “không thể xấu hơn”.

Fiin Group nhận định, thị trường tài chính tiêu dùng đang bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới. Sự phục hồi của thị trường sẽ rõ rệt hơn từ nửa sau của năm nay. Trước mắt, được hỗ trợ bởi các dấu hiệu tích cực từ môi trường kinh tế vĩ mô gồm sự hồi phục của các ngành sản xuất và xuất khẩu dự kiến sẽ cải thiện chất lượng tín dụng, nhu cầu tín dụng của công nhân, lao động động phổ thông… là các tập khách hàng chính trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng và từ việc số hóa hành trình khách hàng, cải thiện trải nghiệm khách hàng, tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng.

Tuy nhiên, theo Fiin Group, tình trạng nợ xấu ở khối tiêu dùng vẫn đáng lo ngại. Thời gian qua đã xuất hiện những hội nhóm lôi kéo, bày cho nhau cách bùng nợ, chây ì trả nợ… khiến công tác thu hồi nợ đối với nhóm khách hàng này vẫn khó.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn