Tín dụng xanh cần khơi thông

Tăng trưởng cao, dư địa lớn

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia: Ngăn tín dụng xanh chảy vào những lĩnh vực không xanh

Để thúc đẩy tín dụng xanh, đầu tiên cần có định nghĩa rõ ràng về danh mục lĩnh vực, ngành nghề để xác định được dự án xanh để ngân hàng mạnh dạn áp dụng những cơ chế ưu đãi. Trong kế hoạch 5 năm tới (2026-2030), Chính phủ cần lấy triết lý phát triển xanh làm tiêu chí dẫn dắt các chính sách. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu mở rộng hạn mức hoặc không tính hạn mức đối với tín dụng xanh để ngân hàng có thêm dư địa cho vay mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần nâng cao năng lực quản trị về tín dụng xanh, có đội ngũ chuyên nghiệp đánh giá môi trường, đánh giá tác động để thực thi và giám sát, tránh tình trạng tín dụng xanh chảy vào những lĩnh vực không xanh.

Cuối tháng 5 vừa qua, Ngân hàng HSBC đã ký kết thỏa thuận tài trợ tín dụng liên kết bền vững đầu tiên cho một DN Việt Nam trong lĩnh vực khai thác cảng và logistics, đó là Công ty CP Gemadept. HSBC cho biết, để tham gia vào khoản vay này, không chỉ có kết quả kinh doanh khả quan, Gemadept đã trải qua quy trình quản lý và phê duyệt tín dụng bền vững của HSBC, đồng thời xây dựng những mục tiêu cụ thể, rõ ràng trong chiến lược phát triển xanh và bền vững của mình.

Trước đó ít ngày, DN hàng đầu Việt Nam về các sản phẩm từ dừa là Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) cũng đã ký kết thỏa thuận tiện ích tài trợ thương mại xanh với Ngân hàng UOB Việt Nam. Để đạt được thỏa thuận này, Betrimex đã vượt qua quy trình xét duyệt tín dụng xanh vô cùng nghiêm ngặt của UOB Việt Nam, tập trung vào việc đánh giá sự tuân thủ các nguyên tắc ESG (môi trường, xã hội và quản trị) của DN. UOB cho biết, trước Betrimex, ngân hàng đã từng cấp tín dụng cho 17 dự án năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, cùng với 7 dự án công nghiệp xanh, tính đến quý 4/2023.

Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc cấp cao Khối khách hàng DN, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, so với các nền kinh tế phát triển, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để chuyển dịch sang nền kinh tế xanh. Cụ thể, Việt Nam đang trực tiếp đầu tư vào hạ tầng mới mà không phải chịu nhiều gánh nặng tạm ngừng sản xuất để tháo dỡ hạ tầng cũ như tại các nước phát triển. Tuy nhiên, số vốn cần thiết cho quá trình này dự kiến sẽ rất lớn, lên đến 140 tỷ USD trong vòng 9 năm tới, chủ yếu dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Ông Ngô Bình Nguyên, Giám đốc Chiến lược Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, gần đây các khách hàng DN của ngân hàng đã chia sẻ rất nhiều về mong muốn phát triển theo hướng bền vững, có thực hành ESG để đáp ứng yêu cầu của các đối tác quốc tế. Trước nhu cầu đó, OCB đã đặt ra mục tiêu trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên có Chiến lược phát triển ngân hàng xanh và phát triển bền vững.

Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, thời gian qua, nhiều tổ chức tín dụng đã chủ động hợp tác, tiếp nhận các nguồn vốn xanh, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho một số hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng. Giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Đến 31/3, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt gần 637 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống tổ chức tín dụng tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TPHCM đánh giá, dù dư nợ tín dụng xanh còn khiêm tốn, nhưng nếu so với con số dư nợ khoảng 71.000 tỷ đồng ở thời điểm cuối 2015, dư nợ xanh đã gấp 9 lần và cao hơn rất nhiều so với tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Về cơ cấu, trong tổng dư nợ 637.000 tỷ đồng của tín dụng xanh, tín dụng trung - dài hạn chiếm khoảng 77%, bao gồm nông nghiệp xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, nước sạch cho đô thị, nông thôn, lâm nghiệp…

Ông Minh cũng nhìn nhận, sau hội nghị COP26, ngân hàng Standard Chartered đã cam kết các khoản tài chính lên tới 6 tỷ USD để tài trợ cho các cái dự án xanh mà Tập đoàn T&T Group triển khai tại Việt Nam. Bên cạnh đó, HDBank đã cùng Quỹ Đầu tư quốc tế Affinity và Proparco (Tổ chức tài chính phát triển của Pháp) cũng đã ký kết một thỏa thuận hợp tác về việc hỗ trợ huy động vốn trị giá khoảng 400 triệu USD nhằm tài trợ cho các chương trình phát triển bền vững, các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Những hợp tác này cùng với các hành lang pháp lý và quyết tâm của Chính phủ cũng như của ngành ngân hàng sẽ là bệ đỡ cho tín dụng xanh tăng trưởng trong thời gian tới.

Nhiều lỗ hổng gây trở ngại

Dù đã có những bước tiến đáng kể, song việc phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn gặp không ít trở ngại. Từ góc nhìn của một ngân hàng nước ngoài, bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc toàn quốc Khối Khách hàng DN lớn, HSBC Việt Nam chỉ ra rằng, Việt Nam chưa có hệ thống phân loại chi tiết tài chính bền vững để định nghĩa chính xác "xanh" và "bền vững" nghĩa là gì. Mặc dù Chính phủ đang nghiên cứu khung pháp lý chính thức nhưng ngành ngân hàng vẫn đang phải dựa vào hệ thống của nội bộ mỗi ngân hàng và phải tự giám sát liên tục. Việc thiếu vắng những quy định rõ ràng cũng dẫn đến tâm lý chần chừ khi tiến hành dự án bền vững quy mô lớn vốn đòi hỏi phải tuân theo một quy trình tài chính phức tạp.

Ông Ngô Bình Nguyên cũng cho hay, do thiếu khung hướng dẫn cụ thể để các ngân hàng triển khai, OCB đã phải đi theo hướng tham khảo từ các đối tác chiến lược có kinh nghiệm triển khai từ những thị trường quốc tế, từ đó xây dựng chính sách của ngân hàng về cho vay xanh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Bà Lâm Thúy Nga cũng nêu thêm trở ngại về hạn chế về dữ liệu và báo cáo. Trong mắt nhà đầu tư, người tiêu dùng và cả nhân viên, báo cáo về chiến lược và hoạt động ESG cho thấy những chỉ số quan trọng phản ánh tình hình "sức khỏe" của DN và tác động DN tới môi trường. Mặc dù vậy, hiện tại, nhiều DN chưa có báo cáo ESG hoặc nếu có thì cũng hạn chế, do DN chưa hiểu rõ các yêu cầu về dữ liệu ESG. Để cải thiện tình hình này, bà Nga cho rằng các nhà quản lý có vai trò hết sức quan trọng trong việc hướng dẫn DN cũng như có những quy định yêu cầu để tạo thêm động lực cho DN chú trọng hơn vào thu thập, phân tích dữ liệu và làm báo cáo chỉn chu.

Đồng thời, các tiêu chuẩn bền vững chung hiện nay đối với DN Việt Nam cũng là rào cản cho việc tiếp cận nguồn vốn vay. Do các tiêu chuẩn chính thức của Việt Nam chưa có hoặc chưa chính thức triển khai, các tổ chức tài chính như HSBC phải dùng các tiêu chuẩn quốc tế và có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của thị trường. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn này có thể quá cao đối với hầu hết các công ty, khiến DN không thể tiếp cận được nguồn tài chính bền vững.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn